Harry Houdini được biết đến là nhà ảo thuật với kỹ năng giải thoát hàng đầu thế giới vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bằng cách đặt mình vào những tình thế hiểm nguy cận kề với cái chết, ông luôn khiến khán giả phải hồi hộp đến đứng tim khi theo dõi những màn trình diễn của mình.
Trong tất cả những màn ảo thuật trốn thoát kinh điển của mình, Houdini có lẽ sẽ tự hào nhất với "chiếc hộp tra tấn" bởi ông chính là người sáng tạo ra nó.
Cụ thể, chiếc hộp kính dùng trong màn ảo thuật này được chính ông thiết kế, đặt làm với giá 10.000 $ và có bằng sáng chế.
Houdini với màn ảo thuật của mình
Ngoại hình chiếc hộp trông giống như một hồ cá cao, có khung làm bằng gỗ gụ và niken, chi tiết được mạ đồng. Chiều dài cạnh hộp khoảng 67cm, cao 150 cm, nặng 3.000 kilogram, chứa được 950 lít nước. Với thể tích này, chiếc hộp chứa vừa đủ một người.
Mặt trước hộp là một tấm kính an toàn (loại kính khi vỡ sẽ vỡ thành những mảnh nhỏ không sắc cạnh) dày đến 1,5 cm. Để đề phòng bất trắc, Houdini luôn mang theo một chiếc hộp thứ hai trong các chuyến lưu diễn của mình.
Houdini thường sẽ bắt đầu màn ảo thuật bằng cách yêu cầu một khán giả bất kỳ chọn nơi ông sẽ đặt chiếc hộp trên sân khấu.
Việc này nhằm gây ra ấn tượng rằng không có bất kỳ một lối thoát đặc biệt nào được dựng sẵn. Thậm chí ông sẵn sàng treo giải thưởng 1.000 $ cho vị khán giả nào có thể chứng minh được ông giấu một khoang ẩn để chứa không khí dành cho việc thoát hiểm.
Houdini sẽ khóa chân trong một cái gông làm bằng gỗ. Những chiếc ròng rọc đưa ông lên không trung, rồi hạ ông xuống hộp kính lúc này đã chứa đầy nước.
Chiếc gông ở chân có tác dụng như một nắp hộp với bốn chốt khóa xung quanh, chỉ có thể mở từ phía ngoài.
Sau đó tấm màn che được kéo xung quanh bể, bên ngoài là một trợ lý túc trực ở gần với một chiếc rìu trong tay, sẵn sàng phá vỡ kính trong trường hợp tai nạn xảy ra. Sự xuất hiện của người trợ lý này cùng hiệu ứng âm thanh từ dàn nhạc khi chơi bản "Asleep in the Deep" khiến khán giả phải nín thở vì hồi hộp, bởi cảm giác tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên trái với những lo ngại đó, chỉ khoảng hai phút sau, Houdini xuất hiện từ phía sau bức màn trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Trong khi đó chiếc hộp kính vẫn nguyên vẹn và không hề có dấu hiệu bị phá vỡ.
Vậy thật ra Houdini đã thoát ra khỏi chiếc hộp chật hẹp đầy nước đó trong khi bị khóa ngược chân như thế nào? Có hai điểm mấu chốt quyết định cho màn ảo thuật này.
Thứ nhất, chiếc gông được dùng khi gắn vào hộp kính có nhiệm vụ che một khoảng không khí xuất hiện bên trong hộp.
Khoảng không khí này chính là phần nước bị trào ra ngoài khi Houdini được đưa vào bên trong.
Thứ hai, chiếc gông này có một thiết kế đặc biệt. Thoạt nhìn, chiếc gông này rất chắc chắn và khó có thể bị phá bằng lực.
Chiếc khóa tưởng chặt nhưng lại cực dễ bật mở
Tuy nhiên một khi bức màn đã được che lại, Houdini đã sử dụng hai bên của bể để đẩy chân lên, xoay người để bật một lẫy khóa ẩn rồi thoát ra khỏi chiếc gông. Chiếc còng tay cũng được "phá" cực đơn giản.
Chiếc còng tay cũng chỉ cần "lắc nhẹ" là ra thôi
Cửa hộp mở ra, Houdini leo lên, đóng lại vào vị trí cũ, và tự mình xuất hiện trước khán giả.
Có một huyền thoại cho rằng trong một lần biểu diễn màn ảo thuật này, Houdini đã bị chết đuối. Tuy nhiên sự thật là ông qua đời trên giường bệnh viện vì bị nhiễm trùng do một vết thương. Lần tai nạn duy nhất xảy ra với Houdini trong màn ảo thuật này là vào ngày 11 tháng 10 năm 1926, khi ròng rọc đang nâng Houdini bị tuột một sợi cáp làm chiếc gông lung lay dữ dội, khiến ông bị rạn mắt cá.
Màn ảo thuật này sau đó được rất nhiều ảo thuật gia thực hiện lại với một số biến thể như thêm còng tay hoặc thay đổi cơ cấu của chiếc gông.
Hẳn là Houdini sẽ thấy rất tự hào khi "đứa con tinh thần" của mình vẫn có thể gây được tiếng vang sau một thời gian dài như vậy.