Mới ra mắt được gần hai ngày nhưng Cám đã gây bão mạng xã hội với hàng loạt bình luận khen chê. Phim cũng lập nhiều kỷ lục phòng vé, cho thấy sức hút từ thương hiệu Tấm Cám. Song, đi kèm với độ hot đó lại là hệ quả tiêu cực khi một TikToker đã đăng tải gần như toàn bộ nội dung phim lên mạng xã hội.
Trước Cám, không ít phim Việt cũng gặp phải tình trạng này như Chị Chị Em Em 2 (2023), Kẻ Ăn Hồn (2023), Nhà Bà Nữ (2023)... Đây không chỉ là hành động thể hiện ý thức kém của một bộ phận khán giả mà còn gây thất thoát lớn cho bộ phim. Nặng hơn, việc quay lén trong rạp là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Các nhà làm phim đã lên án cực kỳ gay gắt hành vi này. Nữ diễn viên Minh Hằng từng đăng story: “Không nói nên lời vì những vấn nạn vô văn hoá”, khi Chị Chị Em Em 2 bị quay lén. Thảo Trang - tác giả bộ tiểu thuyết gốc của Kẻ Ăn Hồn - đăng một bài viết dài bày tỏ sự phẫn nộ. Nghiêm trọng hơn, Ngô Thanh Vân đã khởi kiện người livestream Cô Ba Sài Gòn lên mạng xã hội hồi năm 2017. Song, dường như một bộ phận người xem vẫn muốn lợi dụng hành vi này để câu like, lượt xem…
Phim điện ảnh Cám là dị bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Trong đó, gia tộc của Tấm Cám từng giao kèo với ác quỷ, hiến tế trinh nữ trong nhà để đổi lấy sự giàu sang. Cám (Lâm Thanh Mỹ) sinh ra đã dị dạng, bị mọi người trong gia đình kỳ thị, hạnh hạ. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất yêu thương đứa em gái cùng cha khác mẹ. Cho đến một ngày Cám bị cha là Hai Hoàng (Quốc Cường) đem đi hiến tế.
Từ khi chưa ra rạp, bộ phim đã gây chú ý và lập kỷ lục phim kinh dị có lượt bán vé sớm cao nhất lịch sử với hơn 110 nghìn vé. Tác phẩm cũng lấy ngay ngôi đầu phòng vé ngày đầu công chiếu với 200 nghìn lượt khán giả ra rạp. Hiện tại (tính đến 21h ngày 21/9), doanh thu của Cám là gần 34 tỷ đồng sau chưa đến hai ngày công chiếu.