10 ngôi sao mất vai vì tham lam tiền thù lao

Tom Cruise, Bruce Willis hay Terrence Howard là những cái tên từng đánh mất dự án lớn chỉ vì đưa ra đòi hỏi về cát-xê thiếu hợp lý.


Bruce Willis và The Expendables 3: The Expendables là loạt phim hành động quy tụ vô số ngôi sao hành động từ thập niên 1980, 1990 cho tới hiện tại. Đến phần ba, nhà sản xuất muốn đưa Bruce Willis từ chỗ là khách mời (cameo) lên sắm một vai chính. Họ sẵn sàng bỏ ra 3 triệu USD chỉ cho bốn ngày ghi hình, nhưng ngôi sao lại đòi hỏi mức 4 triệu USD. Ba ngày sau, Sylvester Stallone quyết định ngừng theo đuổi Willis và tìm đến Harrison Ford. Ông không quên viết trên trang cá nhân với ý mỉa mai rằng: “Tham lam và lười biếng, quả là công thức khiến sự nghiệp lụn bại”


Tom Cruise và Salt: Nữ điệp viên Salt là vai diễn gắn liền với tên tuổi Angelina Jolie, nhưng nhân vật ban đầu thực chất thuộc phái mạnh, và dự án có tên Edwin A. Salt. Song, thù lao cao ngất mà Tom Cruise đặt ra đã khiến mọi chuyện thay đổi 180 độ. Đại diện của siêu sao đưa ra con số 20 triệu USD, và nhà đầu tư không đồng ý. Trước tình thế đó, đạo diễn Phillip Noyce đưa ra thay đổi mà nhiều người ban đầu coi là “điên rồ”, và đưa Salt tới thành công


Katherine Heigl và Valentine’s Day: Đã có thời Katherine Heigl là “cục cưng của nước Mỹ” nhờ thành công của bộ phim hài Knocked Up (2007) và loạt Grey’s Anatomy. Khi dự án Valentine’s Day (2010) tìm đến cô, Heigl đưa ra yêu cầu cát-xê 3 triệu USD cho phần diễn ít ỏi. Họ không thể chiều lòng minh tinh, nhất là khi dự án còn có sự tham gia của nhiều ngôi sao khác như Bradley Cooper, Anne Hathaway, Taylor Swift… Cộng thêm những lần bị tố cáo là kiêu ngạo, có thái độ không đúng mực trên phim trường, cái tên Katherine Heigl dần rơi vào quên lãng.


Terrence Howard và Iron Man 2: Kể từ Iron Man 2 (2010) tới nay, Don Cheadle là người sắm vai James Rhodes / War Machine. Trong Iron Man (2008), vai diễn vốn thuộc về Terrence Howard. Đầu tiên, Howard nhận được 3,5 triệu USD, và Marvel Studios hứa sẽ nâng con số lên mức 5 triệu USD nếu phim có phần hai. Trong quá trình xây dựng Iron Man 2, họ nhận ra đất diễn dành cho War Machine quá ít ỏi và quyết định giảm mức đề nghị xuống. Trên thực tế, đạo diễn Jon Favreau và biên kịch Justin Theroux chủ động giảm “đất” của War Machine bởi Terence Howard là người khó hợp tác trên trường quay. Giữa hai bên nảy sinh tranh cãi lớn và rốt cuộc đã chia tay.


Hilary Duff và Lizzie McGuire: Từ thành công trên màn ảnh nhỏ, Lizzie McGuire có phiên bản điện ảnh, và Disney sớm muốn thực hiện phần hậu truyện. Song, mẹ của Hilary Duff tiết lộ với báo chí rằng con gái rời khỏi thương hiệu bởi Disney tỏ ra thiếu công bằng trong chuyện thù lao. Khi ấy, nhà Duff muốn nhận 100.000 USD cho mỗi tập phim truyền hình mới (so với 15.000 USD lúc đầu), và 5 triệu USD cho phim điện ảnh thứ hai. Về phía “nhà chuột”, họ chỉ ưng thuận mức 35.000 USD/tập phim truyền hình, và 4 triệu USD kèm theo phần thưởng dựa trên doanh thu của tác phẩm điện ảnh. Mãi tới 2019, mọi chuyện mới có vẻ trở nên ổn thỏa hơn khi Hilary Duff quyết định quay lại với thương hiệu.


