Jonah Hex (2010): Trước khi gây tiếng vang với vai Thanos ở MCU, Josh Brolin từng thử sức với dòng siêu anh hùng qua tác phẩm mang màu sắc Viễn Tây có tên Jonah Hex. Tuy nhiên, đây là bộ phim rập khuôn, không khai thác được những ý tưởng thú vị của nguyên tác. Có nguồn tin cho rằng phim dở tệ bởi có quá nhiều sự can thiệp vào bản phim cuối cùng. Nhưng sau tất cả, Jonah Hex thực sự là một dự án đáng quên khi chỉ thu gần 11 triệu USD.
Green Lantern (2011): Trước thành công bước đầu của đối thủ Marvel với Iron Man (2008) và Kỷ nguyên Anh hùng I, DC manh nha thiết lập vũ trụ điện ảnh mới với Green Lantern. Tuy nhiên, bộ phim về siêu anh hùng do Ryan Reynolds thể hiện lại quá nhạt nhẽo về mặt nội dung, cũng như có phần hiệu ứng kỹ xảo giả tạo. Bộ phim thất bại tới nỗi Reynolds sau này giễu nhại tác phẩm trong loạt Deadpool hết sức thành công cũng do anh đóng chính.
Ghost Rider: Spirit of Vengeance (2011): Phần tiếp theo của Ghost Rider (2007) vẫn có Nicolas Cage đóng chính. Nhưng cá nhân tài tử và kịch bản không có nhiều tiến bộ. Tất cả cứ thế diễn ra bình bình, tẻ nhạt. Đặc biệt, kinh phí sản xuất chỉ khoảng 60 triệu USD khiến nhiều phân cảnh kỹ xảo trong Spirit of Vengeance tỏ ra giả tạo và thiếu hiệu quả.
Thor: The Dark World (2013): MCU có cú bước hụt khi thực hiện phần tiếp theo cho Thor (2011). Gần như mọi thứ trong tập The Dark World đều đáng quên, từ nội dung tới kẻ phản diện Malekith. Chưa kể, Natalie Portman tỏ ra hờ hững trước ống kính sau khi cô tranh cãi với Marvel Studios về vị trí đạo diễn dự án. Thật may mắn là nhà làm phim Taika Waititi sau đó đã thổi được luồng gió mới cho thương hiệu với Thor: Ragnarok (2017).
The Amazing Spider-Man 2 (2014): Vẫn có một vài khoảnh khắc đáng nhớ, nhưng The Amazing Spider-Man 2 nhìn chung không được đánh giá cao. Số đông cho rằng phim lặp lại sai lầm của Spider-Man 3 (2007) khi cho quá nhiều nhân vật phản diện xuất hiện cùng lúc. Ngoài ra, phim quá chú tâm vào việc mở rộng thương hiệu, thay vì tập trung vào bản thân cốt truyện. Loạt phim rốt cuộc đã dừng lại, và mở đường cho Spider-Man xuất hiện trong MCU.
Fantastic Four (2015): Dự định làm mới Bộ tứ Siêu đẳng của Fox rốt cuộc trở thành “thảm họa điện ảnh”. Đạo diễn Josh Trank đã lên trang cá nhân chỉ trích hãng phim can thiệp quá sau vào dự án, khiến thành phẩm ra rạp là mớ hổ lốn không thể theo dõi. Fan truyện tranh càng thất vọng khi hình tượng ác nhân Dr. Doom quá đỗi mờ nhạt, còn nhóm siêu anh hùng chẳng có mấy cơ hội trổ tài. Đến giờ, Fantastic Four thường xuyên lọt vào danh sách các phim dở nhất mọi thời đại do truyền thông quốc tế bầu chọn.
Batman v Superman: Dawn of Justice (2016): Quy tụ hai siêu anh hùng đình đám của truyện tranh DC với mục tiêu thu hơn 1 tỷ USD, nhưng Batman v Superman rốt cuộc gây ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng Internet. Giới phê bình và số đông khán giả đại chúng không ủng hộ bom tấn, còn các fan ruột của DC vẫn tích cực ủng hộ tác phẩm, nhất là sau khi đạo diễn Zack Snyder tung ra bản dựng của riêng ông. Nhìn chung, đây vẫn là tác phẩm dài dòng, lê thê, với nhiều ý tưởng chưa được khai thác triệt để. Chính bộ phim khiến DCEU bắt đầu lâm vào “thế bí” trong việc triển khai, mở rộng.
Suicide Squad (2016): Không cần Trung Quốc, bộ phim về nhóm Biệt đội Cảm tử vẫn thu 746,8 triệu USD toàn cầu. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn mà Suicide Squad tạo ra lớn ra sao. Song, trên thực tế, bom tấn gây thất vọng lớn về mặt nội dung. Kịch bản rời rạc với những nhân vật phản diện nhạt nhẽo như giết chết cảm xúc người xem khi theo dõi. DC và Warner Bros. đang cho thực hiện tiếp The Suicide Squad với dàn nhân vật gần như hoàn toàn mới, như một nỗ lực muốn khán giả quên đi bộ phim của David Ayer.
Justice League (2017): Được kỳ vọng là đối trọng dành cho The Avengers của Vũ trụ Điện ảnh Marvel, nhưng Justice League rốt cuộc kéo tụt toàn bộ Vũ trụ siêu anh hùng DC. Sau quá trình thực hiện nhiều rắc rối, bộ phim do Joss Whedon hoàn thành và thành phẩm là một mớ lộn xộn khiến cả giới phê bình lẫn khán giả ngao ngán. Kinh phí sản xuất bị trội lên gần 300 triệu USD, và Justice League gây lỗ nghiêm trọng cho Warner Bros. Trong lúc dòng siêu anh hùng đang ngày một phát triển, bộ phim như đưa khán giả trở về thể loại hồi thập niên 1990 bởi sự màu mè, nhạt nhẽo.
X-Men: Dark Phoenix (2019): Quá trình thực hiện liên tục trì hoãn, cộng thêm việc Fox bị Disney thâu tóm trước giờ ra rạp, Dark Phoenix thực sự là “thảm họa” đối với thương hiệu phim dị nhân. Cái kết dành cho loạt phim kéo dài 20 năm của Fox thực sự buồn bởi chất lượng nội dung mờ nhạt, các cảnh hành động kém cỏi, những diễn biến tâm lý không thể hiểu nổi… Hậu quả là Dark Phoenix có doanh thu kém nhất toàn thương hiệu, và giờ thì tất cả chờ đợi nhóm X-Men sẽ xuất quân trong MCU ra sao.
(Theo zing.vn)