Bộ phimTây Du Ký 1986 trở thành huyền thoại, đồng thời câu chuyện hậu trường về các diễn viên cũng có nhiều điều ly kỳ. Một trong những nhân vật của Tây Du Ký được nhắc tới rầm rộ những ngày qua chính là Ngưu Ma Vương.
Thời gian gần đây, xuất phát từ trào lưu ví von về “Hồng Hài Nhi”, những cụm từ để chỉ về các mối quan hệ tình cảm trong đó có “thợ săn Ngưu Ma Vương” nhằm ám chỉ việc yêu người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi. Vậy thực chất nhân vật Ngưu Ma Vương trong Tây Du Ký như thế nào?
Nhân vật Ngưu Ma Vương trong Tây Du Ký 1986.
Ngưu Ma Vương – Đại ca của Tôn Ngộ Không
Ngưu Ma Vương hiệu xưng là Bình Thiên Đại Thánh, cũng tu luyện 72 phép biến hóa thần thông như Tôn Ngộ Không. Vợ cả của Ngưu Ma Vương là Thiết Phiến công chúa, tức Bà La Sát. Con trai chính là Hồng Hài Nhi.
Bà La Sát là vợ cả của Ngưu Ma Vương.
Hồng Hài Nhi là con trai của Ngưu Ma Vương.
Một trong những phép biến hóa được thể hiện trong hồi 61 của Tây Du Ký. Sau khi Tôn Ngộ Không biến thành chính Ngưu Ma Vương để lừa Bà La Sát nhằm lấy được quạt ba tiêu, Ngưu Ma Vương thật đã lập tức cưỡi mây đuổi theo. Lúc này, Ngưu Ma Vương dùng chính đòn biến hóa, biến thành Trư Bát Giới để lừa Tôn Ngộ Không hòng lấy lại quạt.
Nói thêm về sự lợi hại của nhân vật này, trước khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung đã cùng Ngưu Ma Vương kết nghĩa huynh đệ với 6 yêu tinh khác, trong đó Ngưu Ma Vương làm đại ca, xưng là Bình Thiên Đại Thánh. Trong bữa tiệc tại Thủy Liêm Động, Ngưu Ma Vương nói với Tôn Ngộ Không: "Ta với ngươi mới quen đã thân, không bằng hai ta kết nghĩa huynh đệ. Ngươi thấy như thế nào?".
Ngay lập tức, Tôn Ngộ Không đồng tình, gọi luôn “Ngưu đại ca!”. Và người khiến Tôn Ngộ Không biết đến gậy Như Ý không ai khác chính là Ngưu Ma Vương.
Trong bữa tiệc tại Thủy Liêm Động, Tôn Ngộ Không và Ngưu Ma Vương kết tình huynh đệ.
Người có thể trấn áp được Ngưu Ma Vương chỉ có thể là nhiều vị thần hợp sức lại. Trong trận đại chiến với Tôn Hành Giả, cả hai đánh nhau đến “trời long đất lở” mà không thể phân thắng bại. Phật Tổ đã phái Bát Đại Kim Cương, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới giúp sức, các bên hợp lực tạo thành thiên la địa võng mới có thể quy phục. Khi Ngưu Ma Vương hiện nguyên hình là một con trâu, Na Tra thái tử cứ chặt được 1 đầu xuống thì lại có 1 đầu trâu khác mọc ra. Chỉ đến khi Lý Thiên Vương dùng kính chiếu yêu với bánh xe Hỏa Luân mới có thể thu phục được.
Ngưu Ma Vương hiện nguyên hình là một con trâu.
Vẻ bề ngoài, Ngưu Ma Vương to lớn, thân hình vạm vỡ, rắn chắc. Ngoài việc thông thạo 72 phép thần thông còn có cây đinh ba bảo bối. Đây là nhân vật mạnh hơn cả Tề Thiên Đại Thánh. Uy phong lẫm liệt, hung hăng, nóng tính nhưng người mà Ngưu Ma Vương sợ nhất chính là… vợ. Nhân vật này còn có tới 2 bà vợ, vợ cả là Thiết Phiến công chúa – Bà La Sát, thê thiếp là Ngọc Diện công chúa vốn là con hồ ly thành tinh, rất giàu có, mỗi năm đều cống nạp cho bà cả rất nhiều châu báu coi như lễ vật.
2 nghệ sĩ cùng đóng vai Ngưu Ma Vương
Trong Tây Du Ký 1986, khán giả thường nhầm lẫn tưởng chỉ có 1 người đóng vai Ngưu Ma Vương. Kỳ thực có tới 2 nghệ sĩ đều đảm nhận vai diễn này. Nhân vật này xuất hiện ở 3 tập phim.
Ban đầu đạo diễn Dương Khiết thấy nghệ sĩ Đại Lý Ba vào vai Ngưu Ma Vương sẽ rất phù hợp. Vậy nhưng sau khi mặt nạ hóa trang xong, Đại Lý Ba cảm thấy tức ngực và khó thở, buộc lòng phải thay sang người khác. Vừa hay trong đoàn, Diêm Hoài Lễ có thân hình vạm vỡ, cao 1m8, đầu lớn, rất phù hợp với vai này.