Marcus Chong và loạt The Matrix: Ở The Matrix (1999), Tank (Marcus Chong) là một nhân vật quan trọng. Nhưng khi anh đòi hỏi con số 1 triệu USD để trở lại, nhà đầu tư chỉ đồng ý mức 400.000 USD. Đôi bên không đạt được thỏa thuận, và Tank bị tiết lộ là đã thiệt mạng. Ê-kíp thay thế anh bằng nhân vật Link (em trai Tank) của Harold Perrinau. Năm 2003, Chong thậm chí đã đâm đơn kiện nhà sản xuất, nhưng thất bại.


Crispin Glover và Back to the Future Part II: Crispin Glover không thích kịch bản của Back to the Future Part II (1989), nhưng vẫn sẽ đồng ý tham gia dự án nếu được nhận 1 triệu USD. Con số này cao gấp nhiều lần so với lời đề nghị 150.000 USD từ nhà sản xuất. Song, thay vì tìm diễn viên thay thế, ê-kíp lại cho một người hóa trang, ăn mặc y như Crispin Glover ở phần đầu. Cuối cùng, tài tử quyết định đâm đơn kiện nhà sản xuất loạt Back to the Future. Theo một số nguồn tin, Glover đã thắng kiện và nhận được 760.000 USD.


Sean Connery và loạt 007: Ở thời điểm You Only Live Twice (1967) ra mắt, 750.000 USD là con số thù lao rất cao dành cho Sean Connery. Nhà sản xuất biết rằng ngôi sao sẽ yêu cầu mức cao hơn nữa với phần tiếp theo, nên đã dự tính “phương án B”. Quả đúng như vậy. Connery muốn nâng mức lương của mình lên 1 triệu USD, và MGM quyết định chọn George Lazenby cho On Her Majesty's Secret Service (1969). Song, bộ phim năm 1969 và Lazenby vấp phải nhiều sự phản ứng. Tới năm 1971, nhà sản xuất đành phải chi ra 1,25 triệu USD cho Sean Connery để ông quay lại đóng Diamonds are Forever.


Taylor Lautner: Là một thành viên của “bộ ba” trung tâm loạt phim Chạng vạng, chàng “người sói” nhận được mức cát-xê lên tới 25 triệu USD cho hai phần cuối. Từ đây, Taylor Lautner liên tục đưa ra yêu cầu thù lao khiến nhà sản xuất ngán ngẩm, như 7,5 triệu USD cho phim dựa trên đồ chơi Stretch Armstrong, hay 10 triệu USD cho dự án David & Goliath có thể đóng cùng Dwayne “The Rock” Johnson. Tuy nhiên, năm 2011, dự án Abduction của Lautner mờ nhạt tại phòng vé, bị báo chí chê bai đủ đường. Trong kinh phí sản xuất 35 triệu USD của tác phẩm hành động, cát-xê của anh chiếm tới 5 triệu USD. Từ đây, các studio bắt đầu quay lưng với Taylor Lautner, và sự nghiệp của anh không có gì nổi bật trong suốt một thập kỷ qua.


Halle Berry: Giải Oscar đầu năm 2002 với Monster’s Ball (2001) giúp Halle Berry dễ dàng ngồi vào bàn đàm phán hơn. Cô nhận 4 triệu USD từ Die Another Day (2002) thuộc loạt 007, 6 triệu USD từ Gothika (2003), và 14 triệu USD từ Catwoman (2004). Chỉ có điều, cả ba phim đều thuộc hàng trung bình kém, nhất là Catwoman luôn bị coi là “thảm họa điện ảnh”. Trong suốt một thời gian dài, các nhà sản xuất không dám tìm đến Berry, lo ngại cô là “thuốc độc phòng vé”, hoặc đơn giản cho rằng minh tinh không đắt giá đến thế. Mãi tới gần đây, Halle Berry mới dần được các thương hiệu lớn như Kingsmen hay John Wick mời tham gia.

(Theo An Thanh - zing.vn)