Năm 2019, Avengers: Endgame khép lại Kỷ nguyên anh hùng III (Phase III) của MCU, đánh dấu bởi sự ra đi của các siêu anh hùng thế hệ đầu gồm Người Sắt, Captain America và nữ điệp viên Black Widow. Theo đó, Tony Stark, Natasha Romanoff hy sinh, còn Steve Rogers từ bỏ thân phận siêu anh hùng và trao lại tấm khiên cho Falcon.
Bước sang 2020, Kỷ nguyên anh hùng IV của MCU đã khởi động. Khán giả chuẩn bị được giới thiệu một số nhân vật mới như Shang-Chi hay các thành viên của The Eternals. Bên cạnh đó, số phận của nhóm Avengers sau khi mất đi các thành viên chủ chốt cũng sẽ được tiết lộ.
Làm cách nào để “nhập” X-Men vào MCU?
Thương vụ The Walt Disney Company mua lại 21st Century Fox với giá 71,3 tỷ USD hồi tháng 3/2019 đã mang về cho Marvel Stuios quyền sử dụng hai nhóm siêu anh hùng nổi tiếng bậc nhất màn ảnh rộng những năm đầu thập niên 2000 là X-Men và Fanstastic Four. Đây hứa hẹn là sự bổ sung quan trọng giúp làm thay đổi quy mô cũng như diện mạo của MCU.
Sự “trở về” của X-Men giúp Marvel Studios chẳng khác nào “hổ mọc thêm cánh”. Tuy nhiên, trước khi giới thiệu nhóm dị nhân vào MCU, hãng chắc chắn cần tìm cách giải quyết êm đẹp di sản đồ sộ mà thương hiệu điện ảnh X-Men của Fox đã tạo dựng trong suốt 20 năm qua.
Ra mắt từ sớm và ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả rất lâu trước khi MCU hay Avengers ra đời, mọi phần phim về nhóm dị nhân X-Men đều được xây dựng nối tiếp với cốt truyện khởi đầu từ X-Men (2000).
X-Men: United (2003) và X-Men: The Last Stand (2006) là những diễn biến tiếp theo của sự kiện xảy ra trong phần phim đầu tiên. X-Men Origins: Wolverine (2009) và Logan (2017) là ngoại truyện làm về nhân vật Wolverine do Hugh Jackman thủ vai từ ngày đầu tiên.
Trong X-Men: Days of Future Past (2014), tuy sự việc Wolverine quay lại quá khứ để ngăn chặn các robot vệ binh Sentinel được chế tạo khiến toàn bộ sự kiện các phần phim trước bị xáo trộn, nhưng ba phần phim X-Men về các dị nhân trẻ tuổi của Bryan Singer và Dark Phoenix (2019) về cơ bản vẫn thuộc về cùng một vũ trụ với chuỗi phim trước đó.
Điều Marvel Studios cần quyết định lúc này là hãng sẽ đặt dấu chấm hết cho 20 năm lịch sử trên màn ảnh của các dị nhân cũ và khai sinh một thế hệ mới, hay tìm cách tiếp tục sử dụng di sản với dòng thời gian và sự kiện đã bị "phá nát" cho kế hoạch tương lai của họ.
Sau khi quyết định giữ hay bỏ, Marvel Studios cần tiếp tục tìm đáp án cho câu hỏi: nhóm dị nhân (và Fantastic Four) đang ở đâu, làm gì khi đội quân của Thanos xâm lăng Trái Đất. Chẳng lẽ cái búng tay ngẫu nhiên của gã Titan điên thần kỳ tới độ có thể làm tan biến toàn bộ hai biệt đội siêu anh hùng?
Tuy nhiên, giải pháp cho tình huống đã nằm sẵn trong tiền đề. Thay vì cố gắng nhập X-Men (và Fantastic Four) vào chung một vũ trụ với Avengers, Marvel Studios hoàn toàn có thể để mỗi nhóm tồn tại trong một vũ trụ riêng biệt. Và khi những vũ trụ ấy giao cắt, các siêu anh hùng sẽ có cơ tụ họp (hoặc so tài).
