Tào Duệ gửi tặng quần áo, Tư Mã Ý thà chết rét không chịu mặc: 11 năm sau hậu thế mới hiểu

Được Tào Duệ, cháu nội của Tào Tháo, gửi tặng quần áo trong mùa đông giá rét, nhưng Tư Mã Ý thà để binh lính chết cóng vẫn không chịu phân phát hóa ra là có nguyên nhân.

Trong Tam Quốc, ba tập đoàn mạnh nhất là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô binh biến suốt mấy chục năm. Cuối cùng, chiến thắng lại thuộc về người ẩn nhẫn chờ thời, đó là Tư Mã Ý.

Ông là một trong những nhà quân sự, chính trị gia hàng đầu trong thời kỳ Tam Quốc, từng phục vụ 3 đời Tào gia trước khi thực hiện cuộc lật đổ ngoạn mục vào năm 249. Trong thời kỳ đầy hỗn loạn này, những cuộc đấu trí giữa Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng đã được nhắc đến nhiều lần trong lịch sử.

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng luôn được mô tả và ca ngợi về "tài năng xuất quỷ nhập thần", trên thông thiên văn dưới tường địa lý, một người tài đức song toàn hiếm có. Tuy nhiên, không thể phủ nhận về tài năng của Tư Mã Ý, một mưu sĩ đa mưu túc kế và đặc biệt là cực kỳ ẩn nhẫn.

Tào Duệ gửi tặng quần áo, Tư Mã Ý thà chết rét không chịu mặc: 11 năm sau hậu thế mới hiểu - Ảnh 1.

Tư Mã Ý là một nhân tài không thể xem nhẹ trong Tam Quốc.

Hơn nữa, Tư Mã Ý lại thấu hiểu bản chất con người. Không chỉ giỏi điều binh khiển tướng trên chiến trường, ông còn biết phân tích tâm tư của hoàng đế, các vị quan cấp trên và thuộc hạ cấp dưới, từ đó tránh được một số nguy cơ về nội bộ.

Cách xử lý tình huống khó đoán dưới đây là một minh chứng tiêu biểu cho thấy tài năng bậc thầy không thể xem nhẹ của Tư Mã Ý.

Năm 238, khi đã gần 60 tuổi, Tư Mã Ý nhận lệnh của Ngụy Minh Đế Tào Duệ, dẫn 40.000 quân đến Liêu Đông để dẹp loạn Công Tôn Uyên. Chiến dịch kéo dài từ mùa hè đến mùa đông. Sau khi Tư Mã Ý bình định được Liêu Đông, đại quân của ông gặp phải mùa đông lạnh hơn bình thường trên đường trở về.

Trên thực tế, mùa đông ở vùng Liêu Đông thời Tam Quốc quả thực khắc nghiệt, không dễ dàng để có thể sống sót. Những binh lính không có quần áo bông đã bị chết rét vì thời tiết lạnh giá. Một số người thậm chí còn bị chết cóng trong băng tuyết ở ngoài trời.

Vào thời xưa, đặc biệt là khi xảy ra chiến tranh, người ta thường chú ý tới thời điểm, địa điểm. Để chuẩn bị chu toàn cho cuộc chiến, lực lượng quân đội chắc chắn sẽ triển khai các biện pháp để đối phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra trước khi xuất trận. Vậy, tại sao đại quân của Tư Mã Ý lại phải chịu tổn thất vì điều kiện thời tiết trên đường khải hoàn?

Tào Duệ gửi tặng quần áo, Tư Mã Ý thà chết rét không chịu mặc: 11 năm sau hậu thế mới hiểu - Ảnh 3.

Mặc dù được Ngụy Minh Đế Tào Duệ tặng nhiều quần áo bông vào mùa đông, nhưng Tư Mã Ý nhất quyết không phân phát cho binh lính.

Hóa ra những binh lính này không thiếu quần áo bông để tránh rét. Bởi sau khi nghe tin thắng trận, Ngụy Minh Đế Tào Duệ, cháu nội của Tào Tháo, đã gửi một số lượng lớn quần áo cho Tư Mã Ý. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là Tư Mã Ý, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch ở Liêu Đông, lại thà để binh lính chịu lạnh còn hơn phân phát số quần áo này cho họ.

Vào thời điểm đó, hành động của Tư Mã Ý khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Rõ ràng trời lạnh như vậy mà được tặng quần áo bông thì phải phân phát cho mọi người. Tuy nhiên, 11 năm sau, khi phân tích kỹ lưỡng, mọi người mới nhận ra sự xuất chúng của nhà quân sự này.

Vì sao Tư Mã Ý lại làm như vậy?

Những bộ quần áo bông này là phao cứu sinh rất cần cho các binh lính của Tào Ngụy trong điều kiện thời tiết mùa đông ở Liêu Đông. Tuy nhiên, ngay cả khi chứng kiến một số binh lính già yếu, bệnh tật và bị chết cóng trên đường, Tư Mã Ý vẫn từ chối phân phát số quần áo này. Ông thậm chí còn viết thư cho Ngụy Minh Đế rằng các cựu chiến binh tuổi đã cao nên được đưa trở về quê nhà.

