Những quả bí ngô với khuôn mặt ma quái và được chiếu sáng bằng nến là dấu hiệu đặc trưng của mùa Halloween. Phong tục trang trí đèn lồng thú vị này bắt nguồn từ Ireland, nơi củ cải và khoai tây cỡ lớn được dùng làm đồ ăn sớm. Tên gọi Jack O’Lantern bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian của vùng đất này, kể về một người đàn ông tên là Stingy Jack (Jack Keo Kiệt). Theo dòng người nhập cư, truyền thống này đã thâm nhập vào nước Mỹ, quê hương của bí ngô và trở thành một phần không thể thiếu trong lễ hội Halloween.
Truyền thuyết về “Stingy Jack”
Con người bắt đầu làm jack-o’-lantern trong lễ Halloween trừ một vài thế kỷ trước. Phong tục này xuất phát từ một truyền thuyết của Ireland về người đàn ông có tên “Stingy Jack.” Theo câu chuyện, Stingy Jack đã mời quỷ đến uống cùng mình. Đúng như tên gọi, Stingy Jack không muốn trả tiền cho đồ uống của mình, thế nên ông ta đã thuyết phục con quỷ biến thành đồng tiền để mua đồ uống cho cả hai. Con quỷ đồng ý và làm theo, nhưng thay vì dùng tiền mua đồ như đã bàn, Jack quyết định giữ luôn đồng tiền và còn đặt một cây thánh giá bằng bạc vào trong túi để ngăn con quỷ trở lại hình dạng ban đầu.
Cuối cùng, Jack cũng chịu giải thoát cho con quỷ, với một điều kiện kèm theo rằng con quỷ không được đến làm phiền ông ta trong vòng một năm cũng như không được đến bắt hồn sau khi ông ta chết. Năm sau, Jack lại lừa con quỷ leo lên cây hái quả. Trong lúc con quỷ đang loay hoay trên cao, Jack khắc dấu thánh giá vào vỏ cây khiến cho nó không thể xuống được, trừ phi nó hứa sẽ không đến quấy rầy ông ta trong mười năm tiếp theo.
Không lâu sau đó, Jack qua đời. Truyền thuyết kể rằng, Thượng Đế không cho phép một nhân vật xấu xa như ông ta lên thiên đường. Con quỷ, buồn bã vì trò lừa gạt của Jack và cũng giữ lời hứa sẽ không bắt hồn người đàn ông keo kiệt này, nên cũng không tiếp nhận Jack vào địa ngục. Con quỷ đành tiễn Jack đi vào đêm tối với một hòn than đang cháy để soi đường. Jack đặt hòn than vào củ cải được khoét lỗ và đi lang thang khắp thế gian cho đến tận ngày nay. Người Ireland bắt đầu gọi nhân vật ma quái này là “Jack Đèn lồng” và sau đó thì chỉ là “Jack O’Lantern.”
Tại Ireland và Scotland, người ta bắt đầu làm ra những phiên bản đèn của Jack bằng cách trạm trổ các khuôn mặt đáng sợ lên củ cải hoặc khoai tây, sau đó đặt chúng lên cửa sổ hoặc gần cửa ra vào để đuổi Jack Keo Kiệt cũng như những linh hồn xấu xa đang lang thang.
Ở nước Anh, người ta sử dụng củ dền đỏ thay cho củ cải. Người dân nhập cư từ các nước này đã đem truyền thống làm đèn của Jack đến Mỹ. Sau đó, họ nhận ra rằng quả bí ngô, một loại rau củ bản địa, có thể làm ra những chiếc đèn Jack O’Lantern hoàn hảo và bắt đầu sử dụng chúng thay thế cho củ dền hay củ cải trước đây. Theo thời gian, sự thay đổi này dần trở thành một nét đặc trưng cũng như biểu tượng cho ngày lễ Halloween trên khắp thế giới nói chung.