Mallrats (1995): Tại một cuộc phỏng vấn, Stan Lee tiết lộ rằng Mallrats là một trong những vai khách mời mà cá nhân ông yêu thích nhất, dù phim không dựa trên truyện tranh Marvel. Trong phim, vị tác giả lừng danh sắm vai chính mình và cho nhân vật chính Brodie Bruce (Jason Lee) nhiều lời khuyên về tình cảm. Theo đó, Stan Lee sáng tạo ra những nhân vật như Doctor Doom hay The Hulk để phản ánh nỗi buồn và sự hối tiếc của bản thân khi đánh mất người con gái ông yêu.
Spider-Man (2002): Giống như X-Men (2000), Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi góp công giúp dòng phim siêu anh hùng hồi sinh, đồng thời tạo ra tiền đề cho “truyền thống” sắm vai khách mời của Stan Lee. Dù chỉ xuất hiện vài giây ngắn ngủi, nhân vật của ông đã kịp cứu bé gái đứng cạnh khỏi một viên gạch lớn rơi xuống trong trận đụng độ đầu tiên giữa Peter Parker (Tobey Maguire) và Green Globin (Willem Dafoe).
Spider-Man 3 (2007): Trong tập cuối cùng của bộ ba phim Người Nhện do đạo diễn Sam Raimi thực hiện, Stan Lee không phải né viên gạch nào cả. Ông xuất hiện bên cạnh Peter Parker và đưa ra lời khuyên: “Cậu biết đấy, tôi nghĩ một cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt”. Câu thoại không chỉ thay đổi cách suy nghĩ của Peter trong phim, mà còn nói lên sự thật rằng Người Nhện luôn luôn là nhân vật thành công bậc nhất của Marvel.
The Amazing Spider-Man (2012): Trong The Amazing Spider-Man, Stan Lee vào vai một thủ thư tại ngôi trường mà Peter Parker (Andrew Garfield) đang theo học. Ông vô tư đeo tai nghe và nhún nhảy theo điệu nhạc mà không hề hay biết tới cuộc chiến ác liệt đang diễn ra ngay sau lưng. Người Nhện phải ra tay cứu Stan Lee khỏi chiếc bàn mà Lizard (Rhys Ifans) ném lại. Cảnh phim trên không chỉ hài hước, mà còn cho thấy thủ pháp xây dựng bối cảnh thông minh của đạo diễn Marc Webb.
Avengers: Age of Ultron (2015): Trước Thor: Ragnarok, Stan Lee từng bị Thor “dằn mặt” trong Avengers: Age of Ultron. Trong vai một cựu binh Thế chiến II được mời tới dự bữa tiệc của nhóm Avengers, ông đòi thử loại rượu OdinBooze từ Asgard vốn không dành cho người thường. Cuối cùng, nhân vật vừa phải nhờ tới sự trợ giúp của hai người khác mới có thể đi về, vừa lẩm bẩm “Excelsior”. Đây đồng thời là chi tiết gợi nhắc tới chữ ký của Stan Lee trong tập san hàng tháng của Marvel hồi thập niên 1960.
Captain America: Civil War (2016): Sau hồi kết đầy đau buồn của Captain America: Civil Warkhi nhóm Avengers tan rã, vai khách mời của Stan Lee mang lại chút tiếng cười cho người xem. Ông vào vai một nhân viên giao hàng FedEx và nhầm tên Tony Stark (Robert Downey Jr.) thành Tony Stank. Đây được xem là “sự trả thù ngọt ngào” của Stan Lee khi Người Sắt từng nhầm ông với chủ nhân tờ Playboy là Hugh Hefner trong Iron Man (2008) hay Larry King trong Iron Man 2 (2010).
X-Men: Apocalypse (2016): Dù không phải bộ phim dị nhân quá đặc sắc, X-Men: Apocalypselại sở hữu màn cameo rất được khán giả yêu thích của Stan Lee. Lý do bởi ông diễn xuất bên cạnh người vợ là Joan B. Lee. Trong phim, En Sabah Nur (Oscar Isaac) sử dụng siêu năng lực của Giáo sư X (James McAvoy) để phóng toàn bộ vũ khí hạt nhân lên bầu khí quyển. Vợ chồng nhà Lee cùng nhau theo dõi cảnh tượng với vẻ mặt kinh hoàng tột độ trên nền nhạc bi tráng.
Doctor Strange (2016): Trong Doctor Strange, Stephen Strange (Benedict Cumberbatch) và Baron Mordo (Chiwetel Ejiofor) chiến đấu với Kaecillius (Mads Mikkelsen) trong không gian đa chiều. Họ va phải cánh cửa xe buýt và nhìn thấy Stan Lee đang đọc cuốn The Doors of Perception của Aldous Huxley. Điều thú vị là quyển sách viết về hiện tượng ảo giác do sử dụng chất mescaline - một trải nghiệm mà Strange từng gặp phải trong lần đầu gặp gỡ Ancient One (Tilda Swinton).
Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017): Trong lúc sử dụng Bước nhảy Không gian để đến cứu Star-Lord (Chris Pratt), nhóm của Yondu (Michael Rooker) và Rocket Racoon (Bradley Cooper) bay ngang một hành tinh nơi Stan Lee đang ngồi trò chuyện với các thực thể vũ trụ có tên The Watcher. Ông kể về vai khách mời của chính bản thân trong Captain America: Civil War trước đó. Từ đây, người hâm mộ cho rằng tất cả những lần xuất hiện của cây bút huyền thoại trong MCU đều là cùng một nhân vật. Cách đây ít lâu, giám đốc Marvel Studios là Kevin Feige đã xác nhận giả thuyết trên khi tiết lộ rằng sự tồn tại của Stan Lee “vượt trên và tách biệt khỏi mọi bộ phim”. Qua đó, ông có thể mở ra cả một kỷ nguyên mới cho MCU với nhiều thực thể vũ trụ hùng mạnh khác, mà tới đây là The Eternals (2020).
Thor: Ragnarok (2017): Sau hai phần phim bị đánh giá là mắt xích yếu nhất của MCU, Thor được đạo diễn Taika Waititi thổi làn gió mới với phong cách tưng tửng, “lầy lội” qua Thor: Ragnarok. Stan Lee góp mặt trong phim với vai khách mời mang đậm tính hài hước. Ông xuất hiện trên hành tinh Sakaar với nhiệm vụ… cắt phăng mái tóc dài của Thor (Chris Hemsworth). Sau một hồi huyên thiên về sức mạnh bản thân, Thần Sấm rốt cuộc cũng phải chịu khuất phục trước “cây kéo” của Stan Lee khi bị trói chặt trên ghế.
(Theo Zing.vn)