Những hành động này thoạt đầu có vẻ rất tàn ác, khiến binh lính hoang mang. Nhưng thực tế đây lại là một cuộc chiến tâm lý, bài kiểm tra của Ngụy Minh Đế dành cho Tư Mã Ý.

Tào Duệ gửi tặng quần áo, Tư Mã Ý thà chết rét không chịu mặc: 11 năm sau hậu thế mới hiểu - Ảnh 4.

Tào Duệ dù tin dùng nhưng vẫn luôn đề phòng Tư Mã Ý.

Sau khi Tào Tháo, Tào Phi lần lượt qua đời, Tào Duệ tuy tin dùng Tư Mã Ý nhưng cũng luôn đề phòng. Món quà quần áo mùa đông của vị hoàng đế này hóa ra ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc. Ngụy Minh Đế ban thưởng nhiều quần áo bông cho Tư Mã Ý nhưng lại chỉ định người nhận là vị quân sư này, thay vì binh lính tham chiến ở Liêu Đông.

Do đó, nếu Tư Mã Ý tự ý phân phát số quần áo bông mà hoàng đế ban tặng cho các thuộc hạ và binh lính thì Ngụy Minh Đế có thể sẽ tin rằng ông có ý đồ phản trắc. Đó là tự ý phân phát phần thưởng của hoàng đế để lấy lòng binh lính hòng chiếm lấy binh quyền.

Tư Mã Ý rất thông minh nên đương nhiên không mắc bẫy. Ông đã ra lệnh tịch thu hết số quần áo này để tránh bị hoàng đế nghi ngờ.

Ngụy Minh Đế Tào Duệ nhận được tin thì hiểu rằng Tư Mã Ý không có dã tâm, từ đó cũng vơi bớt đề phòng. Sau khi vượt qua bài kiểm tra này, Tư Mã Ý đã thành công lấy lại được lòng tin của Tào Duệ và trở thành phụ chính cùng với Tào Sảng. Thậm chí, trước khi qua đời vào năm 239, Tào Duệ tin tưởng và ủy thác Tư Mã Ý phò tá cho con trai là Tào Phương.

Cuối cùng, vào năm 249, sau hơn chục năm tiếp tục ẩn nhẫn và âm thầm từng bước nắm được binh quyền, Tư Mã Ý thực hiện thành công một cuộc đảo chính gọi là Sử biến lăng Cao Bình, biến hoàng đế của Tào Ngụy chỉ còn trên lý thuyết, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho con cháu sau này lập nên nhà Tấn.

Có thể thấy rằng, hành động tưởng như hồ đồ và có phần nhẫn tâm của Tư Mã Ý ở Liêu Đông năm xưa hóa ra lại là nước cờ được tính toán hết sức cẩn thận.

Chính sự kiên nhẫn và suy tính một cách kỹ lưỡng của Tư Mã Ý đã giúp ông đánh bại vô số kẻ thù hùng mạnh và giành chiến thắng hết lần này đến lần khác.

Bí quyết thành công của Tư Mã Ý

Tào Duệ gửi tặng quần áo, Tư Mã Ý thà chết rét không chịu mặc: 11 năm sau hậu thế mới hiểu - Ảnh 6.

Tư Mã Ý cả đời ẩn nhẫn chờ thời, cuối cùng làm nên đại nghiệp.

"Nhẫn" chính là bí quyết thành công của Tư Mã Ý.

Ở Nhật Bản, có một môn võ rất bí ẩn được gọi là Nhẫn thuật. Khác với các môn võ khác tập trung vào tăng cường sức mạnh thể chất, nhẫn thuật lại hướng vào việc tu luyện về tinh thần. Các ninja phải trải qua quá trình tu luyện nghiêm ngặt, từ bỏ sự cám dỗ của những ham muốn bên ngoài trước khi họ có thể thực hành Nhẫn thuật và thực hiện được nhiệm vụ khó khăn, rủi ro cao.

Về phương diện này, Tư Mã Ý có cùng tinh thần cốt lõi với các ninja Nhật Bản rèn luyện Nhẫn thuật. Bởi ông rất coi trọng chữ "nhẫn". Nhẫn thuật cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của ninja. Tương tự, việc ẩn nhẫn cũng thể hiện sức mạnh và trí tuệ hơn người của Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý là người am hiểu thời cuộc, túc trí đa mưu. Đối mặt với một vị quân chủ đa nghi như Tào Tháo, Tư Mã Ý luôn giữ thái độ khiêm tốn, nhẫn nhịn. Trải qua 3 đời Tào gia là Tào Tháo, Tào Phi và Tào Duệ, Tư Mã Ý nhiều lần vượt qua bài kiểm tra về sự trung thành, đồng thời khéo léo che giấu dã tâm về quyền lực. Cuối cùng người chiến thắng trên bàn cờ chính trị Tam Quốc chẳng phải là gia tộc Tư Mã, trong đó đứng đầu là Tư Mã Ý hay sao.

Bài viết tham khảo nguồn: QQ, Sohu, Baidu