Mỗi năm đuổi gần 800 em, cựu sinh viên Bách khoa viết tâm thư gửi đàn em, đọc dòng nào thấm dòng đó

Đại học Bách khoa Hà Nội vốn nổi tiếng là trường cực kỳ khắt khe trong đào tạo sinh viên. Nhưng chính sự khắt khe ấy mới tạo nên những con người bản lĩnh và những doanh nhân thành công nhất.

Không phải ngẫu nhiên con đường bên ngoài cánh cổng trường Bách Khoa được gọi là Giải Phóng. Vì khi bước chân ra khỏi trường, sinh viên sẽ được… giải phóng bởi hàng đống môn học khó nhằn, giáo trình kỹ thuật siêu khô khan cùng những lần báo điểm 0 – 1 khiến sinh viên phải ngậm ngùi học lại.

Tuy vất vả là vậy nhưng năm nào Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng "bội thu" với số lượng học sinh đăng ký. Như trong mùa tuyển sinh năm nay, trường thu về hơn 1/3 thí sinh thuộc top 1% cao nhất cả nước, 80% thí sinh trúng tuyển đạt 26 – 28 điểm khối A.

Nếu bạn cảm thấy khó hiểu với kết quả ngược đời này thì hãy đọc dòng chia sẻ của bạn Nguyễn Minh Ngọc, cựu sinh viên khóa K53 để hiểu hơn về những bí mật thú vị của ngôi trường danh tiếng này nhé!

Mỗi năm đuổi gần 800 em, cựu sinh viên Bách khoa viết tâm thư gửi đàn em, đọc dòng nào thấm dòng đó - Ảnh 1.

Chắc hẳn phải có lý do nào đó mới khiến Bách Khoa năm nào cũng hot đến vậy!

"VIẾT CHO MẤY CHẾ VỪA ĐỖ BÁCH KHOA HÀ NỘI

Anh biết các em cũng đang sung sướng lắm, ngày xưa anh cũng thế, để anh kể chuyện học Bách Khoa cho mà nghe nè.

Bước vào trường, một cảm giác thật mơn man tuyệt vời khi khoác trên mình cái mác sinh viên. Gật gù, ngồi trong giảng đường rộng lớn, ngoảnh ra đằng trước, quay lại đằng sau, nhìn ngó 2 bên rồi gật gù: "Công nhận cũng nhiều thằng giỏi giống mình quá, các đối thủ thật là đáng gớm".

Lơ nga lơ ngơ, ngồi cầm sách vở bút rất chi là tử tế và thầy bước vào. Thầy cười cười chào rồi sau đó thầy cầm phấn và bắt đầu viết. Thầy viết kín 6 cái bảng rồi sau đó xoá đi, rồi thầy viết kín 6 cái bảng rồi sau đó xoá đi, rồi thầy lại viết kín 6 cái bảng rồi sau đó lại xoá đi. Ôi cái quái quỷ gì thế này tích phân đạo hàm loạn xạ, choáng ngợp với cái tốc độ và sự lạnh lùng không thể đỡ nổi.

Chuông reo, thầy bước ra về để lại một đàn con nheo nhóc không hiểu chuyện gì vừa diễn ra luôn. Một lũ ngoái nhìn nhau, và chẳng mấy thì các chú trường chuyên trường chọn năm nào quay sang ngất hết. Chưa là gì đâu đừng có sốc vội.

Chẳng ai quan tâm rằng chế nào đi học, chế nào không, thầy với trò chẳng ai quan tâm ai đâu, muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ, muốn làm gì thì làm. Đi học thì chỉ cần nghỉ 1 buổi là chẳng hiểu gì nữa rồi thì các buổi sau đi học làm gì nữa.

Thấm thoát trôi qua thì sau kì đầu tiên, các chú bắt đầu rụng lả tả, các chế thi đầu vào 29 - 30 mà lười thì ra đi anh dũng sớm, rồi sau đó về quê biện đủ các lý do trường lớp không sát sao, không tạo điều kiện tốt, bla bla miễn là giải thích được cho việc không theo nổi cuộc chơi đẫm máu.

