Ảnh minh họa
Đang sẵn bực dọc trong người cộng với đợt dịch này Nam không bán được hàng, thu nhập giảm sút nghiêm trọng nên khi nghe vợ có ý định tiếp tục muốn tích đồ, Nam đã không giữ nổi bình tĩnh...
Theo lời người đàn ông này, nguyên nhân bắt đầu từ khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Đêm ấy, Thi - vợ anh đã đứng ngồi không yên. Cô nói sáng dậy phải đi mua ít đồ dự trữ. Thấy vậy, Nam cũng chỉ ậm ừ vì việc chợ búa anh vốn không quan tâm lắm. Nào ngờ, khi thấy số lượng thực phẩm mà vợ mang về, Nam thực sự bị choáng.
"Khi tôi vừa ngủ dậy, vợ tôi đã có chuyến hàng đầu tiên về nhà. Đếm sơ cũng gần 20 túi lớn nhỏ, chủ yếu là thịt lợn, xương, củ quả, lạc, cá khô… Tôi bắt đầu choáng tập 1. Chừng 30 phút sau, cô ấy có chuyến hàng thứ hai. Lần này, vợ tôi khuân về nửa bao tải gạo, 3 thùng mì tôm, miến, bánh phở, dầu ăn, muối, mì chính, gia vị các loại. Tôi choáng tập 2.
Bê đồ xuống xong cô ấy lại dắt xe đi tiếp. Tôi hỏi còn định mua gì nữa thì cô ấy nói, còn sữa cho con, giấy ăn, giấy vệ sinh và nhiều đồ linh tinh khác. Phải đi nhanh không mọi người mua hết.
Nghe vợ nói, tôi tưởng chừng như nạn đói sắp diễn ra và cô ấy sắp bê cả cửa hàng về nhà. Và quả thực, ngày hôm ấy, vợ tôi bày la liệt hàng hóa, thực phẩm dưới nền nhà, hệt như cách mà lũ trẻ con hay bày bán đồ hàng ngày nhỏ", Nam ngậm ngùi nói.
Sau công cuộc mua đồ, Thi bắt đầu soạn hàng, chia túi lớn túi bé rồi nhét vào tủ lạnh. Chiếc tủ chật không còn một chỗ trống. Đó là chưa kể, rất nhiều đồ khô đã được cất ở chạn bếp.
Vừa làm, Thi không quên lẩm bẩm, tất cả những đồ ấy cô phải giành giật, rất khó khăn mới mua được. Giá của chúng đội lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cô cũng chấp nhận mua khiến Nam vô cùng ngạc nhiên.
Phàn nàn về việc dự trữ thái quá của vợ và giải thích rằng, việc dự trữ đồ không hề cần thiết, Nam nhận được cái nguýt dài của vợ kèm câu nói: "Nhỡ chẳng may dịch lan rộng, thành phố bị phong tỏa thì chết đói à. Cứ mua dự trữ đây, thừa còn hơn thiếu". Nghe lý sự của vợ, Nam cũng chẳng buồn đáp vì không muốn gây thêm xung đột.
Nhưng những gì đang diễn ra hơn một tuần qua thực sự khiến Nam không thể chịu đựng tiếp. Hôm nào Nam cũng phải mang cơm hộp đi làm theo "chỉ đạo" của vợ. Một phần là vì vợ anh lo chồng bị lây bệnh nên yêu cầu chồng không được ăn hàng, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Phần khác là do thực phẩm quá nhiều, không ăn bớt đi, không biết đến bao giờ mới hết.
Nam chia sẻ, thời gian qua, anh đã thấy "ngán tận cổ" với những hộp cơm nguội ngắt, nhạt nhẽo từ những thực phẩm được giã đông từ trong tủ lạnh. Đã thế, các món lại cứ na ná giống nhau. Hết thịt xay, thịt luộc rồi lại thịt rang. Giờ cứ nhắc đến thịt, anh đã thấy rùng mình. Rồi có hôm mở hộp cơm lẫn mùi cá khô bị hấp hơi trong cơm nóng, anh không còn thiết ăn uống gì nữa.
Ở công ty là vậy, tối về nhà, nhìn mâm cơm cũng toàn những món quen thuộc khiến Nam chẳng muốn động đũa. Việc ăn uống không ngon miệng cũng ảnh hưởng đến không khí trong gia đình. Nam trở nên bực dọc hơn. Anh cũng ít còn hứng thú gần gũi với vợ.
Không chỉ Nam, cậu con trai 5 tuổi của anh cũng đang trải qua những ngày sinh hoạt đảo lộn. Trước đây, bé rất thích ăn mì tôm nhưng luôn bị mẹ hạn chế ăn vì sợ cay nóng, không tốt cho sức khỏe. Ấy vậy mà, từ ngày vợ anh khuân 3 thùng mì về, cu cậu lại là nơi để "tiêu thụ" số mì ấy đều đặn hàng ngày. Thậm chí, vợ anh còn khuyến khích con lấy mì tôm để ăn sống thay cho… bim bim. Ngày nào cũng mì tôm khiến cu cậu cũng bắt đầu thấy sợ món này.
Cuối tuần trước, Nam đề nghị vợ nên đổi bữa bằng các món hải sản tươi sống cho đỡ ngán thì bị Thi gắt: "Trong tủ còn một đống đồ ăn. Tiền đi chợ tháng này em đã dồn hết vào đấy rồi, lấy đâu tiền mua hải sản. Anh có tiền thì đưa đây để em đi chợ. Em mua thêm ít đồ để dự phòng. Số ca mắc ở Hà Nội đang tăng thì phải".
Đang sẵn bực dọc trong người cộng với đợt dịch này Nam không bán được hàng, thu nhập giảm sút nghiêm trọng nên khi nghe vợ có ý định tiếp tục muốn tích đồ, Nam nổi cáu quát: "Đúng là không thể hiểu nổi. Tranh cướp nhau, bỏ ra một đống tiền để mua đắt gấp đôi gấp ba về làm gì. Tiền một đống mà phải ăn toàn đồ cũ. Một lần cô vẫn chưa sáng mắt ra à. Thế mà lại còn đòi mua thêm?".
"Có phải mình tôi lo thế đâu. Biết bao người cũng tranh nhau mua đồ đấy thôi. Dịch bệnh biết thế nào mà lường. Cứ mua để sẵn cũng được. Tiện có cái mà ăn luôn. Anh chịu khó một vài tuần không được à, làm gì mà sồn sồn lên thế", Thi cũng lớn tiếng nói với chồng.
"Chẳng hiểu sao thời đại này rồi mà còn lo chết đói. Đúng là suy nghĩ thiển cận. Khổ mình, khổ cả hai bố con tôi".
Nói xong, Nam vùng vằng đi ra ngoài. Vợ chồng anh chính thức "chiến tranh lạnh", không ai chịu xuống nước làm hòa. Nam biết, dịch bệnh chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai, cũng như tình trạng của vợ chồng anh. Nếu không để vợ hiểu tích trữ đồ là không cần thiết, không nên quá hoang mang lo lắng thì không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ…