Sinh đôi khi lên chức ông bà
Vợ chồng ông Hoàng Văn Thịnh (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sâm (52 tuổi, Nghệ An) đã có 33 năm chung sống.
Ông bà ở cùng xóm, ra vào gặp mặt nhau. Lâu dần, hai người nảy sinh tình cảm, đồng lòng xây dựng gia đình. Sau 2 năm, ông bà hạnh phúc chào đón con trai đầu lòng. Từ đó, cách 1-3 năm, ông bà lần lượt đón thêm các con trai, con gái.
Năm 2017, bà Sâm mang thai đôi ở tuổi 45, khi đã lên chức bà.
Trong chuyến du lịch TPHCM, bà Sâm chuyển dạ và sinh 2 con gái tại Bệnh viện Từ Dũ. Tổng số con của ông bà được nâng lên 15 người, gồm 6 trai, 9 gái. Đồng thời, câu chuyện gia đình đông con của ông bà cũng bắt đầu được nhiều người biết đến.
Thời điểm đó và hiện tại, ông Thịnh đều khẳng định, gia đình không phải cố sinh để tìm con trai. Vợ chồng ông quan niệm “con cái là trời cho”, nên còn sức khỏe và có duyên thì vẫn sinh thêm.
Nhà đông con, mỗi bữa cơm, ông Thịnh phải nấu khoảng 2kg gạo, mỗi lần mua sữa là mua vài thùng. Em nhỏ mặc lại quần áo của anh chị, dùng sách giáo khoa cũ.
“Đứa lớn phải trông đứa bé, phụ bố mẹ việc nhà. Con tôi tập tính tự lập từ bé, 8-9 tuổi đã biết chăm sóc các em. Khi các con còn nhỏ, vợ tôi thường dùng chiếc chuông nhỏ để đánh thức và tập hợp ăn cơm.
Nghe tiếng chuông, các con chạy vào bếp, ngồi xuống ăn cơm. Ăn xong, mấy con lớn chia nhau dọn dẹp, rửa chén…”, ông Thịnh kể.
Buổi tối, các con lớn học bài, con nhỏ chơi cùng bố mẹ. Những con nhỏ được ngủ với bố mẹ. Với các con lớn hơn, chị em gái ngủ chung 1 phòng, anh em trai ngủ chung phòng khác.
Bà Sâm sinh đôi khi đã lên chức bà
Hiện tại, ông bà có 6 người con đã lập gia đình, 1 người con không may mất sớm.
Ngoại trừ 1 con gái định cư nước ngoài, các con còn lại đều sống gần bố mẹ.
Càng sinh con càng dư dả
Vợ chồng ông Thịnh xây dựng tổ ấm từ đôi bàn tay trắng. Ban đầu, hai người làm nông nhưng thu nhập không đủ nuôi con.
Các con lần lượt chào đời, áp lực kinh tế đè nặng trên vai ông Thịnh. Ông chuyển sang buôn bán nhỏ. Ông buôn bán đủ thứ, bắt đầu là lươn, ếch, gà, vịt… sau tìm hiểu kinh doanh bất động sản…
“Cái gì bán có lãi mà không vi phạm pháp luật, tôi đều xắn tay vào làm. Ngoài nghị lực, tôi may mắn được bạn bè, bà con thương yêu. Ông bà bảo may hơn khôn. Mình sống đàng hoàng, tử tế thì gặp may mắn, buôn bán sinh lời”, ông Thịnh cho biết.
Con cháu tụ họp về thăm vợ chồng ông Thịnh
Kinh doanh thuận lợi, cuộc sống gia đình dư dả, các con nhỏ được chăm sóc đầy đủ hơn. Các con lớn học đến đại học, con nhỏ noi gương cố gắng học hành chăm chỉ.
Những người biết gia đình ông Thịnh đông con đều bày tỏ sự ngưỡng mộ. Thỉnh thoảng nếu có người thắc mắc, cho rằng vợ chồng sinh 15 con không thể nào nuôi nổi, dân trong làng lại kể ngay cơ ngơi đồ sộ của vợ chồng ông.
