Speed Racer (2008): Bộ phim dựa trên thương hiệu hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản cùng tên gây tò mò khi do chị em đạo diễn Wachowski - những người vừa gặt hái thành công vang dội với loạt Ma trận đầu thế kỷ XXI - thực hiện. Song, phần kỹ xảo hoa mỹ không thể khỏa lấp sự tẻ nhạt về mặt nội dung của tác phẩm. Tuy chỉ gây lỗ khoảng 30 triệu USD, Speed Racer vẫn tạo ra sự thất vọng lớn lao đối với công chúng.
Battlefield Earth (2000): Tác phẩm khoa học viễn tưởng có John Travolta góp mặt thường bị gọi là “thảm họa điện ảnh”, và thường xuyên có mặt trong danh sách các bộ phim tệ nhất mọi thời đại. Thất bại trong việc lôi kéo khán giả, phim chỉ thu 43 triệu USD, so với khoản kinh phí sản xuất 73 triệu USD
X-Men: Dark Phoenix (2019): Đoạn kết của thương hiệu X-Men do Fox sản xuất thực sự là nỗi buồn vô hạn đối với người hâm mộ. Kể lại câu chuyện về Phượng hoàng Bóng tối, nhưng Dark Phoenix chỉ giống như một xuất phẩm tầm trung, với nội dung lỏng lẻo và phần diễn xuất khô cứng. Dự án đã tiêu tốn 200 triệu USD để thực hiện, nhưng chỉ mang về hơn 250 triệu USD từ phòng vé.
Waterworld (1995): Universal cố gắng khai thác dòng phim hậu tận thế đang là xu hướng ở cuối thế kỷ XX với Waterworld. Tại thời điểm 1995, đây là dự án đắt đỏ nhất mọi thời đại với kinh phí lên tới 200 triệu USD. Nhưng doanh thu 260 triệu USD biến đây thành quả “bom xịt”. Sau này, nhờ thị trường băng đĩa, Universal mới có thể giảm lỗ.
Green Lantern (2011): Cá nhân Ryan Reynolds muốn quên đi Green Lantern, thậm chí còn giễu nhại tác phẩm ở Deadpool 2 (2018). Anh hoàn toàn có lý. Warner Bros. thất bại trong cuộc chạy đua ở dòng phim siêu anh hùng hồi đầu thập niên 2010, và dự án Green Lantern đã gây lỗ khoảng 75 triệu USD.
The Mummy (2017): Phiên bản Xác ướp Ai Cập là lần thứ ba Universal dự tính mở ra Vũ trụ Đen tối (Dark Universe). Nhưng họ tiếp tục thất bại với một kịch bản tẻ nhạt, dù trong dàn diễn viên có Tom Cruise. Họ vướng khoản lỗ lên tới 95 triệu USD với The Mummy. Con số đã giảm bớt đi ít nhiều khi Tom Cruise giúp thu hút một lượng khán giả nhất định tại châu Á.
Titan A.E. (2000): Bộ phim hoạt hình Titan A.E. sớm chìm vào quên lãng bởi sự yếu kém về nhiều mặt. Đặc biệt, phim gây lỗ tới 100 triệu USD. Hậu quả là xưởng hoạt hình Fox Animation sớm bị đóng cửa chỉ sau đúng hai dự án là Titan A.E. và Anastasia.
The Adventure of Pluto Nash (2002): Từng là thỏi nam châm phòng vé trong thập niên 1980, song, trải qua thời gian, danh hài Eddie Murphy như “hết phép”. The Adventures of Pluto Nash khiến người xem cười không nổi và tỏ ra gượng gạo. Hậu quả là tác phẩm khoa học viễn tưởng - hài hước đem tới khoản lỗ lên tới 145 triệu USD.
King Arthur: Legend of the Sword (2017): Warner Bros. tan giấc mộng mở ra vũ trụ điện ảnh xoay quanh nhân vật Vua Arthur (Charlie Hunnam). Họ thậm chí đã lên kế hoạch thực hiện tới 6 phần phim. Song, Legend of the Sword thất bại trong việc lôi kéo khán giả đến rạp. Khoản lỗ lên tới 150 triệu USD như gáo nước lạnh dội lên mọi niềm hy vọng của WB.
The Lone Ranger (2013): Jack Sparrow trong Pirates of the Caribbean là nhân vật biểu tượng trong sự nghiệp Johnny Depp, nhưng anh lại lạm dụng lối diễn tưng tửng sang cả nhiều tác phẩm khác. The Lone Ranger của Disney hứng chịu hậu quả nặng nề hơn cả. Dự án được rót cho khoản đầu tư khổng lồ, để rồi đem về khoản lỗ lên tới 190 triệu USD. Đây là một trong những dự án “bom xịt” khủng khiếp nhất lịch sử điện ảnh.
(Theo An Thanh - zingnews.vn)