Số phận siêu anh hùng phụ thuộc vào quan hệ giữa các hãng phim
2019 là một năm nhiều biến động với người hâm mộ các siêu anh hùng Marvel. Đầu năm, họ vui mừng vì tin Disney mua lại Fox. Đến giữa năm, họ trải qua phen hú hồn khi Người Nhện suýt phải rời "nhà chung" MCU do thỏa thuận hợp tác giữa Sony Pictures và Walt Disney gặp trục trặc.
Sau Spider-Man: Far from Home (2019), Người Nhện / Peter Parker chính thức kế thừa di sản của Tony Stark sau màn thử thách sự xứng đáng đầy khó khăn. Trong tương lai, vai trò của Người Nhện trong MCU sẽ ngày càng quan trọng. Bên cạnh đó, cậu cũng là nhân vật giành được nhiều sự ưu ái và ủng hộ từ người hâm mộ.
Tuy Người Nhện sẽ ở lại với MCU thêm ít nhất một phần phim nữa, nhưng số phận siêu anh hùng nhả tơ vẫn ở tình thế nghìn cân treo sợi tóc. Sự nguy hiểm mà Người Nhện phải đối mặt không hẳn đến từ những kẻ thù của cậu, mà phụ thuộc phần lớn vào tình trạng mối quan hệ giữa Sony với Disney.
Một siêu anh hùng khác cũng chịu số phận long đong không kém là Hulk. Dù là thành viên quan trọng của biệt đội Avengers từ ngày đầu tiên, Người khổng lồ Xanh của Mark Ruffalo mãi chỉ là vai phụ trên màn ảnh. Nguyên do là bản quyền nhân vật vẫn đang nằm trong tay Universal, và Universal thì không có nhu cầu hợp tác với Disney để làm phim riêng về Hulk.
Tất cả bước phát triển của Hulk trong MCU tính tới lúc này - mối tình vừa chớm với Black Widow trong Avengers: Age of Ultron (2015), bạn đồng hành vũ trụ của Thor trong Thor: Ragnarok (2017), hay thành công trong việc kiểm soát bản năng của Hulk trong Avengers: Endgame - là những gì tốt nhất Marvel Studios có thể làm với nhân vật cho đến lúc này.
Captain Marvel mạnh hơn tất cả
Khi người hùng đứng riêng lẻ trong bộ phim của mình, nhân vật có thể sở hữu sức mạnh vô địch mà không ai phàn nàn. Nhưng khi các siêu anh hùng tập hợp, sự "vô địch" ấy hóa ra lại trở thành vấn đề.
Khán giả đã thấy kết cục của siêu anh hùng giết quái vật bằng một phát đấm. Anh ta chỉ được xuất hiện vào phút chót, với câu chuyện cuộc đời không thể nhạt nhẽo hơn trong One Punch Man; hay một người trần mắt thịt sẽ lạc lõng ra sao khi chiến đấu bên cạnh những nhân vật sở hữu siêu sức mạnh trong Batman vs Superman: Dawn of Justice (2016).
Cuối Captain Marvel (2019), Carol Danvers / Captain Marvel (Brie Larson) đã hộ tống phi thuyền chở người Skrulls đi tìm vùng đất mới và rời Trái Đất không hẹn ngày về. Vì nhiệm vụ ấy, Captain Marvel vắng mặt trong toàn bộ các sự kiện trong MCU từ Iron Man (2008) cho tới tận cuối Avengers: Infinity War, khi Nick Fury (Samuel L. Jackson) gửi tới cô tin nhắn cầu cứu.
Sau khi quay trở lại Trái Đất, Danvers thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, mang Tony Stark trở về từ vũ trụ. Cô cùng đội Avengers đi tìm Thanos, mong cứu vãn tình hình. Nhiệm vụ thất bại, Carol Danvers tiếp tục chu du trong vũ trụ, với sứ mệnh duy trì trật tự ở những thiên hà xa xôi… trước khi trở về cứu nguy cho đồng đội giữa trận đánh cuối cùng.
