Dọc lịch sử nhận thức, suốt từ Đông sang Tây, xác sống (zombie) là nỗi kinh hoàng của nhân loại. Chúng được miêu tả là người chết sống lại, tấn công và ăn thịt hoặc uống máu, hút tinh khí người sống.
Zombie phương đông: Cương thi
Cương thi (hay còn gọi thây ma) là một hiện tượng mê tín viễn tưởng trong văn hóa dân gian nhân loại. Người xưa tin rằng, những ai mang nặng oán nợ hoặc tiếc nuối trước khi nhắm mắt, lúc chết sẽ trở thành thây ma biết đi, điên cuồng tìm kiếm và hãm hại người sống.
Nỗi lo sợ xác sống bắt đầu từ Thời kỳ Đồ đá (8700-2000 TCN). Tại Syria, giới khảo cổ phát hiện một số hài cốt trai tráng bị chặt đầu, đặt cách xa phần thân thể sau khi chết. Theo phỏng đoán, đây chính là những người đầu tiên bị nghi ngờ "có khả năng trở thành xác sống". Vì thế, họ mới bị chặt đứt đầu, thậm chí đập vỡ hộp sọ để ngăn chặn nguy cơ sống lại hại người.
Từ 10.000 năm trước, người cổ đại ở Syria đã cắt đầu, đập vỡ hộp sọ người chết để tránh xác sống hóa
Cũng từ Thời kỳ Đồ đá, con người đã biết mai táng. Họ chôn cất người chết dưới đất, sau đó đặt một tảng đá lớn lên đỉnh mộ. Tảng đá này chịu trách nhiệm giữ thi thể nằm yên dưới mồ.
Ở các nền văn minh phương Đông, xác sống xuất hiện trong tín ngưỡng Trung Hoa. Người Trung Quốc quan niệm những đối tượng tự sát, bị giết hoặc nặng sát nghiệp, sau khi qua đời sẽ biến thành xác sống. Họ gọi đó là cương thi.
Đặc trưng của cương thi là thân thể cứng đơ và chỉ có thể di chuyển bằng cách nhảy. Ban ngày, cương thi nằm im trong quan tài hoặc nơi tối tăm. Đêm đến, nó thức dậy, tàn sát mọi sinh vật sống gặp được bằng cách cắn và hút máu.
Cương thi - Zombie phiên bản Trung Quốc
Tín ngưỡng Trung Quốc cũng cho rằng cương thi sợ mùi tỏi. Do vậy, các đạo sĩ thời xưa luôn trang bị tỏi trong người. Nếu lỡ bị cương thi cắn thì phải dùng gạo nếp đắp lên miệng vết thương để giải độc. Còn nếu hít phải bột cương thi thì uống cháo gạo nếp.
Zombie phương tây: Đa dạng các loại hình
So với tín ngưỡng phương Đông, niềm tin và sự sợ hãi với người phương Tây tin nặng nề hơn. Những năm 1980, giới khảo cổ châu Âu phát hiện một nghĩa trang zombie ở Sicily, Italia, mang tên Passo Marinaro.
Nghĩa địa cổ Passo Marinaro được hình thành từ khoảng năm 800 TCN, với nhiều ngôi mộ bất thường. Bên trong chúng có chứa những hài cốt bị nhét đầu, chân, tay vào bình gốm, hoặc đặt đá tảng lên người. Qua kiểm tra và đối chiếu với mê tín dân gian Hy Lạp, các nhà nghiên cứu khẳng định: Các cơ quan bị chôn cất theo cách không bình thường này thuộc về những người bị tình nghi có khả năng biến thành xác sống.
Người Hy Lạp cổ úp bình hoặc đè đá tảng lên thi thể có khả năng hóa Zombie
Tín ngưỡng Hy Lạp lập hẳn một danh sách dài các đối tượng hóa xác sống tiềm năng: Thủ lĩnh (tôn giáo, cộng đồng), kẻ tự tử, người bị sát hại, người khuyết tật bẩm sinh, người chết vì dịch bệnh, người chết đuối, người bị nguyền rủa, người là con cái ngoài giá thú... Họ cũng đề xuất nhiều phương pháp ngăn chặn hiện tượng xác chết sống lại. Ngoài 2 cách đè đá tảng và úp bình nêu trên còn có trói, đóng cọc, rã xác, hỏa thiêu...
Ở khu vực Bắc Âu, dân gian gọi xác sống là Draugr. Sinh vật tưởng tượng này không chỉ thối rữa, đáng sợ mà còn biết biến hình, thao túng giấc mơ. Draugr trở thành cơn ác mộng đối với con người, dù có lẽ chưa ai từng chứng kiến nó.
Tạo hình của Draugr - thây ma trong tín ngưỡng dân gian Bắc Âu
Người Romania (quốc gia ở Balkan) thì gọi xác sống là Strigoi. Nó cũng biết biến hóa, dọa nạt người sống trước khi tấn công và sát hại họ. Người Romania cực kỳ sợ Strigoi, đặc biệt là các Strigoi đồng nam hay trinh nữ. Họ thậm chí tổ chức "đám cưới ma", gả người chết chưa kết hôn với người sống để phòng tránh nguy cơ thi thể hóa thành Strigoi.
Bạc tỷ của làng điện ảnh
Sự phát triển của khoa học đập tan dị đoan. Cả Đông lẫn Tây, con người thoát khỏi nỗi ám ảnh sợ hãi xác sống. Thế nhưng, các thây ma đã không chết.
Năm 1932, đạo diễn Victor Halperin (1895-1983, Mỹ) giới thiệu bộ phim đầu tiên mang chủ đề xác sống: Thây ma Trắng (White Zombie). Lập tức, tác phẩm này được đông đảo khán giả yêu thích. Điện ảnh Mỹ nắm bắt thị hiếu mới lạ này, ra mắt phần thứ 2 của Thây ma Trắng: Cuộc nổi dậy của Xác sống (Revolt of the Zombies).
Lại một lần nữa, xác sống khiến khán giả các nơi mê cuồng. Điện ảnh xác sống nở rộ. Từ Kinh đô Hollywood (Mỹ) cho đến K-drama (phim ảnh Hàn Quốc), các zombie lũ lượt chiếm lĩnh màn ảnh. Chúng lấn lướt mọi kiểu kinh dị, tràn sang cả mảng hài hước, tình cảm, trinh thám...
Khác với xác sống phiên bản dân gian, đa phần thây ma điện ảnh có nguồn gốc sinh học. Nó là người sống bị biến thành xác chết biết đi, do nhiễm một loại virus đặc biệt nào đó. Loại virus này khống chế trí não, biến con người thành sinh vật đói khát máu thịt đồng loại.
Tính đến nay, xác sống đã tồn tại cùng điện ảnh được 88 năm. Tuy nhiên, sự yêu thích của khán giả chỉ có tăng chứ không giảm. Mỗi năm, ngành công nghiệp phim ảnh toàn cầu lại ra mắt hàng loạt các siêu phẩm xác sống. Nhờ chủ đề này, vô số tác giả, biên kịch, diễn viên, đoàn phim... hốt bạc.
Ngành công nghiệp làm phim mở riêng một "đế chế" cho thây ma. Đế chế này tuyển diễn viên xác sống quần chúng hàng loạt, liên tục ra mắt phim zombie bom tấn. Ước tính hiện tại, chủ đề thây ma đang đem lại doanh thu vượt con số 6 tỉ USD mỗi năm.
Tham khảo: Historic Mysteries