Hãy lấy khía cạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng làm ví dụ. Cho tới khoảng 10 hay 20 năm trước, việc bác sĩ Nhật không minh bạch kết quả xét nghiệm với bệnh nhân là chuyện thường tình ở mọi bệnh viện, thay vào đó, bác sĩ lại nói trực tiếp với gia đình bệnh nhân. Một bệnh nhân ung thư còn chẳng biết mình mang khối u quái ác trong người, huống gì biết tới chuyện ung thư đã ở giai đoạn nào.
Kể cả trong thời điểm thế giới chuyển mình và quá trình số hóa đã lan tới mọi ngóc ngách, ta vẫn gắn bó với ví/túi xách và những thứ đồ quý giá có trong đó. Mất điện thoại sẽ khiến bạn cảm thấy bất tiện khi mất phương thức liên lạc và đối mặt với nguy cơ mất dữ liệu nhạy cảm, nhưng mất ví thường đồng nghĩa với việc làm lại đủ các thứ thẻ, có khi mất cả chìa khóa nhà hay thất lạc một kỷ vật nhỏ xinh gì đó.
Không phải ai cũng có may mắn đoàn tụ với ví tiền, nhưng nếu ngụ tại Tokyo hay có dịp thăm thú thành phố ngập ánh đèn neon huyền ảo này, tỷ lệ tái ngộ với ví tiền, túi xách của bạn sẽ cao hơn gấp bội.
Dân số thành phố gần chạm ngưỡng 14 triệu người, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu món đồ lạc chủ mỗi năm; vậy nhưng số lượng người tìm được đồ cũng nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Năm 2018, Cảnh sát Thành phố Tokyo đã gửi trả 545.000 căn cước công dân cho những người bất cẩn - tức là 73% tổng số căn cước thất lạc đều đã tìm được đường về với chủ nhân. Bên cạnh đó, khoảng 130.000 điện thoại di động (chiến 83% số lượng máy nhặt được) và 240.000 ví tiền (65% số ví, túi xách rơi trên đường) về tay khổ chủ.
“Lúc còn ngụ tại San Francisco, tôi vẫn nhớ bản tin về ai đó mất ví ở khu Phố Tàu mất ví và có người hảo tâm đã gửi trả lại ví cho cảnh sát”, Kazuko Behrens, nhà tâm lý học công tác tại Viện Kỹ nghệ SUNY, New York. Người đàn ông hảo tâm ấy được kênh truyền hình địa phương phỏng vấn, rồi được vinh danh là “người đàn ông lương thiện”.
Nhưng ở quê nhà của cô Behrens, đất nước Nhật Bản xinh đẹp, thì hành động này không đặc biệt đến mức được tuyên dương trên truyền hình. “Với người Nhật, thì sẽ là kiểu ‘Ờ! Tất nhiên họ sẽ nhặt của rơi trả người đánh mất rồi”, cô Behrens nói. Nếu tính trên số liệu, thì việc không trả lại của rơi cho người đánh mất còn hiếm hơn ấy chứ, đó mới là sự kiện khiến một công dân Nhật ngạc nhiên.
Vậy người nhặt được của rơi sẽ nhận về điều gì? Không phải một phần thưởng nào đó hay cơ hội nhận của rơi là của riêng đã thôi thúc người Nhật đâu. Trong tổng số 156.000 chiếc điện thoại được giao nộp cho nhà chức trách Nhật trong năm 2018, chẳng chiếc nào được tặng lại cho người nhặt được hay được nhà nước thu hồi cả; 17% số điện thoại không tìm được chủ đều bị tiêu hủy hết.
Phải nói thêm một điều nữa: trung gian nhận đồ thất lạc, nhân vật đứng giữa người nhặt được của rơi và người đen đủi đánh rơi đồ - các viên cảnh sát Nhật mang một bộ mặt khác hơn hình ảnh “anh công an” mà nhiều quốc gia vẫn quen thuộc. Các anh cảnh sát Nhật đồn trú tại các trạm có tên là “kōban”, xuất hiện rất nhiều trong đô thị.
Những cán bộ túc trực tại kōban thân thiện vô cùng, cảnh tượng bạn thường thấy nơi họ khi tới thăm Tokyo sẽ là nhắc nhở những cô cậu tuổi teen quậy phá hay dìu người lớn tuổi qua đường. “Một đứa trẻ sẽ cất tiếng chào viên cảnh sát mỗi khi gặp họ trên đường. Để đảm bảo an toàn cho các cụ già, cảnh sát sẽ gọi điện trực tiếp tới từng hộ gia đình”, Masahiro Tamura, một luật sư và cũng là giáo sư luật công tác tại Đại học Kyoto Sangyo lên tiếng.
