1. Được lấy cảm hứng từ Astro Boy
Ngay từ khi ra đời vào năm 1942, Astro Boy (Tetsuwan Atom) là một trong những nhân vật cổ điển và được yêu thích bậc nhất trong làng manga. Nhờ vào nhân vật này, Capcom đã tạo nên nhân vật Mega Man của riêng mình - một cậu bé chống lại những con robot và cái ác, đồng thời tìm ra tính người trong bản thân cậu.
Ngoài ra, các chi tiết trong Mega Man cũng được lấy cảm hứng từ vũ trụ Astro Boy. Chiếc mũ của Mega Man cũng phần nào đó "sao chép" lại từ mái tóc kỳ cục Astro, và đặc biệt hơn cả là tinh thần vì công lý của người anh hùng này. Thậm chí, cha đẻ của Megaman, Keiji Inafune, cũng thừa nhận rằng tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ Astro Boy.
2. Cha đẻ Keiji Inafune
Trong Mega Man, người duy nhất được cậu bé này gọi là cha là tiến sĩ Light, còn ở ngoài đời thực, danh hiệu này thuộc về nhà thiết kế Keiji Inafune. Quả thực, ông đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết của mình cho tác phẩm này. Tuy vậy, bản Mega Man đầu tiên lại không được công chúng đón nhận cho lắm và có doanh thu khá bết bát. May mắn là Capcom đã nhìn thấy tiềm năng của trò chơi này và bật đèn xanh cho Inafune làm Mega Man 2, một trong những tựa game side-scroller được đánh giá là hay nhất mọi thời đại.
3. Rock Man hay Mega Man mới là cái tên đúng?
Thực chất, cái tên nguyên gốc của Mega Man là Rock Man. Trò chơi này bị đổi tên bởi vì một giám đốc điều hành của Capcom cho rằng, cái tên Rock Man sẽ không hấp dẫn dẫn cho lắm ở các quốc gia nói tiếng Anh, vì thế nó sẽ được chuyển thành Mega Man. Ở thời điểm hiện tại, bạn muốn dùng cái tên Rock Man hay Mega Man cũng đều được cả.
4. Ý nghĩa của cái tên Rock Man là gì?
Hầu hết các cái tên trogn Rock Man được đặt dựa trên cảm hứng đến từ các thể loại nhạc. Rock Man có cộng sự là một cô nàng tên Roll, nên họ còn được gọi là bộ đôi Rock n Roll. Tương tự là với các nhân vật khác như chú mèo Tango, Beat và Bass.
5. Dr. Light và Dr. Wily là ai ngoài đời thực?
Cốt truyện chính của Mega Man là một cuộc chiến thu nhỏ của 2 nhà bác học, Dr. Light và Dr. Wily. Nếu bạn để ý kỹ, Dr. Light có ngoại hình rất giống ông già Noel trong tưởng tượng với bộ râu trắng muốt bồng bềnh cùng thân hình hơi quá khổ 1 chút, tuy nhiên ông đã đem lại cho game thủ 1 món quà tuyệt vời - Mega Man.
Ngược lại, nhà bác học ác độc Dr. Wily lại được thiết kế theo một nhân vật rất nổi tiếng ngoài đời thực - Albert Einstein. Theo phỏng đoán của các fan, lý do mà Capcom lựa chọn kẻ xấu dựa theo Einstein vì ông này, dù không tham gia trực tiếp, nhưng lại cổ xúy dự án Manhattan -một dự án phát triển năng lượng nguyên tử. Về sau, thứ năng lượng này đã tạo ra thảm họa Hiroshima và Nagasaki, khiến 246 nghìn người dân Nhật Bản thiệt mạng.
6. Dòng thời gian của Mega Man
Có tới 4 dòng Mega Man khác nhau đã được Capcom trình làng, và các fan của Mega Man luôn cố gắng chắp nối các chi tiết lại để tạo ra câu chuyện hoàn chỉnh cho dòng game này. Dòng game Mega Man cổ điển hiện tại đã có 10 bản, bao gồm cả phiên bản Mega Man & Bass đã được ra mắt trên hệ máy SNES và GBA.
