Địa đạo cá sấu tử thần là một bộ phim như vậy khi kéo người xem vào cuộc chiến sống còn thót tim của Haley Keller- vận động viên bơi đẳng cấp quốc tế với đàn cá sấu háu đói. Hãy cùng điểm qua ba lý do khiến bộ phim xứng đáng là siêu phẩm không thể bỏ qua trong mùa phim hè năm nay.
1. Đề tài thảm họa kết hợp với quái vật săn mồi tăng gấp đôi kịch tính
Địa đạo cá sấu tử thần bắt đầu với cảnh tượng cơn siêu bão ập vào vùng Florida. Nhưng thảm họa thiên nhiên không phải kẻ thù duy nhất mà các nhân vật của bộ phim phải đối đầu. Ẩn náu trong làn nước là những con cá sấu hung tợn chỉ chực chờ xé xác mọi sinh vật sống. Đặt một tác phẩm đề tài quái vật săn mồi trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên là ý tưởng độc đáo mà đơn giản tới nỗi chính đạo diễn của Địa đạo cá sấu tử thần cũng không ngờ rằng chưa ai từng thực hiện nó trước đây. Bằng việc khéo léo kết hợp hai thể loại phổ biến trong dòng phim kinh dị, Địa đạo cá sấu tử thần sẽ chạm tới nỗi sợ hãi sâu thẳm trong bản năng con người.
Cá sấu là loài động vật cổ xưa với hàm răng sắc nhọn, có khả năng nghiền nát con mồi, còn cơn cuồng phong bão táp cũng dễ dàng nuốt chửng con người. Cuộc chiến giành giật sự sống với hai thế lực khủng khiếp của thiên nhiên trở nên căng thẳng và kịch tính gấp bội.
2. Phân cảnh kinh dị vô cùng nghẹt thở
Trong suốt thời lượng phim, bộ đôi biên kịch Michael và Shawn Rasmussen khiến khán giả không kịp thở với liên tiếp những tình huống bị săn đuổi thót tim. Hai cha con Hailey liên tục đổ máu và bầm dập trong từng lượt chạm trán với lũ săn mồi khát máu. Mỗi lần Hailey tìm đường thoát thân khỏi tầng hầm địa ngục là một lần người xem thấp thỏm nhưng không thể rời mắt khỏi màn ảnh.
Đạo diễn Alexander Aja cực kỳ lão luyện trong việc sử dụng âm thanh như một món vũ khí lợi hại, chạm tới cung bậc nhạy cảm nhất trong các giác quan con người. Phần lớn các cảnh phim được ghi hình trong bóng tối nhưng Aja không cần dùng tới kỹ thuật hù dọa jump-scare để khiến khán giả thót tim. Những con cá sấu được tạo nên bằng công nghệ CGI khi thì bất ngờ lao thẳng vào màn hình lúc lại chầm chậm trườn tới trong làn nước duy trì không khí căng thẳng tột cùng từ đầu đến cuối phim.
Chỉ cần một chuyển động nhẹ trong dòng nước cũng đủ làm người xem khiếp hãi đến rụng rời.
3. Tình phụ tử là sợi dây tình cảm xuyên suốt bộ phim
Địa đạo cá sấu tử thần không chỉ là tác phẩm giải trí bằng các tình huống hù dọa đơn thuần. Giữa tình cảnh sinh tồn éo le, thông điệp đầy nhân văn về tình cảm gia đình cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Ngay khi vừa biết tin cha gặp nạn, Haley đã bất chấp hiểm nguy lao vào cơn siêu bão cứu cha.
Tới khi tìm được người cha bị thương, hai người lại bị mắc kẹt trong căn hầm với bầy cá sấu. Tình huống nguy cấp ấy đã phát lộ ra những mâu thuẫn bị kìm nén nhiều năm trong mối quan hệ cha con. Cha Haley luôn dành quá nhiều tâm sức thúc ép cô luyện tập. Còn Haley thầm tự đổ lỗi cho mình là nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Cuộc chiến đấu với bầy cá sấu cũng chính là cơ hội hàn gắn khoảng cách vô hình giữa hai cha con. Hiểm nguy càng dâng cao, hai cha con càng gắn kết và chính những lời động viên của cha đã đánh thức tiềm năng vượt qua chính mình của Haley.
Giữa cơn thảm họa, tình phụ tử gây xúc động là điểm sáng của bộ phim.
Địa đạo cá sấu tử thần được nhào nặn bởi bàn tay của cặp đôi huyền thoại trong làng phim kinh dị- nhà sản xuất Sam Raimi và đạo diễn Alexander Aja. Điểm số 83% tươi trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes cùng vô số lời ca ngợi của giới phê bình đã bảo chứng chất lượng cho siêu phẩm kinh dị giật gân này.
Địa Đạo Cá Sấu Tử Thần khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 16.08.2019.