“Ngay từ nhỏ, con trẻ đã được dạy dỗ về việc trả lại đồ đánh rơi hay bị bỏ lại”, luật sư Tamura nói. “Bề trên khuyến khích trẻ em mang đồ thất lạc tới nộp cho các kōban, ngay cả khi số tiền chỉ đáng giá 10 yên (khoảng 2.000 VNĐ). Trẻ sẽ mang đồng xu giá trị nhỏ tới kōban, và viên cảnh sát trực đồn sẽ coi đó như mọi món đồ thất lạc khác. Vì biết rằng sẽ chẳng có ai thông báo về việc mất đồng xu 10 yen đâu, họ sẽ thưởng lại số tiền đó cho đứa trẻ luôn”.
Trong một nghiên cứu so sánh tình hình thất lạc đồ đạc giữa Tokyo và New York, các nhà phân tích thấy được rằng 88% điện thoại bị rơi được người dân mang tới cho cảnh sát, quá chênh lệch so với chỉ 6% điện thoại được giao cho nhà chức trách thành phố New York; tỉ lệ ví được trả tại Tokyo là 80%, trong khi đó ở NY chỉ là 10%.
Dù biết rõ rằng tỷ lệ đồn cảnh sát kōban ở Tokyo dày đặc khiến việc trả lại đồ đánh mất dễ dàng vô cùng, nhưng chắc chắn vẫn còn một yếu tố vô hình khác nữa.
Trái với những thứ đắt đỏ như ví tiền hay smartphone, thì một khi người Tokyo làm rơi ô, họ sẽ hiếm khi tìm lại được nó. Trong tổng số 338.000 chiếc ô nộp về Ban Đồ thất lạc của thủ đô Nhật Bản, chỉ 1% trong số đó tìm về được tay chủ nhân. Phải tới 81% ô sẽ biến thành đồ “tạm thời đút túi”. Cũng có thể gọi việc sử dụng ô của người Tokyo là “phung phí”.
Ông Satoshi, cựu chủ tịch khu vực Suginami tại Tokyo, thú thật rằng ông thường xuyên “xin đểu” Ban Đồ thất lạc một cái ô mỗi khi trời đột ngột trở cơn mưa. Ông sẽ tiếp cận nhân viên trực, mô tả “cái ô vừa bị mất của mình” giống hệt loại ô đại trà bán với giá 500 yen/cái có bán ở mọi cửa hàng tạp hóa; bởi lẽ lúc nào cũng có một cái ô y hệt vậy nằm chỏng chơ một góc, ông sẽ luôn có ô đi mưa.
Có thể thấy tính tình người Tokyo cũng không trung thực đến vậy nhỉ? Theo lời cô Behrens, bản tính trung thực của người Nhật có một lịch sử dài và phức tạp lắm.
Hãy lấy khía cạnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng làm ví dụ. Cho tới khoảng 10 hay 20 năm trước, việc bác sĩ Nhật không minh bạch kết quả xét nghiệm với bệnh nhân là chuyện thường tình ở mọi bệnh viện, thay vào đó, bác sĩ lại nói trực tiếp với gia đình bệnh nhân. Một bệnh nhân ung thư còn chẳng biết mình mang khối u quái ác trong người, huống gì biết tới chuyện ung thư đã ở giai đoạn nào.
“Người Nhật tin rằng bệnh nhân có thể sẽ mất hết ý chí sống khi biết tin”, cô Behrens nói. Quan niệm này ăn sâu vào tiềm thức người Nhật và sở hữu một quá khứ phức tạp, đủ để hình thành nên một báo cáo khoa học về thực trạng tại bệnh viện Nhật Bản. Những năm gần đây, mọi chuyện có tiến triển hơn chút đỉnh.
Những ví dụ trên là bằng chứng cho thấy người Nhật không thành thực, minh bạch như bạn vẫn tin. Họ cũng mang những góc khuất như bao con người khác.
Nhà tâm lý học Behrens nói rằng người Nhật có một “nỗi sợ” riêng xuất phát từ tín ngưỡng đầu thai trong đạo Phật, họ tin rằng vẫn còn thế giới linh hồn tồn tại sau cái chết.
Sau thảm họa sóng thần năm 2011, vô vàn người dân mất nhà cửa và của cải, họ không có cả thực phẩm và nước sạch để uống. Nhưng ngay cả trong nghịch cảnh, người Nhật vẫn đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân. Cô Behrens liên hệ điều đó với tinh thần “gaman” trong văn hóa Nhật Bản - ấy là khả năng chịu đựng cũng như đức tính nhẫn nại của từng cá nhân, và coi trọng người khác hơn bản thân mình.
Truyền thông đưa tin rằng những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Nhật Bản mang tỷ lệ cướp bóc thấp hơn hẳn những khu vực chịu những ảnh hưởng tương tự ở các quốc gia khác. Theo lời giáo sư Tamura, việc xảy ra cướp bóc là đã khác thường trên đất Nhật Bản rồi. Bên cạnh đó, ông còn chỉ ra thêm một ví dụ khác cho thấy những yếu tố thú vị ẩn sâu bên trong tinh thần con người.