Chuyện thường thôi, chưa có gì đáng lo lắng nhé. Tiếp đến là các chế không muốn lên lớp vì lên hay không chẳng ai biết, đến kì thi thì bắt đầu vắt chân lên cổ. Mỗi ngày nện vào đầu cả cuốn sách dày 300 trang, hết tích phân lớp, tích phân 3 lớp, tích phân đường, tích phân mặt. Não cứ gọi là căng như dây dàn.

Bước vào phòng thi thì cũng thoải mái đi, thầy cô rất dễ tính và yêu thương sinh viên. Cho 30 con tích phân nhìn loằng ngoằng như bát giá đỗ đủ ăn 10 tô phở rồi bảo làm trong 40 phút thì lo cái thân còn chẳng nổi, sức đâu mà lo cho thằng khác. Thế nên coi thi ở Bách Khoa cũng nhàn lắm.

Đến khi xem điểm thì các chế cũng đừng có sốc nhé. Chuyện thường tại trường thôi, đôi khi sẽ thấy những bảng điểm được chấm thang 10 nhưng các thầy toàn dùng hệ nhị phân để ghi điểm thôi. Nhìn tờ bảng điểm ghi 0-0-1-1-0-1-0-0-1-1-1-0… rồi tự nhiên lại có thằng được 9 rồi lại tiếp tục chuỗi số 0-0-1-1-0-1-0-0-1-1-1-0…

Mỗi năm đuổi gần 800 em, cựu sinh viên Bách khoa viết tâm thư gửi đàn em, đọc dòng nào thấm dòng đó - Ảnh 2.

Tân sinh viên gặp vô số cú sốc đầu đời khi mới vào Bách Khoa: Sinh viên vừa nghe giảng vừa chép kín 6 mặt bảng trong 3 tiếng, tạch môn liên hoàn với những con điểm 0 – 1 kéo dài dài vô tận…

Không sao đâu, đừng sốc. Đi học phổ thông chưa bao giờ biết trượt nhưng mà vào Bách Khoa thì cũng đừng quá bận tâm đến chuyện đó. Rồi các chế cũng sẽ quen thôi. Trượt xong ôm vai bá cổ nhau hẹn thề sống chết cùng nhau học lại vui lắm.

Các chế sẽ được tận hưởng những môn học mà cả lớp trượt chẳng trừ thằng nào, dù giỏi hay dốt dù chăm hay lười nhé, vậy nên đừng có quá quan trọng hoá vấn đề trượt môn. Hãy biết yêu cảm xúc đó. Nước mắt rơi lã chã.

Đi thi thì cũng không phải lo lắng gì nhiều đâu, các thầy cô vẫn thường xuyên nói một cách trìu mến và nhẹ nhàng như: "Anh chẳng hiểu gì cả!" hoặc đôi khi cũng dùng những câu như "Chị chưa nắm được vấn đề rồi!" Đừng lo thầy cô chỉ cho trượt thôi chứ không hề ghét chúng ta.

Và các chế cũng hãy yên tâm nếu có nghị lực muốn nâng cao điểm số, các thầy luôn sẵn sàng và tạo điều kiện mỗi khi chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thầy sẽ sẵn sàng nói: "Anh cố gắng trả lời được câu này đi rồi tôi sẽ cho anh điểm 0 vì trường này không cho phép cho điểm âm". An tâm chưa, sẽ không bao giờ bị điểm âm nhé.

Bạn của anh đi thi bốc đề xong, quay đầu đi về luôn và nỗ lực ngay lập tức cho kỳ học lại sắp tới. Đừng mơ về một vận may qua môn nào đó nhé, nếu chưa học thì tốt nhất đừng đến thi vì sẽ tốn mất 2.000 đ tiền gửi xe đó. Hãy hào hứng và nở nụ cười để chuẩn bị đăng ký môn đó tại kỳ sau.

