Spider-Man 3 (2007): Đạo diễn Sam Raimi đã tạo ra hai tập phim Người Nhện vô cùng tuyệt vời cùng ngôi sao Tobey Maguire. Do đó, Spider-Man 3 thuộc nhóm tác phẩm được mong chờ nhất mùa hè 2007. Song, quá trình thực hiện bom tấn không suôn sẻ. Hãng Sony dường như đã can thiệp quá sâu vào quá trình sáng tạo, trong đó có việc yêu cầu phải cho thêm Venom (Topher Grace) xuất hiện. Hậu quả là Spider-Man 3 trở nên lộn xộn và thua xa kỳ vọng khán giả. Dẫu sao, bom tấn vẫn thu tới 890,3 triệu USD. Tuy nhiên, Sam Raimi sau đó đã rời bỏ thương hiệu, và buộc Sony phải tái khởi động loạt phim với The Amazing Spider-Man.
X-Men Origins: Wolverine (2009): Sau cú vấp ngã mang tên The Last Stand (2006), thương hiệu X-Men chuyển hướng khi làm phim riêng về Wolverine (Hugh Jackman) - nhân vật dị nhân được yêu thích nhất. Song, cốt truyện của X-Men Origins: Wolverine quá ư rập khuôn và dễ đoán. Bộ phim còn gây nên “tội ác” khi phá hỏng hình tượng nhân vật Deadpool. Phần kỹ xảo trong phim thiếu ấn tượng, và việc tác phẩm để lọt bản chưa dựng hoàn chỉnh lên mạng càng khiến dự án trở nên đáng quên. Fox rốt cuộc lại tạm ngừng làm phim riêng về các dị nhân, và quay về thực hiện X-Men: First Class (2011) với dàn diễn viên trẻ trung.
Iron Man 3 (2013): Iron Man (2008) là tác phẩm giúp mở ra MCU và thuộc hàng xuất sắc trong dòng phim siêu anh hùng. Tuy nhiên, hai phim riêng tiếp theo về Người Sắt lại để lại nhiều tiếc nuối. Iron Man 2 (2011) gây thất vọng vì nhân vật phản diện, còn Iron Man 3 lại gây ra nhiều tranh cãi. Vấn đề lớn nhất chính là danh tính của Mandarin. Tưởng như nhân vật của Ben Kingsley là tên trùm của hội Thập Nhẫn, nhưng hóa ra đây chỉ là một diễn viên đóng thế. Chi tiết này khiến không ít fan truyện tranh cảm thấy không thỏa mãn.
The Amazing Spider-Man 2 (2014): Nếu như The Amazing Spider-Man (2011) bị phàn nàn là phiên bản làm lại của Spider-Man (2002), thì bộ phim Người Nhện thứ hai của tài tử Andrew Garfield xem ra lại mắc đúng sai lầm của Spider-Man 3. Nhồi nhét cùng lúc hai nhân vật phản diện là Electro (Jamie Foxx) và Green Goblin (Dane DaHaan), bom tấn trở nên hết sức lộn xộn. Chỉ có đúng một khoảnh khắc đáng nhớ từ bộ phim là cái chết của Gwen Stacy (Emma Stone) ở cuối tác phẩm. Nhưng chỉ chừng đó là không đủ để Sony kéo dài thêm loạt phim.
Fantastic Four (2015): Phiên bản năm 2015 của Bộ tứ Siêu đẳng thực sự là thảm họa điện ảnh bởi chất lượng dở tệ. Đạo diễn Josh Trank lên tiếng cho rằng Fox đã can thiệp quá sâu vào quá trình sáng tạo của anh. Bộ phim đã lãng phí nhân vật phản diện đáng nhớ bậc nhất của truyện tranh Marvel là Doctor Doom (Toby Kebbell), cũng như dàn sao trẻ cực kỳ tài năng gồm Michael B. Jordan, Miles Teller, Kate Mara, và Jamie Bell.
Suicide Squad (2016): Poster, hàng loạt trailer, quảng cáo giúp bom tấn của DCEU trông cực ngầu và hấp dẫn. Sự tò mò và bầu không khí chờ đợi ấy giúp bom tấn siêu anh hùng thu hơn 746 triệu USD toàn cầu (không có Trung Quốc). Song, thực tế thì thành phẩm của đạo diễn David Ayer khiến cả giới phê bình lẫn khán giả cảm thấy ngao ngán. Quá nhiều nhân vật và diễn viên tiềm năng bị lãng phí trong một tác phẩm lộn xộn, nhàm chán. Giờ thì DCEU quyết định tái khởi động thương hiệu Biệt đội Cảm tử với James Gunn.
Kingsman: The Golden Circle (2017): Sau thành công của Kingsman: The Secret Service (2014), khó ai có thể nghĩ rằng đạo diễn Matthew Vaughn lại tạo ra phần tiếp theo nhàm chán như The Golden Circle. Câu chuyện gượng ép, lê thê, nhân vật phản diện lố lăng, thiếu thuyết phục, tất cả khiến phần hai của Kingsman là trải nghiệm cực kỳ đáng quên. Nguyên dàn diễn viên người Mỹ tài năng gồm Jeff Bridge, Halle Berry hay Channing Tatumkhông có đất để thể hiện tài năng. Giờ thì tất cả hồi hộp chờ đợi xem liệu Kingsman có thể lấy lại sự màu nhiệm của mình với tập phim tiền truyện sắp tới hay không.
Death Note (2017): Thực lòng mà nói các bộ phim Hollywood dựa trên truyện tranh Nhật Bản thường gây thất vọng lớn cho khán giả. Và Death Note của Netflix thực sự gây chán nản. Cốt truyện nguyên tác rất thông minh, và hoàn toàn phù hợp cho các nhà biên kịch Hollywood trổ tài. Nhưng họ vẫn biến tất cả trở thành một mớ hổ lốn với những tình huống phi lý đến khó tin. Chưa kể, tài năng của Willem Dafoe hoàn toàn bị phí hoài khi ông vào vai tử thần Ryuk.
Justice League (2017): Sẽ là không ngoa nếu gọi bom tấn quan trọng của DCEU là một “bi kịch”. Quá trình thực hiện gặp nhiều trục trặc khiến thành phẩm của Justice League dở tệ đến mức khó tin, và hậu quả là cả vũ trụ điện ảnh lâm vào thế bí. Theo dõi bộ phim, khán giả như có cảm giác đang thưởng thức một bộ phim siêu anh hùng của thập niên 1990, với nội dung trẻ con, kỹ xảo còn lộ nhiều điểm yếu… May mắn là DCEU lại mới được vực dậy nhờ Aquaman (2018), nhưng tương lai của biệt đội Liên minh Công lý hiện là dấu hỏi lớn
Ant-Man and The Wasp (2018): “Lỗi” của Ant-Man and The Wasp có lẽ nằm ở việc bộ phim ra mắt ngay sau Avengers: Infinity War (2018) quá sức hoành tráng và thành công. Tuy nhiên, điểm yếu của bộ phim là chưa thể khai thác triệt để hai nhân vật tựa đề. Họ cố gắng tạo ra một nhân vật phản diện đa chiều là Ghost, nhưng cũng không thể đào sâu cô gái kém may mắn này. Hậu quả là Ant-Man and The Wasp đúng chỉ thuộc dạng “hạng B” nếu so sánh với các bộ phim khác cùng thuộc MCU.