Giải Nobel thì ai cũng biết rồi, sinh ra là để tôn vinh những đóng góp của các chuyên gia vào kho tàng di sản của thế giới.
Có điều con người khác các loài động vật khác ở chỗ chúng ta còn có khiếu hài hước. Thế là kể từ năm 1991, các nhà khoa học lại tổ chức thêm một buổi lễ khác nhại lại giải Nobel, với tên gọi Ig Nobel nhằm vinh danh những phát minh, nghiên cứu được xem là nực cười bậc nhất trong năm.
Trên thực tế, những nghiên cứu trong Ig Nobel thường đi theo kịch bản khá... ngớ ngẩn, nhưng khi nhìn sâu hơn thì lại khiến chúng ta cảm thấy cần phải suy ngẫm.
Hình ảnh một lễ trao giải Ig Nobel
Giải Ig Nobel 2020 cũng vậy. Đây là lần thứ 30 giải thưởng này được tổ chức (cụ thể vào ngày 18/9 vừa qua), tại nhà hát Sanders thuộc ĐH Harvard (Mỹ). Tuy nhiên khác với mọi năm, buổi lễ năm nay được tổ chức trực tuyến do đại dịch Covid-19.
Chỉ có phần thưởng được trao thì vẫn thế, khiến nhiều người phải phì cười: Hẳn 10.000 tỉ dollar, nhưng mà là đô Zimbabwe. Để quy đổi ra tiền tiêu được thì không thể, nhưng giá trị về mặt sưu tầm thì lại khá lớn đấy.
Và hãy cùng điểm qua một số nghiên cứu thú vị được vinh danh trong buổi lễ lần này nhé.
Và đây là phần thưởng!!!
Ig Nobel Vật lý: Đo rung động của... giun đất sau khi "xỉn quắc cần câu"
Giải Ig Nobel Vật lý năm được trao cho Tiến sĩ Ivan Maksymov và Andriy Pototsky từ ĐH Swinburnd (Úc) vì đã có công chứng minh rằng việc bị phong tỏa không thể ngăn được bước tiến của khoa học. Họ đã cho vài con giun đất uống rượu vodka hạng nặng, đặt chúng lên một chiếc loa, rồi tiến hành đo lường rung động tạo ra bằng tia laser.
Nghe thì có vẻ kỳ quặc và nực cười, nhưng mục đích phía sau nghiên cứu lại hết sức nghiêm túc. Đó là nhằm kiểm chứng xem các rung động điện từ có thể mang thông tin gì bên trong não bộ. Thông thường, để thực hiện các thí nghiệm tương tự trên một bộ não người hoàn chỉnh thì cần chuẩn bị rất kỹ và phức tạp. Vậy nên, Maksymov quyết định làm nó trên một dạng sống đơn giản hơn, đó là giun đất.
"Lý do chúng tôi xài giun đất là vì chúng nó... rẻ, cũng chẳng vi phạm đạo đức thí nghiệm. Chúng lại có một số dây thần kinh tương tự với con người. Hơn nữa, bạn có thể gây mê chúng rất dễ dàng chỉ bằng rượu vodka."
Ig Nobel Âm nhạc: Cho cá sấu "chơi" khí đổi giọng
Giải Ig Nobel Âm nhạc 2020 thuộc về nghiên cứu của Stephan Reber cùng các cộng sự, với thí nghiệm cho cá sấu hít khí helium (khí heli - loại khí nâng tông giọng của người hít).
Cụ thể, các chuyên gia đã tiến hành cho một cô cá sấu Trung Quốc vào buồng kín, rồi bơm khí heli vào đó. Mục đích của thí nghiệm này là để tìm hiểu về âm thanh mà cá sấu phát ra mỗi khi đến mùa sinh sản có phải là để... mời gọi và khoe kích cỡ của bản thân hay không. Từ đây, họ có thể đặt giả thuyết về việc các loài khủng long thời xưa cũng có tập tính tương tự.
