Albert Einstein từng nói: "Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu điều đó". Cho nên, những câu hỏi khó nhất đối với một nhà khoa học đôi khi đến từ chính những đứa trẻ.
Trong một bài viết trên The Conversation, hai nhà sinh vật học Georgia Atkin-Smith và Ivan Poon tại Đại học La Trobe, Australia đã phải tìm cách trả lời cho một cậu bé 4 tuổi tên là Bea biết: Tế bào được tạo thành từ những bộ phận như thế nào?
Trong khi một nhà khoa học có thể hiểu cặn kẽ về cấu trúc tế bào và các bào quan của chúng, giải thích những khía cạnh phức tạp cho một đứa trẻ có thể là một thách thức thực sự.
Hỏi:"Con đã biết các mạch máu trong cơ thể người được tạo ra từ các tế bào, nhưng tế bào được tạo ra từ gì?" – Bea, 4 tuổi.
Đáp: Đó là một câu hỏi tuyệt vời, Bea!
Cơ thể con người giống như một trò chơi ghép tranh khổng lồ, với hàng tỷ mảnh ghép nhỏ gọi là tế bào. Tế bào của chúng ta có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Cùng với nhau, chúng tạo nên tất cả các bộ phận của cơ thể, từ mạch máu cho đến não bộ của chúng ta.
Tế bào của chúng ta thực sự rất nhỏ. Ví dụ, hãy nhìn vào sợi tóc của con, nó rất mỏng phải không. Mặc dù tóc đã rất mỏng, trên đầu của sợi tóc ấy vẫn có thể chứa tới 20 tế bào. Đó là vì chúng rất rất nhỏ.
Thế nhưng, nhỏ hơn nữa, các nhà khoa học đã phát hiện ra tế bào được tạo thành từ những mảnh ghép còn nhỏ hơn mà chúng ta gọi là phân tử, chẳng hạn như phân tử nước, cộng với các loại phân tử khác như protein, chất béo và DNA.
Giống như cơ thể của chúng ta, tế bào cũng có các bộ phận khác nhau và chúng hoạt động cùng nhau. Hãy thử làm một vài phép so sánh xem nhé:
1. Tế bào cũng có da
Lớp da bên ngoài của tế bào được gọi là màng sinh chất. Nó được làm chủ yếu từ các phân tử chất béo. Nếu cần thứ gì đó để con có thể hình dung về lớp da của tế bào thì hãy nhớ đến biểu tượng của Michelin. Những phân tử chất béo bao bọc tế bào cũng tạo thành những bong bóng giống như "người lốp" vậy.
Màng sinh chất là lớp da bên ngoài của đa số tế bào động vật. Nhưng thực vật cũng có tế bào. Ngoài màng sinh chất, tế bào thực vật còn có thêm một lớp giáp bên ngoài gọi là thành tế bào.
Giống với áo giáp sắt của các hiệp sĩ, lớp giáp của tế bào thực vật không chỉ cứng mà còn dai và chắc. Điều này giải thích tại sao da người sờ vào thì mềm như bong bóng, còn cây cối sờ vào thì thô và ráp. Chính thành tế bào cứng cũng là nguyên nhân giúp cây cối có thể cao và chắc chắn như vậy.
2. Tế bào cũng có xương
Bộ xương của tế bào làm cho nó chắc khỏe và cũng giúp các tế bào của chúng ta di chuyển khắp cơ thể.
3. Tế bào cũng có não
Một trong những phân tử quan trọng nhất trong tế bào là DNA, được tạo thành từ những viên gạch gọi là nucleotide. DNA giống như một cuốn sách hướng dẫn mọi thứ mà tế bào của chúng ta phải làm (bao gồm cả việc phân chia để tạo ra nhiều tế bào hơn, di chuyển tới nơi nó cần tới và chống lại các tác nhân gây bệnh như vi trùng, virus).
Với vai trò quan trọng như vậy, các DNA cần được bảo vệ trong một tổ chức gọi là hạt nhân tế bào, chúng ta tạm gọi nó giống như bộ não của các tế bào nhé.
