Bắc Kim Thang là câu ca đồng dao quen thuộc với trẻ em Việt Nam, được truyền lại từ nhiều thế hệ trước. Giống ca dao, tục ngữ, nó trở thành một bài hát quen thuộc, như một phần tuổi thơ của mỗi người Việt. Thế nhưng hầu như chẳng đứa trẻ nào hiểu ý nghĩa của những câu đồng dao bắt tai này.
Về sau, câu chuyện kể rùng rợn về nguồn gốc của bài Bắc Kim Thang mới xuất hiện. Có vẻ như câu chuyện này là cách giải thích hay nhất cho lời bài hát.
Chuyện kể rằng ngày xưa, tại một cù lao nhỏ ven sông, có hai anh bạn chơi với nhau rất thân. Một anh làm nghề bán dầu lửa để thắp đèn, một anh bắt ếch ban đêm đem bán. Vì hoàn cảnh nghèo khó, họ sống nương tựa vào nhau, thân thiết như anh em. Sau khi mẹ anh bán ếch qua đời, anh bán dầu đã phụ tiền ma chay cho đám tang. Anh bán ếch rất cảm kích tấm chân tình này, họ ngày càng thân thiết hơn.
"Bắc kim thang, cà lang bí rợ"
"Cột qua kèo, là kèo qua cột"
"Cà", "lang", "bí rợ" đều là tên gọi của ba loại rau củ dây leo. Ở miền Tây Nam Bộ, người dân thường dùng dàn cột làm từ thanh tre dài, bắt chéo vào nhau thành hình tam giác. "Bắc kim thang" chính là dàn cột tre để trồng các loại rau củ quả này.
Còn "cột qua kèo, kèo qua cột" ý muốn nói tới sự thân thiết, gắn bó của chú bán ếch và bán dầu, tựa như anh em một nhà.
Hàng ngày, anh bán ếch đi làm đêm để kiếm ếch cho phiên chợ buổi sáng. Nhưng đêm hôm đó, anh nghe tiếng kêu thảm thiết từ cánh đồng vang lên. Tò mò, anh bán ếch liền đi tìm kiếm thì phát hiện bìm bịp và le le bị dính bẫy trên đồng. Hai con vật ra sức nài xin anh cứu giúp, hứa sẽ đền đáp ơn. Vốn bản tính hiền lành, anh bán ếch cứu hai con vật ra khỏi bẫy.
Vài ngày sau, bìm bịp và le le đến nhà ân nhân để báo về đại họa sắp xảy ra. Ở khúc sông thường ngày anh bán ếch và anh bán dầu đi qua, có hai con ma da đang bàn tính kéo chân họ xuống. Nếu họ chết đuối, ma da sẽ được đầu thai thành người. Vì đôi bạn này hay đi qua cầu vào lúc mờ sáng, nên đó sẽ là thời điểm chúng ra tay. Le le và bìm bịp nói rằng, tốt nhất là trong vòng 7 ngày tới, cả hai đều không được đi qua cầu lúc trời hửng sáng.
Nghe xong, anh bán ếch liền đem chuyện kể với anh bán dầu. Thế nhưng anh bán dầu lại không tin vào câu chuyện mê tín này. Anh bán ếch lo lắng hỏi bìm bịp và le le, hai con vật lại nói rằng: anh cứ viện cớ nhân ngày giỗ mẹ mà rủ anh bán dầu ở lại ăn giỗ.
Nghe theo hai con vật, anh bán ếch mời anh bán dầu qua nhà mình chơi, rồi chuốc cho bạn uống say bí tỉ. Sang ngày kia, anh bán ếch lại lấy cớ sang nhà anh bán dầu để cảm ơn chuyện tiền nong, ăn uống no nê, anh bán dầu lại say bí tỉ và ngủ đến quá sáng.
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi?
Cứ thế đến ngày cuối cùng, anh bán ếch ngủ quên. Anh bán dầu lúc gần sáng tỉnh dậy, sửa soạn đồ ra chợ đi bán mà không cho bạn biết. Đi qua cầu vội vội vàng vàng, anh bán dầu trượt chân té xuống sông mà chết đuối.
Từ truyện tranh Bắc Kim Thang của nhóm Silent.Voice
Anh bán ếch nghe tin bạn mất nhưng cũng không dám ra cầu, đợi hết hạn chết mới ra sông vớt xác bạn mai táng. Thấy ân nhân lòng đau như cắt, hai con vật cũng đến như muốn đưa tiễn người bạn của ân nhân lần cuối:
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te…"
Bài đồng dao này đã được truyền lại từ xa xưa, tới nay đã chẳng còn mấy ai – kể cả người lớn, biết về nguồn gốc câu chuyện phía sau, những chi tiết hình ảnh trong từng câu ca. Sắp tới, Bắc Kim Thang sẽ ra mắt khán giả trên màn ảnh lớn vào ngày 24/10, kể lại câu chuyện rùng rợn phía sau bài đồng dao nổi tiếng này.
Bạn đọc có thể thảo luận, trao đổi thêm về bộ phim cũng như các tác phẩm kinh dị khác tại ĐÂY.