"Sa Tăng" Diêm Hoài Lễ cũng là người đóng Ngưu Ma Vương ở phần xuất hiện đầu tiên.
Diêm Hoài Lễ vốn đóng vai chính Sa Tăng nhưng không nề hà, đã chấp nhận đóng thêm phân cảnh của Ngưu Ma Vương. Việc kinh phí khiêm tốn nên trong đoàn phim, một nghệ sĩ đóng nhiều vai cũng là chuyện thường tình. Ít người biết, khi đóng Tây Du Ký, ông đã ở tuổi 50. Vậy nhưng ông không quản ngại khó khăn, lăn xả hết mình vì vai diễn. Dù góp công rất lớn cho thành công của phim nhưng ông lại không nhận đồng thù lao nào. Hành động của ông khiến nhiều người càng thêm cảm phục tấm lòng dành cho nghệ thuật của Diêm Hoài Lễ.
Trong tập Tôn Ngộ Không kết nghĩa anh em với Ngưu Ma Vương, vai diễn được giao cho Diêm Hoài Lễ. Trong 2 tập sau này, cụ thể là tập 14 và tập 17, khi Tề Thiên Đại Thánh đại chiến Hồng Hài Nhi và vượt kiếp nạn 3 lần mượn quạt ba tiêu của Bà La Sát, vai Ngưu Ma Vương mới do nghệ sĩ gạo cội Vương Phu Đường đảm nhận. Ông là gương mặt kì cựu trong sân khấu kịch. Dù hóa trang và trang phục lần này là một thử thách nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc.
Vương Phu Đường đóng chính trong vai Ngưu Ma Vương sau này.
Sau này với sự nổi tiếng của bộ phim, khu du lịch Hỏa Diệm Sơn đã đặt bức tượng của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa để thu hút du khách.
Bức tượng của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa được đặt tại khu du lịch Hỏa Diệm Sơn.
Sự ra đi “trùng hợp” của cả 2 nghệ sĩ đóng Ngưu Ma Vương
Vương Phu Đường được khán giả khen ngợi với hình tượng nhân vật Ngưu Ma Vương. Ông sinh năm 1932 trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ đã không ngại công việc nặng nhọc phụ giúp gia đình. Khi lên 17 tuổi, Vương Phu Đường gia nhập quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, anh dũng bước chân vào chiến trường. Sau này, ông làm công tác nghệ thuật, là trưởng đoàn kịch của lực lượng Hải quân, Bộ Chính trị. Năm 1978, ông công tác tại Viện Nghệ thuật Thanh niên Trung Quốc.
Năm 2005, Vương Phu Đường qua đời vì bệnh phổi ở tuổi 73. Ông để lại gia tài nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bát Tiên Truyền Thuyết, Mặt Trời Mọc, Băng Đường Hồ Lô… Ông cũng là đạo diễn của các bộ phim như Phúc Hề Họa Hề, Trường Bạch Sơn Hạ Tỉ Muội Môn, Phượng Hoàng Hương Hôn Sự…
"Ngưu Ma Vương" Vương Phu Đường ngoài đời có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ông ra đi ở tuổi 73 vì bệnh phổi.
Trong sự nghiệp hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, Vương Phu Đường được đánh giá cao với những cống hiến cho công tác xã hội. Lúc sinh thời, ông tích cực tham gia công tác tuyên truyền cho kế hoạch hóa gia đình. Ông từng thành lập Hội về Văn hóa Nhân khẩu (khái niệm Văn hóa Nhân khẩu do chính ông đề ra) vào năm 1993. Với những đóng góp này, ông nhận giải thưởng của Nhà nước. Ngay cả khi về hưu, ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của hội.
Ở tuổi 73, Vương Phu Đường qua đời khiến khán giả tiếc thương. Điều khiến nhiều người bất ngờ là 4 năm sau khi ông viên tịch, “Sa Tăng” Diêm Hoài Lễ cũng ra đi vì căn bệnh tương tự. Diêm Hoài Lễ qua đời tại Bắc Kinh vì bệnh phổi, hưởng thọ 73 tuổi. Những năm tháng cuối đời, Diêm Hoài Lễ sống trong đau đớn vì bệnh tật giày vò, không thể tự di chuyển mà phải ngồi xe lăn.
Diêm Hoài Lễ những ngày tháng phải điều trị vì bệnh phổi.
Nhiều khán giả cho rằng sự ra đi “kỳ lạ” vì có những điểm giống nhau của 2 nghệ sĩ cùng đóng Ngưu Ma Vương khiến nhân vật này trở nên “dữ tướng”.
Ngay cả nhân vật đóng vai vợ của Ngưu Ma Vương là Thiết Phiến công chúa, tức Bà La Sát, cũng qua đời khi chỉ mới 38 tuổi.
Nữ nghệ sĩ Vương Phụng Hà đóng vai Bà La Sát ra đi ở tuổi 38.