Phi tướng quân - Đô đốc nhà Tây Sơn một đòn hạ gục cao tăng Trung Quốc là ai?

Phan Văn Lân là đại tướng nhà Tây Sơn, được quân Thanh mệnh danh là Phi tướng quân (tướng từ trên trời xuống) để chỉ sự lợi hại và nhanh nhẹn của ông khi lâm trận.

Bên cạnh một võ nghiệp lẫy lừng cống hiến cho nhà Tây Sơn , thân thế của đại tướng Phan Văn Lân cho đến ngày nay vẫn là một ẩn số cho những người muốn quan tâm tìm hiểu. Các tài liệu hiện còn cho thấy những nét phác sơ sài về ông.

Thời trai trẻ Phan Văn Lân từng cùng ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) nhận Trương Văn Hiến làm thầy, tầm sư học võ. Theo gia phả họ Phan và Việt Nam sử lược Phan Văn Lân sinh năm Canh Thìn (1730), ông là con trưởng của Phan Chu, cháu đích tôn của Thám hoa Phan Kính và có dòng dõi với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Phi tướng quân - Đô đốc nhà Tây Sơn một đòn hạ gục cao tăng Trung Quốc là ai? - Ảnh 1.

1. Mãnh tướng văn võ song toàn

Phan Văn Lân dáng vẻ thư sinh nhưng võ công lại cực kỳ cao cường. Ông tự nhận môn phái theo học có từ thời nhà Trần được lưu truyền trong dân gian tới thế kỷ XVIII. Mặc dù là một người có tài, song Phan Văn Lân luôn khiêm tốn với mọi người, hễ ai nói đến võ thuật ông lại khước từ rồi lẳng lặng bỏ đi.

Đây cũng được xem là một cách thức chờ đợi thời cơ của mãnh tướng. Khi tham gia nghĩa quân Tây Sơn, tài năng của Phan Văn Lân mới từng bước được mọi người biết tới.

Là người rộng lượng, khảng khái và quý trọng hiếu lễ với mọi người, Phan Văn Lân được cả chủ tướng và binh sĩ dưới quyền yêu mến. Trong suốt binh nghiệp của nhà Tây Sơn từ chống thù trong đến tiêu diệt giặc ngoài ông đều trực tiếp tham chiến và có những đóng góp quan trọng, định đoạt một phần lịch sử dân tộc.

Phi tướng quân - Đô đốc nhà Tây Sơn một đòn hạ gục cao tăng Trung Quốc là ai? - Ảnh 2.

Minh họa Quang Trung cùng các tướng lĩnh công thành (nguồn: Internet)

Sau khi tiêu diệt Võ Văn Nhậm ở Bắc Hà, Quang Trung thành lập Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn tại đây, người được giao quản lý là tướng Ngô Văn Sở. Trong lực lượng của Bộ chỉ huy lúc đó có Phan Văn Lân. Ông là một trong những thành viên chủ chốt hoạch định kế hoạch chống lại sự xâm lược của quân đội nhà Thanh năm 1789.

Trong trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân Kỷ Hợi (1789), tại mặt trận Ngọc Hồi – Đống Đa, Phan Văn Lân cùng với các tướng Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng,… sát cánh và hỗ trợ đắc lực cho chủ tướng Quang Trung đánh và chiếm đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi. Nhờ những đóng góp của Phan Văn Lân, sau chiến thắng, hoàng đế Quang Trung đã phong cho ông chức Đô đôc, tước Nội hầu.

2. Một đòn hạ gục cao tăng Trung Quốc

Kể về sức mạnh hơn người của Phan Văn Lân, trong sách Các danh tướng Việt Nam cho biết hai giai thoại. Một lần nọ, các tướng muốn thử sức Phan Văn Lân, các tướng liền đưa ông vào trong thành rồi đóng chặt cửa lại, cung kính thưa "nay cửa thành đã đóng, vào ra đều không thể được, vậy xin tướng công thử võ cho xem".

Bất đắc dĩ, Phan Văn Lân bảo các tướng lấy thêm những hòn đá lớn, mỗi hòn nặng đến vài trăm cân, chồng lên nhau và nói rằng "tôi chỉ là kẻ yếu đuối, vô dụng, chỉ xin thử một lần cho vui xem có được không". Nói rồi Phan Văn Lân đưa sống bàn tay phải chém mạnh xuống, cả ba hòn đá lớn đều bị vỡ làm đôi. Mọi người lúc đó chứng kiến đều kinh hãi.

Trong một lần khác, khi chiếm được Quy Nhơn, dưới trướng của Nguyễn Nhạc có một đại sư từ Trung Quốc theo phục. Nhà sư này rất giỏi võ nghệ nên càng được chủ yêu mến. Nghe được tài năng của Phan Văn Lân, vị cao tăng này đã dò hỏi và tìm đến tận doanh trại xin gặp để tỉ thí võ nghệ. Phan Văn Lân vì khiêm tốn mà đã hơn một lần tránh mặt.

Phi tướng quân - Đô đốc nhà Tây Sơn một đòn hạ gục cao tăng Trung Quốc là ai? - Ảnh 3.

Minh họa đại sư Trung Quốc ra đòn (nguồn: Internet)

Về sau, vì binh sĩ nhiều lần khẩn cầu, ông đã tìm đến nhà đại sư. Thoáng thấy nhà sư đang dạy võ, Phan Văn Lân đã bật cười. Không cần hỏi thêm, đại sư đã biết đó là Phan Văn Lân. Thời cơ đã đến, ông liền xin được thách đấu cùng Phan Văn Lân. Biết không thể khước từ thêm một lần nữa, Phan Văn Lân ra điều kiện:

Muốn thử võ nghệ thì phải mời vị Trưởng quan tới chứng giám và phải giao ước rằng, trong quá trình giao đấu một trong hai người có lỡ mất mạng cũng không được truy cứu trách nhiệm người còn lại.

Nhà sư nhanh chóng đồng ý để cuộc tỉ thí diễn ra. Để nhường nhà sư, Phan Văn Lân chỉ rũ áo và ngồi yên một chỗ, trong khi nhà sư sử dụng quyền cước lao đến đấm đá tới tấp.

Khi gần giáp mặt nhau, Phan Văn Lân chỉ hơi nghiêng mình, đưa tay đẩy nhẹ một cái, nhà sư bị tung lên cao rồi rơi xuống đất, đau như trời giáng.

Hai câu chuyện nhỏ phần nào cho biết sức khỏe phi phàm và lòng tự trọng, khiêm nhường của một bậc đại tướng thế kỷ XVIII.

Tham khảo nhiều nguồn