Nhiều người trong số đó đã đạt được hoài bão của mình, nhưng cũng có không ít người đã phải bỏ mạng. Nhân vô thập toàn, ai rồi cũng sẽ có một điểm yếu riêng. Sau đây là những vị anh hùng thời tam quốc đã gặp phải họa sát thân vì chính cái "gót chân Achilles" của mình.
Tào Tháo chết vì quá đa nghi
Tào Tháo là một nhà quân sự lỗi lạc bậc nhất thời Tam quốc. Ông có tài nhìn người, sử dụng nhân tài rất đúng đắn. Hầu hết những anh hùng dưới trướng của ông đều trung thành, dũng mãnh. Có thể kể đến như Trương Liêu, Nhạc Tiến, Hứa Chử,… Nước Ngụy của Tào Tháo thời bấy giờ thật sự là một thế lực hùng mạnh khiến ai cũng phải kiêng dè. Tuy vậy, ông bị người đời gán cho cái mác gian hùng, mưu kế đa đoan, vô liêm sỉ, và đặc biệt là cực kỳ đa nghi.
Chuyện là trong một lần chinh chiến, Tào Tháo bỗng dưng phát cơn đau đầu dữ dội. Ông liền truyền lệnh cho các hạ bộ tìm cho mình một vị thần y để chữa trị. Và người mà Tào Tháo tìm được không ai khác chính là Hoa Đà, vị thần y tái thế nổi tiếng nhất Trung Hoa. Chẩn đoán Tào Tháo có một khối u ở não, Hoa Đà xin phép được “mổ” đầu của y. Nhưng với bản tính đa nghi, Tháo không tin trên đời lại có một cách chữa trị như thế. Ông sợ rằng Hoa Đà sẽ lợi dụng thời cơ mà hành thích mình. Vậy nên ông lệnh cho quân sĩ bắt giam Hoa Đà vào ngục tối. Về phần Tào Tháo, sau này ông chết vì bạo bệnh. Và nguyên nhân lại chính là do cái khối u ấy gây ra.
Quan Vũ chết vì kiêu căng, ngạo mạn
Quan Vũ là vị anh hùng đứng đầu trong Ngũ hổ tướng của nước Thục. Ông cùng với Lưu Bị, Trương Phi kết nghĩa vườn đào, cùng nhau xông pha trận mạc lập nhiều chiến công. Quan Vũ được diễn tả là “mắt phượng mày tằm, tay cầm Thanh Long Yểm Nguyệt đao, cưỡi ngựa Xích Thố”. Hình ảnh của ông là biểu tượng cho sự trung thành, can đảm, dũng mãnh, hào hiệp, trượng nghĩa. Tuy nhiên, ông được nhiều vị sử gia đánh giá là có tính kiêu căng, ngạo mạn. Và đó cũng là lý do dẫn đết cái chết của ông.
Năm ấy, Quan Vũ đang giữ Kinh Châu, một nút thắt trọng yếu trong chiến lược “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng. Lúc đó, Tào Tháo bày mưu đánh Quan Vũ bằng cách phối hợp với Đông Ngô. Tôn Quyền lúc đó chưa quyết định sẽ theo phe nào, ông liền sai sứ giả đến diện kiến Quan Vũ để hỏi cưới con gái ông cho con trai của mình tiện thăm dò thái độ.
Quan Vũ lúc đó vì quá ngạo mạn nên quên lời dặn của Gia Cát Lượng. Ông chẳng những không đồng thuận hôn lễ mà còn nhục mạ cả nước Ngô. Với câu nói “nòi hổ không thể gả cho giống chó” của mình, Quan Vũ đã trực tiếp đạp đổ liên minh Tôn-Lưu mà Gia Cát Lượng đã vạch ra. Dẫn đến việc Tôn Quyền lập tức liên kết với Tào Tháo lập mưu đánh ông. Sau đó, ông đã bị chém đầu bởi một viên tướng Đông Ngô tên là Lữ Mông.
Trương Phi chết vì nóng nảy và nghiện rượu
Thêm một cái tên ở nước Thục, Trương Phi cũng là một trong những Ngũ Hổ tướng của Lưu Bị. Ông nổi tiếng với sức khỏe phi thường, một chọi một trăm. Với tài năng của mình, Trương Phi đã lập không ít chiến công hiển hách cho nước Thục. Thế nhưng, ông lại có một điểm yếu chính là thói nóng nảy và cực kỳ nghiện rượu. Điều này đã khiến ông không ít lần mắc bẫy kẻ địch, thậm chí suýt bỏ mạng. Nhưng đâu rồi cũng vào đấy, cũng vì tính khí đó mà cuối đời, ông đã rước họa sát thân vào người.
Trong lần thân chinh sang đánh Đông ngô trả thù cho Quan Vũ, Lưu Bị lệnh cho Trương Phi cầm hơn vạn quân xuất phát từ Lãnh Trung đến Giang Châu hội quân. Quá nôn nóng muốn trả thù cho nhị ca, Trương Phi lệnh cho Trương Đạt và Phạm Cương phải nhanh chóng may đủ quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân trong thời gian ngắn. Nếu không làm được, ông dọa sẽ đánh đập họ. Vì quá sợ Trương Phi, Trương Đạt và Phạm Cương bèn lợi dụng lúc ông đang say mèm liền lén vào hành thích, lấy thủ cấp sang dâng cho Tôn Quyền xin hàng.
Mã Tắc chết vì thiếu hiểu biết
Mã Tắc là một trong những vị học trò tài năng nhất của Gia Cát Lượng. Ông vừa có tài, lại thích bàn luận chính sự nên rất được Gia Cát Lượng trọng vọng và tin dùng. Mã Tắc cũng là người góp công lớn cho việc bày kế để Ngụy Đế Tào Duệ cách chức Đại Đô đốc của Tư Mã Ý khiến quân Ngụy liên tục thảm bại. Tuy vậy, trước khi mất, Lưu Bị đã khuyên Gia Cát Lượng không nên quá tin vào Mã Tắc vì người này chỉ là hư danh, không giỏi thực chiến, lại còn hay khoác lác. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến Mã Tắc thất bại và bị xử tử.
Trong trận Nhai Đình, Mã Tắc do không giỏi thực chiến đã đánh giá sai tình hình. Ông đã bỏ ngoài tai lời khuyên của Gia Cát Lượng rằng hãy đóng quân ở đường cái, gần sông để có nước cho quân dùng. Ngược lại, Mã Tắc đã lênh cho hạ sĩ đóng quên ở trên núi, với châm ngôn:”Từ trên đánh xuống, thế như trẻ tre.” Nhận thấy sai lầm của Mã Tắc, Trương Cáp đã mang quân bao vây cô lập quân Thục trên núi, đồng thời chặn đường nước không cho địch sử dụng. Quân Thục thiếu lương, thiếu nước liền trở nên hoảng loạn. Trương Cáp nắm bắt thời cơ dồn sức tấn công và lấy được Nhai Đình từ tay Mã Tắc. Nước Thục thất bại trở về. Vì quá tức giận và muốn làm gương cho ba quân, Gia Cát Lượng đành phải ngậm ngùi chém đầu Mã Tắc.