Tiếp nữa là hãy quen với những cảnh chia ly đi nhé, vì thằng bạn thân mới kết được sẽ có thể ra đi bất kỳ lúc nào tại đây. Không sao đâu, vì 4 - 5 năm nữa bạn ấy cũng sẽ được chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp, chỉ có điều nơi đó không phải là trường Bách Khoa thôi. Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần với điều đó. Truyền thống của trường là thường xuyên tiễn đưa 1000 chế mỗi năm ra về mà không có một mảnh giấy che thân. Đừng sốc vì điều đó, cũng là chuyện thường tại gia thôi.

Học cách quen với những con số đại loại là 2 – 3 – 4 – 5 - 6 và quên đi những số lớn hơn vì rằng nơi đây ít dùng những số lớn để sử dụng trong bảng điểm các chế nhé. Hãy biết tận hưởng niềm vui mỗi khi được 4 điểm vì nó là một điều tuyệt vời rồi đó.

Và chỉ đến khi ra trường các chế mới hiểu được, Bách Khoa tuyệt vời như nào, nơi ấy đã tôi luyện ra những con người đầy năng lực, nơi đây không phải là nơi tạo ra những con số đẹp mà nó tạo ra những con người giỏi thực sự. Các thầy cô đã tạo ra một môi trường khắc nghiệt nhất Việt Nam để tạo ra những con người ưu tú.

Anh tự hào về trường, dù rằng không bao giờ anh muốn quay lại đó học nữa, vì sợ lắm rồi. Tuy nhiên, không có Bách Khoa rèn giũa thì anh đâu thể hoà nhập dễ dàng khi bước ra xã hội như ngày hôm nay.

Nếu muốn trở thành một người bản lĩnh, thì không nơi đâu tốt bằng Bách Khoa. Chúc mừng các em!"

Mỗi năm đuổi gần 800 em, cựu sinh viên Bách khoa viết tâm thư gửi đàn em, đọc dòng nào thấm dòng đó - Ảnh 3.
Mỗi năm đuổi gần 800 em, cựu sinh viên Bách khoa viết tâm thư gửi đàn em, đọc dòng nào thấm dòng đó - Ảnh 4.

"Nếu muốn trở thành một người bản lĩnh, thì không nơi đâu tốt bằng Bách Khoa. Chúc mừng các em!"

Thay đổi từ môi trường cấp 3 lên Đại học không phải là điều dễ dàng mà tân sinh viên nào cũng đủ bản lĩnh chấp nhận được, đặc biệt với môi trường khắc nghiệt như đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhưng nơi khắc nghiệt nhất mới tạo nên những con người thành công nhất. Bách Khoa tuy có khắt khe nhưng cũng sẽ dạy bạn nhiều bài học để ứng phó với cuộc đời sóng gió bên ngoài.

Sau khi được chia sẻ trên trang HUST Confessions, bài viết đã nhận được rất nhiều quan tâm đến từ phía cộng đồng sinh viên trong trường:

"Mình cực kì thích thầy dạy đại số trong hình, học ké thầy mấy buổi mà thầy siêu có tâm, viết bảng đầy đủ và chi tiết – cảm nhận của mình khi học 5 giảng viên dạy đại số", bạn Dương Hữu chia sẻ.

"Thật ra thì không cần chép đâu, chú ý theo dõi học thuộc hết là được, về xem lại giáo trình và làm đúng hết bài tập – thanh niên học lại 3 lần mới cải thiện được từ F lên D chia sẻ", bạn Nam bình luận.

"Cứ tự tin mà trải nghiệm không cần quá quan tâm những lời dọa nạt hay khuyên gì vì cứ phải tạch 1 – 2 lần mới ngấm được các em ơi", bạn Vũ Thống bình luận.