Thời xưa, địa vị của phụ nữ trong xã hội cực thấp, đặc biệt là sau khi lấy chồng, phụ nữ giống như cây dây leo, phải sống dựa dẫm, hoàn toàn phụ thuộc, đến chính số phận của mình cũng không có quyền tự quyết.
Xã hội nam quyền, đàn ông có thể coi vợ như đồ vật, đem thế chấp, đem cho thuê khi thiếu tiền.
Theo sử sách ghi lại, hiện tượng thế chấp vợ, cho thuê vợ xuất hiện từ thời kỳ Nam- Bắc triều. Mặc dù triều đình có ban bố lệnh cấm, thế nhưng phép vua thua lệ làng, hiện tượng này vẫn lan rộng, thậm chí còn trở thành phong trào.
Theo đó, thế chấp vợ hay còn gọi là "gán vợ", là hình thức đem vợ mình đi làm tin, đổi lấy một khoản tiền, có giao ước về thời gian. Đến đúng ngày, đúng tháng, phải đem tiền đến đủ mới lấy được vợ về.
Ngược lại, cho thuê vợ là hình thức đem vợ cho người khác thuê. Phía đi thuê phải trả cho người chồng một khoản tiền theo thỏa thuận, sau đó đưa người vợ đi. Thời gian bị cho thuê, người vợ phải tận tâm, tận lực hầu hạ nhà chồng mới tạm thời. Hết thời gian thuê, người vợ sẽ được trả về với gia đình chồng cũ.
Hai hình thức này còn được gọi chung là cầm cố vợ. Đến thời nhà Tống, kinh tế phát triển, loại hiện tượng này lại càng trở nên phổ biến.
Căn cứ theo ghi chép trong cuốn "Tư trị thông giám", năm 1075, nạn hạn hán, nạn châu chấu bùng phát, dân chúng đem vợ đi bán, đi gán nợ khắp nơi, gia đình chia lìa. Đến năm 1086, nhiều gia đình không có lúa mạ, cần mua ruộng, hiện tượng đem vợ đi cầm cố, cho thuê nhiều không thể đếm.
Sau đó, có vị đại thần thấy hiện tượng này ngày càng phát triển theo chiều hướng tiêu cực, liền tâu lên triều đình, thỉnh hoàng đế ban lệnh cấm.
Lệnh cấm được ban ra, nhưng không được thực thi triệt để. Vì vậy, chỉ cần có nạn đói, cuộc sống lầm than, hiện tượng này lại trở nên thịnh hành. Đến thời nhà Minh, nhà Thanh vẫn còn tồn tại.
Tìm hiểu kỹ hơn thì được biết, tục cầm cố vợ nói đơn giản nhưng thật ra rất chú ý đến nghi thức. Tất cả đều phải trải qua đầy đủ các bước, nhờ người môi giới, lập giấy chứng nhận, ký kết hợp đồng giao kèo, đính ước, đặt sinh lễ, cuối cùng là tiền trao, người đến.
Xong xuôi, những người phụ nữ bị đem đi gán nợ, thế chấp hoặc cho thuê, sẽ hoàn toàn phải phục tùng chủ nợ, phục tùng người thuê mình. Nói một cách chính xác hơn, họ bị coi là đồ vật, là một loại công cụ có khả năng sinh dục, không được nói bất cứ điều kiện gì.
Trong suốt thời gian bị đem đi gán nợ, cho thuê, những người phụ nữ này không được ở cùng chồng cũ, thậm chí không được về nhà để chăm sóc, quan tâm đến con mình. Chỉ bao giờ hoàn thành hết thời gian đã giao hẹn trong hợp đồng, họ mới được trở về.
Loại hợp đồng này đối với phụ nữ thời xưa chẳng khác nào hợp đồng bán thân. Một khi hợp đồng được ký kết, những người phụ nữ số khổ này sẽ phải chịu đựng sẽ đùa giỡn của số phận, sống không bằng chết. Cuộc đời của họ đa số đều chất chồng những mệt mỏi, đau đớn, dày vò. Vì vậy, mệnh thường không thọ.
Có những người bị đem đi cho thuê, dù đã rất cố gắng nhưng cuối cùng vẫn không chịu nổi khổ cực, không đợi được đến ngày hết thời hạn hợp đồng đã bỏ mạng oan ức.
Cũng lại có người đến hạn đáo nợ mà chồng không có đủ tiền, lại bị bán đi, xui xẻo còn phải vào kỹ viện, mua vui cho thiên hạ, tủi nhục, xót xa vô cùng.