Nhắc đến những bộ manga đầu tiên tiếp cận với độc giả Việt Nam thì Nữ hoàng Ai Cập là một trong những cái tên không thể bỏ sót. Bộ manga này là tuổi thơ của bao nhiêu người trong thời kỳ truyện tranh Nhật Bản lần đầu được khán giả Việt Nam biết đến và hâm mộ cuồng nhiệt. Dù hiện tại sức hút của Nữ hoàng Ai Cập không còn như xưa, nhưng sự quan tâm dành cho bộ truyện tuổi thơ này vẫn còn đó. Vậy Sủng phi của Pharaoh đã đạo nhái Nữ hoàng Ai Cập ở những điểm nào, và vì sao dư luận lại bức xúc như thế?
Đầu tiên, Sủng phi của Pharaoh là một manhua (truyện tranh Trung Quốc) được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình thể loại xuyên không cùng tên. Bản manhua được minh họa bởi họa sĩ Misha và được vẽ màu tất cả các chương. Không bàn đến sự tương tự về nội dung giữa hai bộ truyện vì có cùng mô típ xuyên không, nhưng về mặt hình ảnh, có một sự giống nhau và trùng lặp không hề nhẹ giữa khá nhiều khung tranh. Tư thế và tạo hình của các nhân vật và trang sức của Sủng phi của Pharaoh đều bị nghi vấn là được "học hỏi" từ Nữ hoàng Ai Cập. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu nhất.
Điểm giống nhau đầu tiên chính là tạo hình của hai nam nhân vật chính. Với Memphis (tên cũ Menfusu) – nam chính của Nữ hoàng Ai Cập, tạo hình tóc dài óng mượt của anh chàng này đã trở thành huyền thoại và khuôn mẫu cho rất nhiều manga shoujo về sau. Tuy nhiên, sự thật ngoài đời về mái tóc của các pharaoh khá là phũ phàng. Thực tế, các pharaoh để tóc rất ngắn và thậm chí là cạo trọc cả đầu. Vì thế, kiểu tóc của Memphis là sự sáng tạo của riêng tác giả Nữ hoàng Ai Cập – Chieko-sensei, và có lẽ, họa sĩ Misha đã "tham khảo" Memphis để đắp nặn nên nhân vật của mình.
Tiếp theo, một sự trùng lặp đáng chú ý nữa là những trang sức đội đầu của Memphis và Carol được họa sĩ Misha "mượn" ý tưởng khá nhiều. Những trang sức này là sự sáng tạo riêng của tác giả Nữ hoàng Ai Cập, dựa trên những bằng chứng khảo cổ đáng tin cậy. Nhiều người cho rằng, có thể họa sĩ Misha đã tham khảo cùng một nguồn với Chieko-sensei nên mới có sự tương đồng nhiều đến thế. Nhưng cho dù là tham khảo cùng một nguồn thì sự tương tự đến 90% thế này quá "trùng hợp" rồi.
Không chỉ có trang sức của Memphis và Carol, dáng đứng, cử động tay và chân của Isis (tên cũ Asisu) cũng cực kỳ giống một nhân vật nữ trong Sủng phi của Pharaoh. Tuy rằng Nữ hoàng Ai Cập không được lên màu đầy đủ như bộ manhua này, nhưng không thể phủ nhận rằng thần thái của Isis trong ảnh dưới đây hơn hẳn nhân vật nữ nọ dù đã được copy giống hệt dáng đứng của Isis.
Sự việc đạo nhái lần này được "bóc phốt" bởi một cư dân mạng Trung Quốc trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất nước này. Nhiều fan của bộ manhua trên lập luận ngược lại rằng Sủng phi của Pharaoh mới là đối tượng bị Nữ hoàng Ai Cập đạo nhái. Tuy nhiên, giữa một bộ manga có tuổi đời khoảng 4 thập kỷ và một manhua chỉ ra mắt mới đây thì lập luận này đã trở nên vô lý không tưởng. Sự phản bác của các fan manhua này càng khiến cho nhiều người có định kiến không hay với bộ manhua này ngày càng nhiều hơn.
Những năm gần đây, manhua đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những bộ manhua chất lượng thì có rất nhiều những bộ truyện khác được đánh giá là nội dung nhạt nhẽo và nét vẽ cẩu thả kém chất lượng. Đặc biệt, tình trạng đạo nhái diễn ra tràn lan vì vấn đề bản quyền không được bảo vệ chặt chẽ. Vụ việc đạo nhái Nữ hoàng Ai Cập của tác giả manhua Sủng phi của Pharaoh lần này đã gây nên tai tiếng không nhỏ khiến cho độc giả càng không có nhiều thiện cảm với manhua hơn.