Tính đến nay, bộ phim đã bỏ túi 145.5 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam và chính thức lọt top 6 doanh thu phim Hollywood mọi thời đại. Với chiến thắng vang dội, Fast & Furious: Hobbs & Shaw đã trở thành bộ phim ngoại truyện đầu tiên xác lập được những con số kỷ lục này.
Người cầm trịch siêu phẩm này là David Leitch- vị đạo diễn từng chỉ đạo những bom tấn đỉnh cao nhất thập kỷ như John Wick, Atomic Blonde hay Deadpool 2 và cũng là một cựu diễn viên đóng thế “hạng nặng”. Với hàng chục năm kinh nghiệm dạn dày trong giới đóng thế và dàn dựng hành động, David Leitch đã cống hiến cho Fast & Furious: Hobbs & Shaw những pha hành động chiến đấu tuyệt đỉnh, vượt trên mọi chuẩn mực của loạt phim.
1. Trận hỗn chiến trong quán bar
Không hổ danh là một siêu phẩm hành động đỉnh cao, Fast & Furious: Hobbs & Shaw khiến khán giả nghẹt thở xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Ngay từ những phút mở màn, Shaw đã chiêu đãi người xem màn “xông pha” giữa một hộp đêm đông đúc ở London. Một tay hạ gục hàng chục tên tay sai và dùng sợ dây thừng ném tên đầu sỏ ra ngoài cửa sổ.
Với phương châm “cảnh hành động định nghĩa nên nhân vật”, cảnh phim này đã lột tả toàn bộ vẻ hào hoa, thông minh và sắc lạnh trong phong cách chiến đấu của Deckard Shaw. Nếu như nhân vật Hobbs của Dwayne Johnson có sức khỏe phi thường thì Shaw của Jason Statham lại dựa vào sự nhạy bén của đầu óc, sự linh hoạt của cơ thể cùng tốc độ để giành lấy lợi thế cho mình. “Shaw là là một gã có đầu óc và sẵn sàng tận dụng bất cứ thứ gì có được ở quanh mình để có thể chiến thắng”, đạo diễn David Leitch nhận xét.
2. Hobbs phi thân khỏi tòa nhà cao tầng
Trái ngược với Shaw, nhân vật Hobbs có cách chiến đấu “xôi thịt” hơn, chủ yếu dựa vào sức mạnh cơ bắp và đây cũng là cách anh chàng giải quyết mọi tình huống. Trong phân cảnh Hattie bất ngờ bị Brixton bắt cóc, Hobbs đã không ngần ngại lao mình ra khỏi cửa sổ, đu trên sợi cáp mỏng manh để theo chân gã ác nhân. Và khi tiếp cận mục tiêu, “cựu đô vật” buông tay giữa không trung, dùng trọng lượng cơ thể và giáng đòn chí tử lên tên lính. Pha hành động thách thức mọi định luật vật lý này đã thể hiện sự tự tin và sức mạnh kinh ngạc của Hobbs. Có thể thấy năng lực vượt xa người thường của gã đầu trọc đô con Hobbs chẳng hề thua kém bất cứ siêu anh hùng nào.
3. Màn chui gầm xe “thót tim” ở London
Những pha hành động căng thẳng cực độ đã trở thành linh hồn của loạt phim Fast & Furious. Lẽ dĩ nhiên, Fast & Furious: Hobbs & Shaw cũng không thể thiếu một pha “đùa giỡn với tử thần”. Trong phân cảnh đặc biệt này, ba nhân vật chính ngồi trên chiếc Mc Laren 720 S, bị truy đuổi bởi chiếc mô tô phân khối lớn từ Brixton. Deckard Shaw lái chiếc Mc Laren chui gầm hai xe container cỡ lớn, Brixton cũng lao theo và thoát thân trong gang tấc.
Có tới ba chiếc siêu xe McLaren được ê kíp sử dụng cho cảnh quay gay cấn này. “Chiếc siêu xe này không phải hàng sản xuất hàng loạt. Chúng tôi chỉ có trong tay 3 chiếc và có 2 chiếc là phải giữ nguyên hiện trạng. Chỉ một chiếc duy nhất có thể đưa vào các cảnh hư hại”, đạo diễn Leitch chia sẻ.
Tương tự cũng có 3 chiếc mô tô với 3 diễn viên đóng thế khác nhau cùng thế thân cho nhân vật Brixton của Idris Elba. Màn trình diễn này là sự kết hợp của xe thật và kỹ xảo hình ảnh, bởi lẽ nhân vật “Siêu nhân Đen” của Elba sở hữu năng lực chiến đấu như một cỗ máy. “Ở cảnh mô tô chui gầm xe của Brixton chúng tôi quay cảnh hành động với diễn viên thật rồi thêm kỹ xảo cho một số chi tiết trên xe”, đạo diễn giải thích.
4. Hobbs tay không kéo trực thăng
Sau nhiều trường đoạn đối đầu căng thẳng, hồi ba của bộ phim tiếp tục cống hiến cho người xem một pha hành động có quy mô hoành tráng vượt bậc. Sau khi ba nhân vật trở về quê nhà Samoa của Hobbs, Hattie một lần nữa bị rơi vào tay Brixton. Gã phản diện nửa người nửa máy bắt cóc Hattie lên trực thăng và nhiệm vụ lúc này của Hobbs và Shaw là ghìm chân chiếc máy bay bằng mọi giá. Những người anh em của Hobbs điều khiển bốn chiếc xe hạng nặng móc nối với nhau thành mỏ neo còn Hobbs đóng vai trò như chiếc móc câu kéo trực thăng bằng sợi xích khổng lồ.
Cảnh hành động gần như viễn tưởng này thực ra lại thực tế hơn nhiều so với khán giả nghĩ. “Tới 90% cảnh níu chân trực thăng được quay thật. Máy bay và hàng xe tải đều không phải kĩ xảo nên hầu như cả phân cảnh này đều rất thật. Khi chiếc xe lao tới và móc nối với máy bay, đó là sự hòa trộn của cảnh quay thật và kỹ xảo. Sợi dây xích là sản phẩm của kỹ xảo máy tính. Nhưng việc điều khiển xe hoàn toàn thật và được dàn dựng kỹ lưỡng để thuyết phục khán giả nhất có thể”, nhà sản xuất O’Hara mô tả.
“Khi trực thăng bắt đầu nhấc dàn xe tải lên không trung, không còn cách nào để chúng tôi quay thật cảnh này mà không khiến diễn viên gặp nguy hiểm. Ở thời điểm này, chúng tôi buộc phải nhờ đến sức mạnh của kỹ xảo để thực hiện nốt pha hành động. Khi mỗi chiếc xe bị kéo lên, chúng tôi lại dùng cần cẩu nhấc xe và cứ lần lượt như vậy”, O’Hara chia sẻ.
“Bạn sẽ phải bất ngờ khi biết cảnh nào quay thật cảnh nào không. Những cảnh nhìn thật nhất hóa ra lại được chúng tôi quay trước phông xanh. Trong khi đó những cảnh bất khả thi nhất lại phần lớn được quay thật”, đạo diễn David Leitch khẳng định.