Cữ mỗi lần xảy ra thảm họa, ta lại thấy tinh thần cộng đồng của người Nhật trỗi dậy mạnh mẽ.
“Sau khi nhà máy hạt nhân ở Fukushima gặp sự cố sau trận động đất, ô nhiễm phóng xã đã khiến cả khu vực bị cách ly trong nhiều tháng”, ông Tamura nói. “Các vụ trộm cắp chỉ diễn ra khi tuyệt đối không có người hiện diện, không một ai và cũng không không có lực lượng cảnh sát chứng kiến hành vi sai trái đó”.
Luật sư Tamura diễn giải về khái niệm “hito no me”, tức là “con mắt đánh giá của xã hội”. Rằng khi cứ có ánh mắt con người - cho dù không phải cảnh sát đi nữa, thì sẽ không bao giờ xảy ra nạn trộm cắp. Chỉ khi không một bóng người hiện diện, cái xấu trong mỗi người mới trỗi dậy.
Cũng tương tự như vậy, Thần đạo - Shinto của Nhật Bản cho rằng mọi đồ vật đều sở hữu một linh hồn bên trong. Văn hóa Nhật Bản thấm nhuần đức tin đó, và theo lời nhà tâm lý học Behrens, thì đó cũng là “nỗi sợ” của người Nhật mà cô đã nhắc tới: nếu như lúc nào cũng có ánh mắt của linh hồn đang dõi theo người ta, cộng thêm việc lúc nào cũng đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân, thì hiển nhiên người ta sẽ luôn bị thôi thúc trả lại của rơi.
Đây là đặc điểm nổi bật của người Nhật - đặt người khác lên trên bản thân mình, xét tới lợi ích tập thể trong mọi hành động mình làm, họ ít sống với lối suy nghĩ ích kỷ. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, nhà tâm lý học Behrens từ chối tin vào điều đó, nhưng sau nhiều năm nghiên cứu và ngẫm nghiệm, giờ cô đã tin vào tinh thần ấy của người Nhật.
Trong một nghiên cứu liên quan tới mong ước của người mẹ về việc muốn con cái trưởng thành ra sao, thì những bà mẹ người Nhật mong muốn con mình sống một cuộc đời “futsuu”, tức là một cuộc sống bình dị, ở mức trung bình, còn một người mẹ sống trên đất Mỹ thì không mang suy nghĩ đó.
“Một người sống theo chủ nghĩa tập thể sẽ mang quan điểm muốn bản thân thuộc về một nơi nào đó. Việc bị loại ra khỏi cộng đồng sẽ là tổn thương nặng nề hằn lên sức khỏe tâm lý của họ”, cô Behrens nói. “Việc được là một phần của cộng đồng nào đó quan trọng lắm. Khi làm một việc tốt, trả lại một cái ví bị rơi, bạn sẽ cảm nhận ngay rằng ai đó trong tương lai cũng sẽ làm một việc tương tự”.
“Tôi tin rằng có một thứ gì đó đã ăn sâu trong chúng tôi”, nhà tâm lý học Behrens nhận định. “Có một cái đẹp thấm nhuần bên trong chúng tôi, là hãy làm điều gì đó cho người khác. Khi một người đưa của rơi cho cảnh sát, họ chẳng muốn nhận lại điều gì. Chẳng may người đó đang gặp khó khăn hay rất cần những thứ đã đánh mất thì sao?”
“Lời kết là đây, người Nhật Bản nhận lại được đồ đánh rơi là nhờ luật pháp và quy tắc xã hội, chứ không phải ý niệm lương thiện ẩn sâu trong mỗi người. Nhưng rồi vẫn có tác dụng đấy chứ”, giáo sư Mark D. West nhận định. Ông là chuyên gia về hệ thống luật pháp Nhật Bản, và cũng là người đã thực hiện bài thử “rơi ví” ở New York và Tokyo.
Theo lời giáo sư West, khái niệm sở hữu tài sản dựa trên cơ sở luật pháp ở Nhật Bản không “xa lạ” đến vậy. “Tài sản công gần như không tồn tại, chỉ trừ việc đại đa số người Nhật coi ô là tài sản ai cũng có thể cầm nếu bản thân cái ô đó không được cất kỹ”.
Hai yếu tố chính khiến cho thế giới nhìn nhận người Nhật là những cá nhân thành thực đó chính là số lượng cảnh sát đông đảo và truyền thống văn hóa đã tồn tại cả ngàn năm - ấy là suy nghĩ cho người khác trước khi vụ lợi cá nhân. Người Nhật thân thiện đến vậy, nên bạn đừng ngại ngần tươi cười chào viên cảnh sát khi bước ngang một kōban, điều mà gần như chẳng công dân nước nào dám thực hiện.