Theo trang Sina đưa tin, một vụ việc tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc khiến dân tình xôn xao. Theo đó, anh Diệp và vợ mình kết hôn đã được 4 năm, có chung với nhau một người con gái.
Cách đây không lâu, một tai nạn ô tô thương tâm xảy ra cướp đi tính mạng của vợ anh Diệp, cô con gái 3 tuổi may mắn sống sót.
Cảnh sát sau đó cũng điều tra vụ tai nạn và xác định được tài xế đã gây tai nạn cho người vợ. Sau một thời gian thương lượng, người gây tai nạn đã đồng ý bồi thường cho phía gia đình anh Diệp 1,58 triệu nhân dân tệ (hơn 5,6 tỷ đồng).
Tuy nhiên, điều mà anh Diệp không thể ngờ tới được đó là ngay sau khi biết tin anh sẽ nhận được tiền bồi thường, bố mẹ vợ của anh lập tức đến nhà đòi chia tiền, thậm chí còn muốn khởi kiện.
Khi vợ vừa mất được 100 ngày thì anh Diệp đã bị nhà gái kiện ra tòa và đòi chia 60% tiền bồi thường. Anh Diệp cho rằng, nhà gái làm như vậy là không đúng khi vợ vừa mất, bản thân lâm cảnh "gà trống nuôi con". Trong khi con gái của anh còn quá nhỏ, ấy vậy mà bố mẹ vợ đành lòng đòi chia số tiền ấy.
Điều khiến anh Diệp bất ngờ hơn khi biết lý do dẫn đến việc nhà gái kiện anh và đòi chia tiền vì vợ của anh không phải con ruột của họ.
Người đàn ông này cho biết, vợ anh quê ở Giang Tây, bố mẹ ruột vì không có tiền nuôi nên đã mang con gái cho người khác nuôi. Và bố mẹ hiện tại của vợ anh Diệp chỉ là bố mẹ nuôi và họ có một người con trai ruột. Từ đây anh đoán rằng mục đích đòi 60% số tiền bồi thường là cho con trai ruột của họ.
Anh Diệp bức xúc vì hành động của bố mẹ vợ
Về vấn đề này, người bố nuôi cũng đã đưa ra quan điểm của mình. Ông này cho rằng số tiền bồi thường là 1,58 triệu nhân dân tệ, trong đó 260.000 nhân dân tệ (hơn 920 triệu đồng) là tiền chu cấp cho cháu gái thì anh Diệp được giữ. Số tiền còn lại 1,32 triệu nhân dân tệ (gần 4,7 tỷ đồng) thì nên được chia ra, 60% thuộc về bố mẹ vợ.
Vậy tại sao lại là 60%? Người bố vợ nói tiếp rằng kể từ sau khi con gái nuôi qua đời, thái độ của anh Diệp khác hẳn, không còn quan tâm mà ngược lại vô cùng thờ ơ, lạnh nhạt với gia đình nhà vợ, khiến họ không thể chấp nhận được.
Người bố vợ nói thêm: "Chúng tôi đã sống với con gái hơn 20 năm, còn họ mới quen nhau 3 năm, thật không công bằng chút nào. Đến một ngày nào đó, anh ta cũng sẽ lấy vợ mới và sinh thêm những đứa con khác".
Nói về việc sẽ kiểm soát tiền như thế nào nếu nhận được khoản bồi thường, người bố vợ nói rằng: "Tiền này là của tôi nên tôi hoàn toàn có quyền quyết định. Tôi sẽ để dành 200.000 đến 300.000 nhân dân tệ cho con mình, nhưng tôi sẽ không đưa cho anh Diệp. Nếu anh ta lấy người vợ mới, không có gì đảm bảo cháu gái tôi sẽ được đối xử công bằng".
Vậy, yêu cầu của bố vợ về khoản 60% tiền bồi thường của vợ anh Diệp là có hợp lý hay không?
Luật sư Ngô Địch, đại diện văn phòng Luật sư ở Hàng Châu cho biết, số tiền bồi thường này không phải là tài sản thừa kế. Vì vậy cần đặt sự chăm lo cho lợi ích gia đình lên hàng đầu. Vì gia đình có con nhỏ và người già, nên trích ra một khoản để nuôi dưỡng, số tiền này không liên quan đến vấn đề thừa kế.
Luật sư cho rằng, việc bồi thường cần do tòa án quyết định, nếu đây là di sản thừa kế thì sẽ do người thừa kế thứ nhất thụ hưởng. Nếu số tiền này là sự đền bù cho gia đình người mất thì cần phải đặt quyền lợi của trẻ em và người già lên hàng đầu.