Bài hát nghe vào muốn tự sát Gloomy Sunday, hay ca khúc bị nguyền rủa Giá y của nước ngoài từng khiến cho netizen xôn xao vì độ ma mị. Thế nhưng, nếu so với những ca khúc "made in Việt Nam" dưới đây, chúng không thể sánh được về cảm giác rùng rợn. Giai điệu vui tươi, phần lời thoạt nghe chẳng có gì đặc biệt, nhưng thật kỳ lạ là ai xem xong cũng cảm thấy lạnh sống lưng.
1. Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình là ca khúc được phổ nhạc dựa trên bài thơ của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Bài hát có ca từ da diết, u sầu, nói lên nỗi lòng của một trinh nữ van xin người thương đừng bỏ rơi mình. Sẽ không có gì đáng nói nếu những lời u uất này không được thốt ra từ dưới "mộ trinh".
Phần lớn người nghe chia sẻ rằng họ cảm thấy rùng rợn mỗi khi nghe nhạc và tưởng tượng đến hình ảnh một cô gái nằm dưới lòng đất lạnh, dù mục ruỗng vẫn tha thiết van xin "đừng bỏ em một mình". Lời và nhạc đã khá kỳ dị, nhưng kỹ thuật thu âm của những năm 1970, kết hợp với giọng hát truyền cảm của ca sĩ Lệ Thu tạo ra cảm giác như lời nói vọng về từ cõi hư vô.
2. Bắc kim thang
Bắc kim thang là bài hát dành cho thiếu nhi, nhưng xung quanh nó lại có nhiều câu chuyện đáng sợ. Lời đồn phổ biến nhất kể rằng bài hát ra đời dựa trên chuyện về anh bán dầu và anh bán ếch. Hai người là bạn thân, mỗi ngày đều phải đi qua cây cầu khỉ treo neo để bán hàng.
Một lần anh bán ếch cứu được con le le và con bìm bịp, chúng tiết lộ cho anh biết dưới sông có lũ ma da đang muốn bắt anh và anh bán dầu làm ma thế chỗ. Dù anh bán ếch đã nghĩ đủ mọi cách để bảo vệ bạn, nhưng cuối cùng anh bán dầu vẫn bị ma kéo chân khi đi qua cầu.
3. Tuổi hồng thơ ngây
Tuổi hồng thơ ngây có lẽ là ca khúc sẽ khiến nhiều người bất ngờ vì câu chuyện đằng sau. Có lời đồn thổi rằng ca khúc ra đời bắt nguồn từ bài thơ tình buồn được gửi cho nhạc sĩ Thanh Tùng nhờ phổ nhạc. Giả thuyết được đặt ra nhưng gây chú ý nhất về cảm hứng cho bài hát là chuyện một chàng sinh viên bị phụ tình. Khi người yêu về quê lấy chồng, vì quá đau đớn, tuyệt vọng nên chàng trai đã viết ra bài thơ thể hiện nỗi lòng rồi gieo mình từ tầng 4 của kí túc xá.
Không chỉ vậy, người bạn phát hiện và phát tán bài thơ ít lâu sau đó bị tai nạn và bại não. Hai người bạn của chàng trai hát ca khúc để tưởng nhớ bạn sau một năm ngày mất cũng gặp tai nạn giao thông. Nhiều sinh viên thường xuyên thấy những hiện tượng kỳ lạ hay tiếng đàn hát u sầu vang lên trong khu kí túc xá.
4. Rồng rắn lên mây
Nhiều người cho rằng Rồng rắn lên mây là bài đồng dao ám chỉ hiện tượng trùng tang trong gia đình. "Rồng rắn lên mây, có cây núc nắc" nhằm mô tả khung cảnh cúng giải trùng của người xưa. Khi làm nghi lễ này, người Việt cổ thường đi nối đuôi nhau quanh mộ người đã khuất, còn cây núc nắc là món đồ không thể thiếu trong cảnh cúng trùng tang.
"Thầy thuốc" hay "nhà điểm binh" đều ám chỉ thầy cúng trùng. Theo luật của trò chơi, nếu được hỏi nhà có con hay người thân không, người ta phải chối rằng không có nhà, không có con, không có người thân để cắt quỷ trùng. Những cảnh đuổi bắt khi chơi cũng là miêu tả lại khung cảnh quỷ trùng đuổi bắt những người trong gia đình.