Điều này sẽ gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người, việc chuyển màn hình smartphone sang tông màu vàng (như bạn thường biết) ở chế độ ban đêm sẽ không thể khiến bạn dễ ngủ hơn. Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Đại học Manchester, chế độ "night mode" nhằm chuyển màu sắc màn hình sang màu vàng thậm chí còn khiến bạn khó ngủ hơn so với việc để điện thoại ở chế độ bình thường.
Hoàn toàn có lý do đằng sau việc sử dụng tông màu vàng trên màn hình dựa trên các nguyên tắc hợp lý về mặt khoa học. Trong đôi mắt của chúng ta, có một loại protein gọi là melanopsin sẽ phản ứng với cường độ ánh sáng, và đặc biệt, nó phản ứng mạnh hơn với ánh sáng có bước sóng ngắn hơn. Bước sóng của ánh sáng tương ứng với cách chúng ta cảm nhận màu sắc của nó. Trên màn hình điện thoại của chúng ta thường có ba "subpixels" (tạm dịch là điểm màu) chiếu sáng từng pixel của màn hình, với các màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương. Trong đó, subpixel màu xanh dương có bước sóng ngắn nhất và vì thế, các nhà sản xuất cung cấp "chế độ đêm" trên điện thoại để làm giảm đáng kể độ sáng của subpixel màu xanh dương đó hoặc thậm chí là tắt hoàn toàn. Điều này làm cho màn hình xuất hiện nhiều màu vàng hơn.
Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất từ UoM, bằng cách sử dụng bước sóng trung bình của ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại dài hơn (tức là tông màu ấm hơn), họ nhận thấy rằng có sự tác động liên quan đến mắt và làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học.
Nghiên cứu của họ được thực hiện trên chuột, cho thấy các tế bào hình nón (cone cell) - một loại tế bào cảm nhận ánh sáng ở võng mạc - có thể phản ứng nhanh hơn nhiều với tông màu vàng được tạo ra khi điện thoại ở chế độ ban đêm và điều này thực sự có thể dẫn đến hiệu ứng đối trọng mạnh hơn. Vì thế, việc thiếu ánh sáng xanh dương có bước sóng ngắn nhằm cung cấp cho các protein phản ứng với ánh sáng xanh dương đó khiến các tế bào hình nón phải hoạt động nhiều hơn, đóng vai trò lớn hơn trong việc gửi các tín hiệu sinh học đó cho não của bạn để nhận biết đó là thời gian ngày hay đêm. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến giờ sinh học của bạn.
Phải thừa nhận rằng, các thông tin trong nghiên cứu của họ tương đối thiếu rõ ràng về các chi tiết cụ thể xung quanh, bởi nghiên cứu này không được tiến hành ở các cấp độ sinh học phân tử. Đây là một nghiên cứu theo dạng quan sát, với kết luận được rút ra từ những con chuột tiếp xúc với các màu sắc ánh sáng khác nhau ở độ sáng giống hệt nhau. Vào ban ngày, chúng ta tiếp xúc với cường độ cao của tông màu vàng và trắng, và kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng đó là những màu có ảnh hưởng lớn nhất đến chu kỳ giấc ngủ.
Tuy nhiên, nghiên cứu nói rằng tác nhân lớn nhất khiến chúng ta tỉnh táo vào ban đêm chính là do điện thoại. Màn hình điện thoại của bạn rất sáng, gây mất tập trung và nó gửi tín hiệu đến não cho thấy rằng chưa đến giờ đi ngủ. Cách tốt nhất để điện thoại không làm gián đoạn giấc ngủ, chỉ đơn giản là... không sử dụng nó.