Con cũng có thể đã nghe nói về gen. Gen giống như một công thức mà tế bào dùng để tạo ra con! Chúng quyết định con sẽ cao bao nhiêu, mắt con đen hay nâu, tóc con xoăn hay thẳng...
Mọi gen của chúng ta được tạo ra từ DNA và chúng ta lấy DNA này một nửa từ mẹ còn một nửa từ cha của mình. Ví dụ, nếu một người cha có đôi mắt nâu, anh ta có thể truyền công thức DNA của mình sang cho con mình.
Các công thức này giống với công thức nấu ăn hoặc một bản thiết kế nhà, chúng sẽ hướng dẫn các tế bào của người con biết cách tạo ra mắt nâu. Điều này giải thích tại sao chúng ta đều có phần nào trông giống với cha và mẹ của mình.
4. Tế bào có dạ dày
Khi con đói, con phải ăn! Sau đó, dạ dày của con sẽ phân giải thức ăn của con trong một quá trình được gọi là tiêu hóa. Tương tự như vậy, các tế bào của con cũng có những dạ dày nhỏ cho riêng mình được gọi là lysosome. Các cơ quan tiêu hóa của tế bào cũng giúp chúng có được năng lượng từ thức ăn để hoạt động và đào thải chất thải ra khỏi tế bào giúp chúng luôn sạch sẽ và vui vẻ.
5. Tế bào tạo ra năng lượng
Như đã nói ở trên, tế bào của chúng ta tiêu hóa để tạo ra năng lượng. Nhưng năng lượng là gì?
Bất kể khi nào con bật công tắc đèn, căn phòng sẽ sáng lên. Đó là do có một dòng năng lượng gọi là điện chạy từ nhà máy điện tới từng nhà và vào bên trong từng thiết bị. Chúng ta cần năng lượng để vận hành mọi thứ, từ đèn, TV, điện thoại, điều hòa cho đến máy sưởi...
Gần như mọi thứ xảy ra bên trong tế bào cũng cần năng lượng. Do đó, tế bào có những phần đặc biệt gọi là ty thể, là những cơ quan sản sinh năng lượng cho tế bào. Ty thể giống như một nhà máy điện thu nhỏ và nó cung cấp điện cho tế bào hoạt động.
6. Các tế bào có thể nói chuyện với nhau!
Các tế bào của chúng ta đều rất nhỏ còn cơ thể của chúng ta rất lớn. Trong một cơ thể người có thể có tới hàng ngàn tỷ tế bào. Vậy làm thế nào mà tất cả các tế bào của chúng ta có thể hoạt động cùng nhau? Câu trả lời là chúng có thể nói chuyện..., đại loại là vậy.
Thay vì nhấc điện thoại để nói chuyện với nhau, các tế bào của chúng ta phải gửi tin nhắn. Những thông điệp này được tạo ra từ các phân tử giúp tế bào giao tiếp.
Đây là một ví dụ thú vị. Nếu con bị ong đốt (ouch!), da của con sẽ bắt đầu đỏ và sưng húp lên. Điều này trông có vẻ đáng sợ nhưng thực ra, chính cơ thể con đang giúp con chữa lành.
Các tế bào trong khu vực bị sưng này đang nhanh chóng gửi đi những tin nhắn cầu cứu. Các tế bào ở các khu vực khác nhận được những thông báo này và sau đó tham gia vào cuộc giải cứu.
Nó giống với một đám đông người tụ tập xung quanh một đám cháy. Chẳng lâu sau cuộc giải cứu sẽ thành công và vết sưng sẽ biến mất khi ai về nhà nấy.
Là một nhà khoa học thực thụ, cô chú biết rất nhiều về tế bào. Nhưng thực sự là cô chú vẫn chưa biết hết tất cả mọi thứ về chúng. Đó là lý do tại sao cô chú cần những đứa trẻ tò mò và luôn đặt ra những câu hỏi như con Bea ạ!
Tham khảo Theconversation