10 nhân vật tuyệt phẩm của kỹ xảo điện ảnh

Ấn tượng mà lần lượt Caesar trong “Planet of the Apes”, Gollum của “Lord of the Rings”, hay Thanos ở MCU để lại cho khán giả có công lớn từ công nghệ kỹ xảo điện ảnh.

Jar Jar Binks trong Star Wars: Bắt tay vào thực hiện bộ ba phim tiền truyện cho Chiến tranh giữa các vì sao hồi cuối thế kỷ XXI, đạo diễn George Lucas quyết định tận dụng tối đa kỹ xảo điện ảnh, thay vì sử dụng công nghệ truyền thống năm xưa. Một trong những thành phẩm đáng nhớ là Jar Jar Binks - nhân vật đầu tiên hoàn toàn được tạo ra nhờ CGI. Tuy nhiên, Jar Jar Binks đến nay gây chia rẽ trong cộng đồng fan Star Wars. Không ít người cho rằng sinh vật tỏ ra vô duyên và thừa thãi đối với cốt truyện.

Moff Tarkin trong Star Wars: Năm 2016, thương hiệu Chiến tranh giữa các vì sao tung ra phần ngoại truyện Rogue One, với những sự kiện xảy ra ngay trước thềm tập A New Hope (1977). Thống đốc Moff Tarkin cần tái xuất, nhưng tài tử Peter Cushing đã qua đời từ năm 1994. Cuối cùng, hãng Lucasfilm sử dụng Guy Henry làm thế thân, rồi dùng kỹ xảo để tái tạo hình ảnh Cushing. Thành quả tuyệt vời đã giúp dẹp tan bầu dư luận hoài nghi trước giờ tác phẩm ra rạp. Ngoài ra, cũng nhờ CGI, khán giả có cơ hội gặp lại Leia thời trẻ tuổi ở Rogue One.

Dobby trong Harry Potter: Gia tinh Dobby là gương mặt quan trọng ở phần 2 - The Chamber of Secrets (Phòng chứa bí mật) - của loạt Harry Potter. Warner Bros. đã rất sáng suốt khi sử dụng hoàn toàn kỹ xảo để tạo ra nhân vật, thay vì hóa trang cho một diễn viên nào đó. Dobby trong loạt Harry Potter luôn chân thực, sinh động, và điều đó khiến cho cái chết của chú càng thêm cảm động.

Davy Jones trong Pirates of the Caribbean: Nếu như phần một loạt Cướp biển Caribbean từng bị phàn nàn ít nhiều về mặt kỹ xảo, thì điểm yếu đó được khắc phục hoàn toàn ở hai phần tiếp theo. Điểm sáng lớn nhất nằm ở nhân vật thuyền trưởng Davy Jones của tài tử Bill Nighy, với gương mặt đầy những chiếc xúc tu. Đây là thành quả đầy vất vả của đội ngũ kỹ xảo tại hãng Disney.

Thanos trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel: Từ chỗ thoáng xuất hiện trong The Avengers (2012), Thanos cuối cùng trở thành gương mặt phản diện đình đám nhất MCU. Tên “Titan điên” là kết quả từ công nghệ kỹ xảo, biểu cảm gương mặt và diễn xuất của Josh Brolin. Từng ánh mắt, cử động, lời thoại của gã đều tạo nên sự phấn khích cho người hâm mộ Marvel.

Tony Stark trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel: Hàng loạt màn biến hóa khôn lường của các bộ giáp Người Sắt khiến nhân vật siêu anh hùng Iron Man vô cùng được yêu mến. Không dừng lại tại đó, ở tập Captain America: Civil War, khán giả còn được gặp gỡ Tony Stark lúc trẻ tuổi. Công nghệ kỹ xảo đã đưa Robert Downey Jr. trở về tuổi thanh xuân, và trông tài tử hệt như thời thập niên 1990. Báo chí quốc tế dự đoán việc “trả lại tuổi trẻ” cho các diễn viên sẽ là điều thường xuyên xảy ra trong tương lai.

Neytiri trong Avatar: Bom tấn Avatar (2009) là đỉnh cao về công nghệ kỹ xảo do đạo diễn James Cameron nhào nặn. Trong đó, nhân vật Neytiri của Zoe Saldana được ca ngợi hết lời với từng cử động, từng ánh mắt đầy sức sống. Sự kết hợp giữa diễn xuất của Saldana và công nghệ CGI là vô cùng tuyệt vời. Nhưng có lẽ chính điều đó khiến minh tinh không thể nhận đề cử Oscar về diễn xuất hồi đầu 2010.

Dr. Manhattan trong Watchmen: Quyết định chuyển thể cuốn tiểu thuyết truyện tranh Watchmen lên màn bạc, đạo diễn Zack Snyder cùng cộng sự biết rằng mình phải cần đến kỹ xảo để tạo ra tiến sĩ Manhattan. Từ hình thể lý tưởng của Greg Plitt, đội ngũ kỹ xảo phải trải qua quá trình cực kỳ phức tạp cùng với nam diễn viên Billy Crudup. Và những gì khán giả được chiêm ngưỡng trên màn ảnh quả thực mãn nhãn.

Gollum trong Lord of the Rings, The Hobbit: Gollum là một đỉnh cao công nghệ khác mà Hollywood từng đạt được. Bên cạnh giọng nói ám ảnh của Andy Serkis, đội ngũ kỹ xảo tại WETA đã khéo léo kết hợp CGI với phần diễn xuất ở ngoài đời thực của tài tử. Đây là bước đột phá của WETA và được ghi nhận bằng giải thưởng Oscar. Kỹ thuật sau đó đã được mở rộng và liên tục áp dụng tại Hollywood.

Caesar trong Planet of the Apes: Với loạt phim tái khởi động loạt Hành tinh khỉ, khán giả như được chiêm ngưỡng một “kỳ quan điện ảnh”. Qua từng tập phim, Caesar ngày một trở nên sinh động hơn, chân thực hơn, dưới phần diễn xuất của Andy Serkis và công nghệ tân tiến. Nhân vật xuất sắc đến nỗi có nhiều tranh cãi nổ ra về việc liệu có nên trao đề cử Oscar về diễn xuất cho Serkis hay không sau khi loạt phim khép lại.

(Theo zing.vn)