Điện Buckingham đã tiết lộ thêm những chi tiết về các sự kiện sẽ diễn ra vào lễ đăng quang của một vị vua sau hơn 70 năm. Lễ đăng quang gần nhất chính là của Nữ vương Elizabeth II vào năm 1953. Sau khi bà qua đời vào tháng 9/2022, Vua Charles III lên ngôi.
Những lễ đăng quang trong quá khứ có liên quan đến rất nhiều nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên, Vua Charles mong muốn lễ đăng quang lần này sẽ lược bỏ một số lễ nghi phức tạp, để hiện đại và tinh gọn hơn. Điện Buckingham cũng cho biết, lễ đăng quang của Vua Charles sẽ "phản ánh vai trò của quốc vương hiện tại và hướng tới tương lai, đồng thời vẫn lưu giữ giá trị truyền thống lâu đời".
Nhưng trên hết, Nhà vua sẽ không bỏ qua nghi thức thiêng liêng nhất của buổi lễ, đó chính là nghi lễ xức dầu. Chính vì sự tôn nghiêm của nghi lễ này, nên việc xức dầu sẽ được thực hiện dưới hình thức kín đáo và riêng tư. Trước đây Nữ vương Elizabeth cũng đã tuân thủ theo quy tắc này.
Trước đây Nữ vương Elizabeth cũng đã tuân thủ theo quy tắc này.
Chi tiết về nghi thức xức dầu truyền thống
Nghi thức xức dầu, được gọi là Đạo luật Tận hiến (Act of Consecration), sẽ diễn ra trước lễ truyền chức và trao vương miện, và được cử hành bởi Đức Tổng Giám mục. Tại lễ đăng quang của Vua Charles, Tổng Giám mục Canterbury sẽ là người xức dầu cho Nhà vua.
Truyền thống xức dầu bắt nguồn từ sách Cựu Ước của Kinh Thánh, mô tả Tư tế Zadok và Nhà tiên tri Nathan xức dầu cho vua Salomon. Đây cũng là một trong những bí tích thánh thời trung cổ nhấn mạnh địa vị tâm linh của quốc vương.
Theo Royal Collection Trust, Đức Tổng Giám mục sẽ đổ dầu thánh từ Ampulla (bình) vào Chiếc thìa Đăng quang mạ bạc hình bầu dục được trang trí bằng ngọc trai và những nét chạm trổ. Ampulla là một chiếc bình bằng vàng nguyên khối có hình đại bàng, được chế tác vào năm 1661 cho lễ đăng quang của Vua Charles II.
Tu viện Westminster, nơi sẽ tổ chức lễ đăng quang, cho biết Ampulla và chiếc thìa là những vật "quan trọng nhất" được sử dụng trong buổi lễ. Cả hai đều đã được sử dụng trong hàng trăm năm, đặc biệt thông tin về chiếc thìa được ghi chép lại lần đầu tiên vào năm 1349. Đây là tác phẩm duy nhất của thợ kim hoàn hoàng gia tồn tại từ thế kỷ 12.
Ampulla và chiếc thìa là những vật "quan trọng nhất" được sử dụng trong buổi lễ.
Trong lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth, bà ngồi trên Ngai Đăng quang trong khi bốn Hiệp sĩ Garter cầm một chiếc màn trướng vàng che trên đầu bà. Đó là lễ đăng quang đầu tiên được truyền hình trực tiếp, nhưng khi chuẩn bị xức dầu, tấm màn trướng được di chuyển để che khuất nghi thức. Theo BBC, Đức Tổng Giám mục sẽ đọc lời chúc lành trong khi xức dầu cho bà. Có lẽ, trong lễ xức dầu của Vua Charles, Đức Tổng Giám mục cũng sẽ đọc lời chúc lành, chỉ thay cụm từ "Nữ hoàng ngự trị các dân tộc" bằng "Đức Vua ngự trị các dân tộc".
Theo truyền thống, dầu thánh được sử dụng cho các lễ đăng quang trong quá khứ có chứa dầu từ loài động vật cầy hương và long diên hương từ ruột cá voi. Tuy nhiên, loại dầu thánh được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles lại được làm từ thực vật. Dầu thánh được làm bằng dầu ô liu và có mùi thơm từ các loại tinh dầu khác như vừng, hoa hồng, hoa nhài, quế, dầu hoa cam, benzoin và hổ phách. Đặc biệt, những nhánh ô liu được chiết xuất làm dầu thánh được thu hoạch từ hai khu rừng trên núi Cây Dầu, nằm ở sườn phía đông thành cổ Jerusalem ở Trung Đông.
Loại dầu thánh được sử dụng trong lễ đăng quang của Vua Charles được làm từ thực vật.
Việc lựa chọn loại dầu cho lễ đăng quang cũng cho thấy ẩn ý của phía Hoàng gia. Cụ thể, dầu ô-liu đến từ Núi Dầu nơi Chúa Giê-su rao giảng. Ngoài ra, dầu ô-liu cũng được lấy từ Tu viện Mary Magdalene tại Vườn Gethsemane, theo Kinh Thánh, đây là nơi Chúa Giê-su bị bắt, và cũng là nơi chôn cất bà nội của Vua Charles, Vương nữ Alice xứ Battenberg.
Tổng Giám mục Canterbury nhận định: "Điều này chứng tỏ mối liên hệ lịch sử sâu sắc giữa Lễ đăng quang, Kinh thánh và Thánh địa. Từ các vị vua cổ đại cho đến ngày nay đều được xức dầu từ nơi linh thiêng này".
Nguồn: Independent, National Post