Phần hậu bản đầu tiên của Mega Man là phiên bản X, với cốt truyện phức tạp, kịch tính và phần nào đó người lớn hơn. Mega Man X có tới 8 bản, nhưng phần lớn các fan đều cho rằng cái kết thực sự ở X5. Bằng chứng chính là series phụ Mega Man Zero cũng đi theo cái kết của X5. Ngoài ra, còn có phiên bản ZX, với cốt truyện là 200 năm sau Mega Man Zero.
Một dòng game khác về người máy này là Mega Man Legends, một tựa game được thiết kế theo phong cách Zelda, với cách kể chuyện khá cuốn hút cùng các nhân vật hấp dẫn. Tuy nhiên, phiên bản thứ 3 của nó đã bị hủy sau khi Inafune rời khỏi Capcom.
Phiên bản cuối cùng là dòng game Battle Network, tuy nhiên nó gần như chẳng liên quan gì đến Mega Man gốc cả. Cốt truyện của BN được đặt trong một thế giới giả tưởng khi công nghệ máy tính lên ngôi. Phiên bản kế tiếp của dòng Battle Network là Mega Man: Star Force cũng đi theo cốt truyện tương tự.
7. Mega Man từng chơi bóng đá?
Capcom đã phát triển khá nhiều tựa game Mega Man khác nhau, và phần lớn trong số chúng ít nhiều đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên với Mega Man Soccer, nó lại là một thất bại thảm hại. Không chỉ bị công chúng quay lưng, tựa game này còn bị giới chuyên môn đánh giá là ngớ ngẩn chẳng khác gì một tựa game hạng 2.
8. Rất nhiều tựa game đã bị hủy bỏ
Từ ngày Keiji Inafune rời khỏi Capcom vào năm 2010, Mega Man bị ví von giống như một đứa trẻ giữa cuộc ly hôn của cha mẹ và chẳng thể nào có được hạnh phúc. Đã có rất nhiều dự án Mega Man ở trong trứng nước đã bị hủy bỏ.
Dự án đầu tiên là Maverick Hunter, một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được làm lại theo Mega Man X bởi đội ngũ Retro Studio. Nó bị hủy bỏ vào năm 2010. Dự án thứ hai là Mega Man Universe, một tựa game cho phép người chơi sáng chế ra các màn chơi tùy thích và chia sẻ cho nhau theo kiểu của Little Big Planet, cũng bị hủy bảo vào tháng 3/2011.
Tuy nhiên, dự án để lại nhiều nuối tiếc nhất là Mega Man Legends 3. Sau khi được công bố vào tháng 9/2010, Capcom thậm chí còn hứa hẹn rằng mọi thứ sẽ không có gì thay đổi kể cả khi Inafune rời đi. Tuy nhiên, nó vẫn bị hủy bỏ một lần nữa vào tháng 7/2011.
9. Những đứa con mới của Keiji Inafune
Sau khi rời khỏi Capcom, Keiji Inafune lập nên một công ty mới có tên Comcept. Vào năm 2013, ông tiến hành một dự án Kickstarter với mục đích thực hiện một hậu bản của Mega Man với tên gọi Mighty No. 9. Với sức hút và danh tiếng của nhà thiết kế game này, không có gì lạ khi Comcept có được 4 triệu USD dù chỉ gọi vốn có 900 nghìn USD. Tuy nhiên, những gì diễn ra lại không như game thủ kỳ vọng, tựa game liên tục bị trì hoãn và chỉ được ra mắt vào giữa năm 2016. Thậm chí, tựa game này còn bị đánh giá là vô cùng đáng thất vọng.
Comcept sau đó lại tiến hành một dự án gọi vốn mới trên Kickstarter có tên Red Ash. Theo như quảng cáo, nó sẽ là một "Mega Man Legends" mới. Tuy nhiên do thất bại của Mighty No. 9, không còn nhiều người tin tưởng vào Comcept. Dự án này đã không kêu gọi đủ vốn và tưởng chừng đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, một hãng làm game tới từ Trung Quốc đã quyết định rót vốn vào dự án này. Nhưng cho tới thời điểm này, người ta vẫn chưa thấy bóng dáng của Red Ash đâu cả.