Côn nhị khúc kỳ thực chỉ là món vũ khí tự vệ của nông dân Nhật Bản. Tuy nhiên, nhờ việc Lý Tiểu Long sử dụng món vũ khí này trên màn bạc mà nó bỗng nhiên trở thành một biểu tượng võ thuật đầy vẻ nguy hiểm. Thế nhưng, côn nhị khúc thực chất đã bị cường điệu hóa đến mức tạo ra những ngộ nhận sai lầm.
Nguồn gốc côn nhị khúc
Đầu thế kỷ 17, Okinawa bị Nhật Bản tái xâm chiếm và áp đặt chính sách cai trị vô cùng khắc nghiệt. Sưu cao, thuế nặng khiến cho nhiều cuộc nổi dậy liên tục nổ ra để chống đối. Đáp lại việc này, những người cai trị đã ban bố luật lệ tịch thu toàn bộ vũ khí của người dân. Luật lệ này nghiêm khắc đến mức chỉ cần giữ trong nhà một lưỡi dao cạo cũng có thể khiến dân chúng, thậm chí là sư sãi, bị hành hình ngay lập tức.
Chẳng những tước sạch vũ khí, triều đình còn tịch thu cả những dụng cùng gia dụng bằng sắt và đóng cửa các lò rèn. Suốt thời kỳ này, nông dân trong một làng chỉ có một con dao duy nhất để sử dụng. Lính canh sẽ giữ con dao và người dùng phải đến đăng ký mượn.
Sự thiếu thốn vũ khí này khiến người dân tìm cách cải tiến những nông cụ hợp pháp để tạo thành vũ khí tự vệ. Côn nhị khúc là vũ khí biến tấu từ một dụng cụ đập lúa làm nông.
Vũ khí chẳng đáng sợ như mọi người lầm tưởng
Do tiền thân là nông cụ nên côn nhị khúc vốn dĩ không phải vũ khí chính hiệu, nó không được thiết kế để phục vụ cho việc chiến đấu. Những người nông dân ở Okinawa bị cấm sử dụng vũ khí nên họ buộc phải dùng côn nhị khúc để che mắt binh lính. Côn nhị khúc chỉ thực sự trở nên nổi tiếng khi được Lý Tiểu Long đưa lên màn ảnh rộng.
Bruce Lee - Nunchaku
Trên lý thuyết, người ta có thể sử dụng kỹ thuật phóng côn để đánh tầm xa hoặc thậm chí sử dụng thanh côn làm gậy ngắn để chiến đấu ở cự ly gần. Giống như nhiều loại vũ khí có dây khác, côn nhị khúc rất dễ bị bắt chết nếu như đối đầu với một mảnh vải. Nếu vải căng ra trước đường đi của nhị khúc sẽ khiến côn bị vướng và tiêu biến toàn bộ lực đánh.
Đối với kiếm, người dùng có thể tận dụng thể lực của mình để đỡ đòn, còn côn nhị khúc thì không
Lý do là vì cấu tạo "mềm" ở giữa, côn nhị khúc giống như một cây gậy bị gãy thân. Chính vì kết cấu không chắn chắn này mà côn nhị khúc không thể truyền tải được thêm sức nặng của cơ thể người dùng lên nó. Do đó, nếu như bị cản phá, nhị khúc không thể sử dụng sức mạnh thuần túy để tạo thêm áp lực khiến cho toàn bộ lực đánh bị tiêu biến vào đoạn dây mềm ở giữa hai khúc.
Sự thật về côn nhị khúc
Những vũ khí đơn giản thì sẽ hữu dụng và phổ biến trong quân đội. Đáng tiếc, côn nhị khúc không đáp ứng được tiêu chí này, bởi khởi đầu của nó chỉ là một món vũ khí biến tấu từ nông cụ thô sơ để tự vệ. Vì mục đích lẫn cơ sở ra đời của côn nhị khúc đơn giản như vậy nên nó hoàn toàn không phải thứ vũ khí lý tưởng khi thực chiến trên chiến trường. Mọi đồn đại và thậm chí hình ảnh oai phong của nó hoàn toàn chỉ là do phim ảnh cường điệu hóa.