Ông Thịnh nói: “Có lẽ, trời thương và các con mang đến may mắn. Năm nào vợ tôi sinh con thì công việc kinh doanh của tôi lại suôn sẻ, phát triển”.
Kinh tế gia đình có chồng lo, bà Sâm chỉ việc tập trung nuôi dạy các con nên người. Ông Thịnh chưa bao giờ xem nhẹ công việc nội trợ của bà Sâm. Ông thấu hiểu nỗi vất vả, bộn bề lo toan của vợ xoay quanh 15 con.
Hiện tại, gia đình có đầy đủ điều kiện vật chất lẫn tinh thần. Cả nhà sống trong cơ ngơi khang trang, có ô tô. Ông Thịnh là chủ đầu tư của một loạt dự án bất động sản tại TPHCM. Gia đình còn sở hữu các khách sạn ở Lâm Đồng, TPHCM.
Khi các con đi vào nề nếp, bà Sâm không thích cảnh "ngồi mát ăn bát vàng". Bà làm trang trại trồng hàng trăm cây ăn trái, đào ao nuôi ốc, chăn thả gà vịt...
Những con lớn đã lập gia đình đều được bố mẹ cấp vốn, nhà, xe. Từ nền tảng đó, các con nỗ lực lao động, xây dựng mái ấm riêng hạnh phúc.
Cưu mang những mảnh đời kém may mắn
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Thịnh quyết tâm mở trung tâm nuôi dưỡng, cưu mang những số phận kém may mắn.
Ông tâm sự: “Nhiều năm trước, tôi bắt gặp những đứa trẻ tật nguyền, người già neo đơn… chật vật mưu sinh trên phố. Trong những chuyến buôn bán xa nhà, tôi đau lòng, tự nhủ phải làm gì đó khi nhìn các bệnh nhân tâm thần rách rưới, bơ vơ dưới nắng mưa”.
Ông Thịnh tự mình tìm người bệnh tâm thần đưa về nuôi dưỡng
Tháng 12/2012, mái ấm Thiện Tâm Faustina của ông Thịnh được thành lập dưới sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Nơi đây trở thành nhà của bệnh nhân tâm thần, mồ côi, khuyết tật, neo đơn và vô gia cư.
Nhiều lần, ông Thịnh còn cùng người giúp việc vào các nghĩa trang tìm người tâm thần đưa về chăm nuôi. Ông trực tiếp tắm rửa, cắt tóc, ăn chung mâm cùng họ.
Nếu như ông Thịnh và các mạnh thường quân lo toan chi phí hoạt động thì các tu sĩ tình nguyện phục vụ tại mái ấm.
Nhờ sự đồng lòng của các bên, mái ấm lưa thưa mái ngói, cơ sở vật chất thiếu thốn đã phát triển thành 3 cơ sở khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại.
Lãnh đạo UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cho biết, gia đình ông Hoàng Văn Thịnh (SN 1972) và bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1972) ngụ xóm Phú Vinh, xã Đô Thành. Vợ chồng ông Thịnh là người công giáo, hiện còn 14 người con ruột. Trước đây, vợ chồng ông Thịnh buôn bán, chủ yếu là buôn lươn từ Bắc vào Nam. Sau này, gia đình tập trung kinh doanh bất động sản ở Nghệ An và TPHCM. Vợ chồng ông Thịnh sống bình thường, ít có điều tiếng ở địa phương.
Mái ấm Thiện Tâm Faustina trên địa bàn xã Đô Thành. Ảnh: Việt Hòa Trên địa bàn xã Đô Thành, cơ sở mái ấm Thiện Tâm Faustina của ông Thành đang cưu mang hơn 100 người đến từ nhiều địa phương khác nhau. Những dịp lễ, chính quyền địa phương cũng đến thăm hỏi, tặng quà các hoàn cảnh sống tại trung tâm. Việt Hòa |
Ảnh: Nhân vật cung cấp