Kiến trúc sư người Anh Norman Foster được biết đến với nhiều thiết kế nổi tiếng. Những công trình mang tên ông gồm có Tòa nhà hình quả dưa chuột 30 St. Mary Axe hay Cầu Thiên niên kỷ ở Luân Đôn, Anh.
Mới đây, ông và công ty cùng tên Foster + Partners đã thử sức với một dự án vô cùng đặc biệt, thiết kế kiến trúc nhà ở cho con người khi sinh sống trên Sao Hỏa và Mặt Trăng.
Theo NBCnews, Foster + Partners lần đầu công bố thiết kế các mô-đun nhà ở trên sao Hỏa vào năm 2012, thời điểm khi công ty còn đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Hình ảnh thiết kế cho thấy cá mô hình nhà ở có dạng như những kén tằm hoặc mô-đun đặt trên nền đất của Sao Hỏa. Những ngôi nhà đặc biệt này có khả năng chống bức xạ và tác động các tiểu hành tinh.
Ba năm sau đó, Foster + Partners tiếp tục công bố kế hoạch thiết kế môi trường sống trên Sao Hỏa. Giai đoạn thứ hai của kế hoạch đã bắt đầu vào năm 2017.
Trong mô tả thiết kế nơi sinh sống trên Sao Hỏa và Mặt Trăng, công ty chọn cách đưa mô hình nhà ở dạng kén tằm lên Sao Hỏa hoặc Mặt Trăng trước. Sau đó, con người sẽ kết hợp với robot in 3D để tiến hành xây dựng các tấm chắn bảo vệ ngôi nhà.
Dưới đây là tầm nhìn về cuộc sống trên Sao Hỏa và Mặt Trăng trogn tương lai của Foster + Partners:
Robot bán tự động sẽ bắt đầu thực hiện hóa tham vọng định cư của con người bằng cách đào một hố lớn trên Sao Hỏa.
Những mô hình nhà ở dạng kén tằm có thể thổi phồng sẽ được đưa lên Sao Hỏa bằng tàu vũ trụ, đáp xuống bề mặt bằng dù và túi khí. Hệ thống hạ cánh này đã được ứng dụng trong sứ mệnh Mars Pathfinder trước đó của NASA vào năm 1997.
Các mô-đun sinh sống của con người sẽ tập trung chủ yếu trong các hố này. Khi đó các ngôi nhà sẽ tự động thổi phòng lên và kết nối với nhau bằng chốt gió. ISS đang có kế hoạch thử nghiệm công nghệ mô-đun có thể thổi phồng vào năm sau.
Một số mẫu robot nhỏ sẽ đi tìm kiếm và hợp nhất các lớp đất mặt hoặc đất đá trên Sao Hỏa để chế tạo bê tông. Chúng sẽ đóng vai trò như vật liệu xây dựng nhà ở cho con người. Foster + Partners đã thử nghiệm thành công phương pháp chế tạo vật liệu xây dựng có tên Regolith Additive Construction này. Hiện công ty đang chờ thử nghiệm trên thực địa.
Bên trong những căn nhà mô-đun sẽ là nơi sinh sống và làm việc của ít nhất 4 phi hành gia tiên phong.
Giống như môi trường sống trên Sao Hỏa, con người sẽ sử dụng tên lửa để vận chuyển các ngôi nhà dạng kén tằm có thể thổi phồng lên Mặt Trăng, sau đó thực hiện quá trình xây dựng tương tự.
Robot in 3D sẽ tạo ra một lớp cấu trúc bền vững xung quanh các ngôi nhà của con người trên Mặt Trăng. Nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người khỏi bức xạ gamma, tác động của thiên thạch hay biến động nhiệt độ cực đoan.
Những căn nhà như vậy được thiết kế cho tối đa 4 phi hành gia sinh sống. Tiền đồn quan trọng này sẽ được đặt ở cực Nam của Mặt Trăng, nơi nhận được lượng ánh sáng Mặt Trời đều đặn.
Hồi năm 2016, người đứng đầu ESA đã phác thảo một kế hoạch vô cùng táo bạo khi xây dựng một ngôi làng trên Mặt Trăng thông qua việc hợp tác với Foster + Partners.
theo Vnreview