Vào ngày 14/9, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế tuyên bố đã tìm thấy sự tồn tại của một dạng khí có tên phosphine trong các đám mây a-xít khắc nghiệt của Sao Kim. Nhóm nhà khoa học quốc tế lần đầu tiên phát hiện các phân tử phosphine trên sao Kim khi sử dụng kính thiên văn James Clerk Maxwell ở Hawaii và xác nhận điều đó khi sử dụng kính thiên văn hiện đại Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) ở Chile.
Đây được coi là một phát hiện gây chấn động, do khí phosphine chỉ được tạo ra bởi vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường thiếu ô xy (yếm khí). Việc xuất hiện của dạng khí này được coi là chỉ dấu cho thấy các vi sinh vật có thể đang tồn tại trên sao Kim.
Việc tìm thấy khí phosphine trong khí quyển của Sao Kim được coi là chỉ dấu cho thấy các vi sinh vật có thể đang tồn tại trên hành tinh này.
Mặc dù là hành tinh gần Trái Đất và có thể nhìn thấy rõ nhất trên bầu trời dưới hình dáng Sao Hôm và Sao Mai, Sao Kim không phải là trọng tâm của cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất giống như Sao Hỏa. Trên thực tế, bầu khí quyển đậm đặc cùng vị trí gần Mặt Trời khiến giới thiên văn từng cho rằng sự sống không thể tồn tại trên hành tinh này.
Do vậy, ngay sau khi nghiên cứu này được công bố, giới khoa học trên thế giới đã đặt câu hỏi: Làm thế nào các vi sinh vật lại có thể xuất hiện trong một môi trường sống khắc nghiệt như của Sao Kim?
Một loạt các giả thuyết đã được các nhà khoa học đưa ra để trả lời cho câu hỏi trên. Gần đây nhất, một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters đã khẳng định sự sống trên Sao Kim có thể bắt nguồn từ Trái Đất.
Cụ thể, các nhà khoa học của Đại học Harvard cho rằng, một sao chổi hoặc thiên thạch khi đi qua bầu khí quyển của Trái đất đã vô tình ‘mang theo’ một số vi khuẩn từ hành tinh của chúng ta trong chuyến hành trình của nó.
Các thiên thạch đóng vai trò như 'người ươm mầm', mang theo sự sống từ hành tinh này tới hành tinh khác?
Được biết, giả thuyết nói trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học nghiên cứu sự kiện một thiên thạch có kích thước 0,3m, nặng 60kg đã bay qua bầu trời Australia vào tháng 7/2017. Vào thời điểm đó, thiên thạch cỡ nhỏ này đã tạo thành một quả cầu lửa rực sáng trên bầu trời khu vực phía Nam và phía Đông của Australia. Tuy nhiên, khá thú vị là thiên thạch này không lao thẳng xuống mặt đất. Thay vào đó, nó chỉ bay sượt qua bầu khí quyển của Trái Đất trong khoảng 90 giây, sau đó tiếp tục chuyến hành trình vô định trong hệ Mặt Trời.
Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard, về mặt lý thuyết, một thiên thạch có khả năng ‘thu nhận’ vi khuẩn khi ở trong khí quyển Trái Đất, sau đó ‘vận chuyển’ chúng đến một hành tinh khác. Các tính toán từ nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, thiên thạch cỡ nhỏ khi bay qua bầu khí quyển Trái Đất năm 2017 nói trên đã mang theo khoảng 10000 vi sinh vật vào vũ trụ. Điều này có nghĩa, một thiên thạch nào đó đã mang các nguyên liệu để hình thành sự sống từ Trái Đất tới ‘người hàng xóm’ cách chúng ta 154 triệu km.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khi trong suốt 3,7 tỷ năm qua, đã có ít nhất 600 nghìn thiên thạch đã bay sượt qua tầng thượng khí quyển của Trái Đất. Một trong số các thiên thạch mang theo các vi sinh vật từ Trái Đất này có thể đã va chạm với Sao Kim sau đó, khiến sự sống bắt đầu xuất hiện trên hành tinh này. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, một số loại vi khuẩn có thể tồn tại trong không gian trong suốt nhiều năm nhờ khả năng chống chọi được bức xạ vũ trụ.
Tham khảo The Mirror biên dịch Anh Việt Genk