Đây là 7 lời khuyên tôi luôn bỏ ngoài tai khi chơi game, và chắc chắn bạn cũng thế (Phần 2)

Hãy cùng đến với 3 lời khuyên cuối cùng mà tôi chả bao giờ lắng nghe khi chơi game nhé!

5. Đọc hướng dẫn/ chơi phần tutorial, training

 Ảnh minh họa. (Internet)

Ảnh minh họa. (Internet)

Đây cũng là một trong những việc… vô nghĩa nhất khi chơi game. Với các gamer từng gắn bó với thời PS1 hay PS2 thì khá là quen thuộc với cuốn manual, nói nôm na là một cuốn cẩm nang tất tần tật những thứ cần biết để nhập môn với game đó. Bây giờ thì vẫn còn những cuốn manual như vậy nhưng không đi kèm với game nữa mà bán riêng, còn trong game đã có phần tutorial/ training sẵn cho gamer làm quen cơ chế gameplay, hoặc không thì đầu game thường sẽ có một màn NPC hướng dẫn nhân vật chính những thao tác cơ bản – nhất là với game RPG hay game multiplayer chẳng hạn.

Và tuy rằng mục này rất hữu ích, đặc biệt khi bạn mới chơi và cần tìm hiểu cơ chế gameplay thì càng nên chơi qua tutorial/training trước. Nhưng hầu hết thường tặc lưỡi nói: “Kệ, vào game từ từ tìm hiểu” và nhảy luôn vào chơi và thường sẽ dẫn đến hậu quả là sau một lúc mày mò, bạn tự hỏi là “Tao đang làm gì thế này? Giờ tao phải làm gì? Chơi game này thế nào?” Vì vậy, hãy chơi qua tutorial/training nếu có thể.

6. Chú ý độ tuổi game quy định trước khi chơi

 Ảnh minh họa. (Internet)

Ảnh minh họa. (Internet)

Đây có thể nói là điều… vô dụng bậc nhất thế giới game, nó cũng như kiểu cảnh báo độ tuổi khi vào trang web đen vậy – nghĩa là chả ai thèm quan tâm luôn. GTA là game 18+ á? Kệ nó, tôi 14 và tôi vẫn muốn chơi GTA, có sao không? Tất nhiên là chả sao cả, chả ai làm gì được bạn. Tuy vậy, ở nước ngoài thì giới hạn về độ tuổi khi mua game khá là khắt khe khi nếu bạn đến cửa hàng, bạn phải xuất trình thẻ căn cước để chứng minh bạn đủ tuổi yêu cầu để mua game, tương tự nếu mua trên hệ thống phân phối online như Steam hay Origin, Battle.net thì bạn cũng cần đủ tuổi mới mua được. Nhưng nói thực mấy biện pháp này đặt ra cho có và ai cũng thừa hiểu chúng vô dụng thế nào.

Chưa đủ tuổi mua game? Thì nhờ ai đó đã đủ tuổi mua game, vấn đề đã được giải quyết! Cách duy nhất để kiểm soát điều này là người lớn tuổi hơn trong gia đình kiểm soát thôi chứ chả còn cách nào khác, nhưng mà, có ai trong chúng ta hồi bé nghe lời người lớn 100% đâu nhỉ? Đấy là với việc mua bản quyền mà còn như thế, thì những ai tải crack còn vứt sọt rác hết cái đống cảnh báo độ tuổi của game luôn! Quả thực một trong những thứ vô dụng nhất – không phải chỉ riêng của game mà còn của nhiều thứ khác – vẫn là độ tuổi quy định, càng cấm thì càng gây tò mò và kích thích mà, đúng không?

7. Chỉnh độ sáng của game theo yêu cầu

 Ảnh minh họa. (Internet)

Ảnh minh họa. (Internet)

Đây có lẽ là điều duy nhất chúng ta có vẻ làm theo game yêu cầu: chỉnh độ sáng của game về mức tiêu chuẩn. Với mỗi game thì trước khi chơi, game luôn yêu cầu ta đặt độ brightness ở khoảng giữa, không quá sáng và không quá tối để không ảnh hưởng nhiều lắm đến mắt. Nhưng mà nói thật thì lý do chính mà chúng ta làm theo là vì… quá lười để chỉnh và để mặc định luôn. Và nếu vào game mà không vừa ý thì ra chỉnh lại, lỡ như chơi game kinh dị mà tăm tối quá phát hãi thì chỉnh brightness max lên cho đỡ sợ, nếu game sáng quá chói mắt thì chỉnh brightness thấp xuống chút, đó là xu hướng thường thấy. Lúc đấy thì chả ai hơi đâu bận tâm xem game khuyến nghị đặt brightness làm sao cho phù hợp nữa rồi vì “tôi thích đặt thế, có sao đâu?”.

Vậy là ở trên, tôi đã giới thiệu một vài điều gần như chả gamer nào thèm quan tâm hay để ý khi chơi game. Bạn có đồng tình với chúng không, và có bổ sung điều gì không?