Văn hóa dễ thương có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Đối với nhiều người, Nhật Bản cũng đồng nghĩa với từ “kawaii”, có nghĩa là dễ thương. Hello Kitty là một trong những mặt hàng dễ thương xuất khẩu của Nhật dễ nhận biết nhất trên khắp thế giới.
Thật dễ để tạo ra một thứ dễ thương. Động vật, trẻ sơ sinh, thức ăn, những đồ vật đều có thể được làm mẫu để trở thành món hàng hóa dễ thương. Các tập đoàn lớn, nhà ga, thành phố, thậm chí là Thế vận hội Tokyo, đều có những linh vật dễ thương, đáng yêu.
Các nhân vật trong các bộ anime (phim hoạt hình Nhật Bản) thường được vẽ theo kiểu chibi (là một kiểu vẽ dễ thương, với chiếc đầu quá khổ, đôi mắt to và thân hình bé nhỏ). Nói cách khác, kawaii có mặt ở khắp mọi nơi trên Nhật Bản, ngay cả ở những nơi khó tin nhất.
Và không có bất kì nơi nào, sự dễ thương lại được thể hiện rõ ở người phụ nữ hơn Nhật Bản. Văn hóa dễ thương đã đề cập đến những vấn đề sâu sắc hơn như cách phụ nữ Nhật Bản được nhìn nhận và đối xử trong một xã hội coi họ là những người kém cỏi và trẻ con hơn nam giới.
Nguồn gốc của Kawaii
Kawaii có nghĩa gốc là một khuôn mặt đỏ bừng, để ám chỉ một ai đó đang đỏ mặt vì xấu hổ hay ngại ngùng. Ngày nay, từ này mang nghĩa dễ thương, nhút nhát, đáng yêu, quyến rũ. Các định nghĩa cơ bản khác bao gồm trẻ con, ngây thơ, nhỏ bé.
Văn hóa kawaii của Nhật Bản được cho là bắt đầu từ những năm 1970 khi thanh thiếu niên phát triển chữ viết tay giống như trẻ con của họ. Các kiểu chữ viết cách điệu có các đường cong, giống như sợi mì bên cạnh trái tim, ngôi sao và khuôn mặt đáng yêu. Một số người tin rằng xu hướng đó là để phản ứng lại với văn hóa cứng nhắc của Nhật Bản thời hậu Thế chiến thứ hai, và phong cách dễ thương mới này cho phép giới trẻ thời đó thể hiện cá tính của họ.
Năm 1974, thương hiệu văn phòng phẩm của Nhật Bản Sanrio đã tung ra nhân vật mang tính biểu tượng của họ, Hello Kitty. Được thiết kế bởi Yuko Yamaguchi, chú mèo trắng siêu dễ thương - không có miệng và chiếc nơ màu hồng - lần đầu tiên được in trên một chiếc ví đựng tiền xu.
Gần 50 năm sau, Hello Kitty được công nhận trên toàn thế giới, đã được đặt trên vô số sản phẩm, và thậm chí còn có cả tàu cao tốc theo chủ đề của riêng mình. Năm 2008, Nhật Bản đã chọn Hello Kitty làm đại sứ du lịch chính thức của họ, mời các nước còn lại trên thế giới tôn vinh bản sắc kawaii đáng tự hào của đất nước.
Sụ yếu đuối, sự nhất thời, mong manh cũng được gắn liền với lịch sử của từ kawaii. Xã hội Nhật Bản coi phụ nữ yếu hơn nam giới về cả thể chất và tinh thần, đây được coi là những người mong manh, yếu đuối nên cần được nâng niu, bảo vệ.
Kawaii cũng có giới hạn của mình. Với những người phụ nữ lớn tuổi, già dặn, cô ấy không còn dễ thương nữa. Cô ấy đã bước ra khỏi thế giới quyến rũ của kawaii.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn tiếp tục dựa vào kawaii như một nền tảng để xuất khẩu những mặt hàng dễ thương, mà sử dụng phụ nữ làm hình mẫu bán hàng chính.
