Màn gọi vốn 1 tỷ đồng trên "Thương vụ bạc tỷ" của Sử Hộ Vương vừa qua đã để lại không ít thị phi, tai tiếng cho cardgame này. Màn đối đáp giữa 2 founder chính của game, Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo với các tỉ phú "Shark" đã khiến cư dân mạng ngao ngán lắc đầu.
Cụ thể, Phương Thảo và Lộc muốn gọi 1 tỷ vốn đầu tư cho Sử Hộ Vương – một game thẻ bài dựa trên các nhân vật lịch sử hoàn tòan có thật của Việt Nam. Tuy nhiên doanh thu với quy mô nhỏ, khách hàng chỉ có giới trẻ cấp 2-cấp 3, thêm vào đó là màn tranh luận về tạo hình "táo bạo" của các nhân vật sử thi anh hùng đã đẩy Sử Hộ Vương vào thị phi không hồi kết.
Mặc dù là người đi gọi vốn, nhưng Phương Thảo lại có cách đối đáp, tranh cãi với các Shark – nhà đầu tư tiềm năng, một cách quá ngây thơ, thiếu suy nghĩ. Khi được Shark Đỗ Liên hỏi điểm thi môn sử khi còn đi học, Phương Thảo thành thật trả lời "Tốt nghiệp em chỉ được 5 điểm ạ!"
Một người 5 điểm sử, và một người nghiên cứu, cố vấn sử học qua 5 năm đọc sách, liệu có phải là nền tảng vững chắc cho một ý tưởng game rất hay, đó là truyền cảm hứng lịch sử Việt cho giới trẻ?
Đây không phải lần đầu tiên Sử Hộ Vương lên truyền hình và khiến dư luận xôn xao, "ném đá." Trước đây, chương trình Chuyển động 24h của VTV1 cũng đã nói về Sử Hộ Vương, sau khi tạo hình nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được tung ra và dấy lên bao màn tranh cãi của cư dân mạng.
Trước tạo hình quá hở hang, không hề phù hợp của Hồ Xuân Hương, game đã bắt đầu có những tai tiếng đáng kể. Dẫu vậy, nhiều thành viên trong team sản xuất game vẫn cho rằng tạo hình này là... bình thường. Thế nhưng khi lên truyền hình, người ta vẫn phải làm mờ đi.
Không chỉ nhân vật Hồ Xuân Hương, mà các nhân vật khác cũng không hề giống nguyên tác – thậm chí không giống người Việt. Thay vào đó, cư dân mạng đều cho rằng giống nét của các họa sĩ Nhật Bản, hay manga Nhật. Điển hình như "undercut" Nguyễn Huệ, hay Mẫu Thượng Thiên có trang phục không khác gì Nhật Bản cổ trang.
Trước Sharktank, Sử Hộ Vương còn từng bị Redbull: Chinh phục thử phản đối kịch liệt. Lý do cũng giống như những gì cư dân mạng phản hồi, hay các Shark đã nói: đó là tạo hình nhân vật quá "lai căng", "làm lố", khác với người Việt. Mặc dù mục đích của game và các nhà sáng lập trẻ này là truyền cảm hứng lịch sử, nhưng cách làm của họ lại có vẻ không đi đôi với lời nói.
Không dừng ở đó, Sử Hộ Vương tuy là game cho giới trẻ, nhưng lại không được giới trẻ thực sự ủng hộ. Ngoài một bộ phận fan của game, thì hầu hết những gì Sử Hộ Vương nhận được từ giới trẻ chính là lời phản đối, thậm chí cả cộng đồng Anime, Manga, Game. Nhiều tháng trước đây, Sử Hộ Vương bị đồn là "nhái" các game như Âm Dương Sư, Fate: Grand Order, hay tạo hình nhân vật anime/manga khác. Tuy những lời cáo buộc này chỉ dừng ở tranh cãi suông trên mạng, nó cũng để lại không ít ấn tượng xấu.
Như vậy, một cardgame vốn đã có thị trường nhỏ bé, những doanh thu bán ra ban đầu chỉ mang tính thử nghiệm, lại không có nền tảng vững chắc như cố vấn sử, biên kịch nội dung tốt, liệu có tồn tại được lâu? Thậm chí, nếu chưa được cấp phép từ Bộ, Sử Hộ Vương có thể nhận phạt bởi hình tượng Hồ Xuân Hương, hay "thuyền ship" Nguyễn Ánh-Nguyễn Huệ.
Có lẽ câu trả lời thực sự sẽ nằm ở giới trẻ - mục tiêu của Sử Hộ Vương. Chúng ta nên ủng hộ, hay phản đối cardgame này?