Ig Nobel Tâm lý học: Tìm ra cặp lông mày đặc trưng của những người ái kỷ
Đối với các nhà tâm lý học, "ái kỷ" (tự yêu bản thân - narcissist) được xem là một nhân cách tối, có phần ích kỷ, tự cao và luôn cho mình là nhất. Tuy nhiên, có những người mang khả năng xác định được ai có tính ái kỷ chỉ bằng cách quan sát. Đặt trong bối cảnh xã hội thì đây là một kỹ năng hết sức có lợi. 2 nhà khoa học Miranda Giacomin và Nicholas Rule muốn kiểm chứng lại khả năng này, vậy nên họ quyết định thực hiện một nghiên cứu.
Kết quả, họ nhận ra cặp lông mày chính là thứ gây ấn tượng nhất trên khuôn mặt mỗi khi gặp một người mới, và đặc biệt những người ái kỷ còn có cặp lông mày đậm cực kỳ nổi bật.
Nghe có vẻ hết sức vĩ đại. Mỗi tội, phát hiện này chỉ giúp Giacomin và Rule nhận được giải Ig Nobel hạng mục Tâm lý mà thôi.
Ig Nobel Kinh tế: Mối quan hệ biện chứng giữa bất bình đẳng thu nhập và... tần suất hôn hít
Giải thưởng được trao cho Christopher Watkins cùng các cộng sự. Số là ban đầu họ muốn tìm hiểu ý nghĩa của những nụ hôn đối với một mối quan hệ thân mật trong dài hạn. Kết quả, nó đúng là quan trọng thật, đặc biệt là với các đối tượng trẻ.
Nhưng điều ấn tượng nhất là việc họ nhận thấy chỉ số bất bình đẳng thu nhập lại tỉ lệ thuận với tần suất hôn. "Người ta hôn nhau nhiều hơn ở những nước có bất bình đẳng thu nhập cao, dường như là để duy trì mối quan hệ ổn định trong tình cảnh sống khắc nghiệt," - các chuyên gia kết luận như vậy.
Ig Nobel Quản lý: Một hợp đồng sát thủ siêu cồng kềnh tại Trung Quốc
Và người nhận được giải thưởng này đều... đi tù hết rồi.
Chuyện xảy ra như sau: Xi Guang-An nhận được một hợp đồng giết người. Y gán hợp đồng cho Yang Kang-Sheng thực hiện để lấy một phần phí nhỏ sau khi hoàn thành phi vụ. Yang Kang-Sheng lại gán cho Yang Guang-Sheng để ăn chênh lệch, rồi Guang-Sheng lại gán cho Ling Xian-Si. Và rồi rốt cục thì... chẳng ai ra tay cả.
Đây là chuyện có thật, với mục tiêu là một người đàn ông tên Wei vì lý do đâm đơn kiện 2 công ty bất động sản. Tan Yohui - 1 nhà đầu tư vào các công ty này đã thuê Xi Guang-An tìm người hạ sát Wei, với mức giá 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỉ đồng). Nhưng bản hợp đồng cứ được "đá" sang người khác, đến lúc vào tay Ling thì mức phí chỉ còn 100.000 tệ (khoảng hơn 340 triệu đồng). Cho rằng số tiền này không đáng để mạo hiểm, Ling hợp tác cùng Wei tự chụp một tấm ảnh đang bị trói, rồi để Wei chủ động trốn đi trong 10 ngày.
Nói chung là hội sát thủ cồng kềnh này ai cũng muốn có tiền mà chẳng phải làm gì cả. Rốt cục, toàn bộ kế hoạch bị cảnh sát lật tẩy. Tất cả những người liên quan đã bị kết án tù vào cuối năm 2019, thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ig Nobel Côn trùng học: Chứng minh nhiều nhà côn trùng học sợ nhện - loài không phải côn trùng
Giải thưởng thuộc về Richard Vetter, theo cái cách không thể hài hước hơn.
Khi nghe một nhà côn trùng học bảo sợ nhện, ai cũng cảm thấy tức cười. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhện không phải côn trùng (insect). Chúng là một lớp riêng, Vetter biết điều đó, thế là ông bỏ công sức ra phân biệt nhện với côn trùng. Và trong quá trình làm nghiên cứu, ông nhận ra có rất nhiều nhà côn trùng học cảm thấy sợ nhện, thế là ăn giải.
Nguồn: ARS Technica