Marvel Studios luôn chủ động giữ Captain Marvel xa khỏi Trái Đất, hay ít nhất, phần lớn thời lượng các trận chiến quan trọng. Điều đó khiến nữ hùng trông có vẻ thờ ơ với an nguy của địa cầu, cũng như tính mạng của hơn 7 tỷ con người sống trên đó.
Vấn đề của Captain Marvel không nằm ở thái độ, mà là sức mạnh vô địch của cô. Cho tới hiện tại, đây vẫn là siêu anh hùng mạnh nhất MCU. Vậy nên, nếu để cô tham chiến từ đầu, như trong Infinity War chẳng hạn, Thanos có lẽ sẽ chẳng kịp gom hết 6 viên đá vào Găng tay Vô cực hay thực hiện cú búng tay hủy diệt.
Nếu khán giả muốn xem một bộ phim có các siêu anh hùng tụ hội và đi cứu thế giới dài hơn 2 tiếng, thưởng thức những màn chiến đấu mãn nhãn, thổn thức vì sự hy sinh anh dũng của một vài người trong số họ… thì Captain Marvel cần phải ở yên đâu đó trong vũ trụ ngoài kia.
Cần nhiều phim MCU để hiểu tường tận một phim MCU
Giờ hãy tưởng tượng, bạn ra rạp xem một bộ phim Marvel Studios mới, như Black Widow vào tháng 11 tới chẳng hạn. Thay vì thưởng thức bộ phim, bạn sẽ phải xem Captain America: Civil War (2016) vì các tình tiết trong tác phẩm bạn sắp sửa theo dõi diễn ra ngay sau đó. Rồi để hiểu ngọn ngành Civil War, ví như tại sao Bucky lại có một cánh tay kim loại, bạn lại phải xem hai phần trước của Captain America…
Sự liên kết, móc mối tình tiết giữa các phần phim đã trở thành bản sắc của MCU trong suốt hơn một thập kỷ qua. Điều này giúp các bộ phim, dù có bị đánh giá là nhàm chán và lạc lõng như Thor: The Dark World, cũng đóng vai trò đáng kể trong bức tranh toàn cảnh.
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề, MCU đòi hỏi người xem ngày càng nhiều thời gian tìm hiểu để có thể thưởng thức trọn vẹn những tác phẩm mới của vũ trụ điện ảnh.
Trước mắt, đây là cái thú cho dân mọt phim. Nhưng về lâu dài, có thể đây là một thử thách lớn cần vượt qua đối với khán giả đại chúng. Bộ phim mới sẽ yêu cầu nhiều sự đầu tư để thưởng thức, trong khi chất lượng của một số có thể chỉ dừng ở mức hài hước (Thor: Ragnarok, Ant-Man), xem được (bất cứ phim nào), hoặc không quá xuất sắc (hai phần đầu của Thor).
Ngay cả với Avengers: Endgame, phản ứng mãnh liệt mà khán giả dành cho bộ phim không hẳn bởi bản thân tác phẩm. Thay vào đó, đây là cảm xúc phức tạp được tích tụ qua từng bộ phim riêng lẻ trong suốt 11 năm trước và bùng nổ vào khoảnh khắc sau cùng. Khán giả yêu mến bộ phim vì hành trình đã trải qua, chứ không hẳn chỉ vì chất lượng tác phẩm.
Cùng với việc MCU tiếp tục được mở rộng, nhân vật mới tiếp tục được giới thiệu, tới một thời điểm, sẽ rất khó để nhận biết MCU đang trở nên đồ sộ hay cồng kềnh. Phải tới năm 2021 hoặc xa hơn, khán giả mới có thể biết phần nào đó đáp án thông qua phần phim riêng đầu tiên về Shang-Chi hay nhóm The Eternals.
Nếu những bộ phim mới khiến khán giả cảm thấy việc quay lại tìm hiểu toàn bộ MCU là xứng đáng, vũ trụ quả thực đồ sộ. Còn nếu không, rất tiếc, đây sẽ trở thành TV series phiên bản màn ảnh rộng cồng kềnh.
(Theo Anh Phan - zing.vn)