Bộ lọc Kawaii và xã hội Nhật Bản
Việc tiếp thị phụ nữ là những người dễ thương xảy ra thường xuyên ở Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sử dụng các nhân vật nữ ăn mặc hở hang từ anime cho một quảng cáo kêu gọi nghĩa vụ quân sự.
Một số nhà phê bình về văn hóa kawaii cho rằng Nhật Bản đang tự suy thoái với việc sử dụng liên tục hình ảnh nữ tính cho các chiến thuật tiếp thị. Nhiều người cho rằng kawaii khiến mọi người vỡ mộng khỏi mọi thứ không phải là kawaii. Các nhà nghiên cứu của Shokei Gakuin cho rằng kawaii đóng vai trò như một bức tường giữa thực và mơ, trưởng thành và trẻ con, thiếu hiểu biết và thực tế.
Những người trẻ đương đại đang đắm chìm trong thế giới tưởng tượng. Họ đắm chìm trong thời trang kawaii, anime, manga (truyện tranh Nhật Bản), búp bê... điều này gây ra những hệ quả không mong muốn đó chính là hikikomori và những "kí sinh trùng" độc thân muốn thoát ly khỏi thực tế.
Trong xã hội hiện đại của Nhật Bản, sự gia tăng của những người trẻ thiếu tự lập đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Nói cách khác, giới trẻ trở nên thờ ơ, thiếu hiểu biết đối với các vấn đề hiện thực.
"Bộ lọc" kawaii này không chỉ giới hạn ở phụ nữ Nhật Bản. Khi bộ phim Wonder Woman đến Nhật Bản năm 2017, người hâm mộ đã phẫn nộ vì phần lồng tiếng bỗng cao vút, đáng yêu cho đoạn giới thiệu. Wonder Woman là bộ phim cho thấy sự độc lập, tự chủ và sức mạnh của phụ nữ, nhưng những đặc tính đó đã bị phủ lên bởi văn hóa kawaii.
Tiêu chuẩn kép của Kawaii
Sự hòa nhập được đánh giá cao ở Nhật Bản, và một số phụ nữ cảm thấy bị áp lực khi phải chạy theo kawaii để hòa nhập. Đặc biệt, các nhóm nhạc thần tượng phải tuân thủ các quy tắc ứng xử nghiêm ngặt nhằm duy trì tính cách dễ thương và trẻ con của mình. Tuy nhiên, khi những thần tượng này bị đe dọa hay bị tấn công tình dục, chẳng hạn như Yamagushi Maho của nhóm nhạc NKT48, chính nạn nhân phải là người cúi đầu xin lỗi vì đã làm "mất hình tượng" trong mắt công chúng.
Phụ nữ cũng phải đối mặt với những rào cản được hình thành từ phụ nữ kawaii. Nếu một cô nhân viên công sở hay một người phụ nữ lớn tuổi muốn thăng tiến trong sự nghiệp, họ cần phải được nhìn nhận ở cấp độ ngang hàng với những người đàn ông, có nghĩa là họ phải từ bỏ sự dễ thương. Tuy nhiên, khi phụ nữ muốn được coi trọng, đàn ông lại tỏ ra chê bai họ và tiếp tục coi họ là người kém cỏi. Vậy, làm thế nào để phụ nữ có thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp khi họ luôn bị đánh giá thấp?
Kawaii sẽ không sớm biến mất trong nền văn hóa của Nhật Bản. Sự dễ thương đã và đang mang về cho Nhật Bản hàng nghìn tỷ yên. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi cho những người phụ nữ không chỉ dễ thương, nhút nhát, đáng yêu, trẻ con. Ai rồi cũng sẽ lớn vào một ngày nào đó, và Nhật Bản cần trưởng thành hơn cũng như ngừng việc tiếp thị phụ nữ như những mặt hàng dễ thương với tính cách trẻ con và đôi mắt nai ngơ ngác.
(Theo Medium)