Mỗi đất nước đều có một số thời kỳ hưng thịnh và đáng nhớ nhất trong suốt triều dài lịch sử, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, giải trí hấp dẫn. Nếu là một người đam mê Nhật Bản và muốn tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử đáng nhớ của vùng đất này, bạn hoàn toàn có thể tìm đến thế giới anime thay vì sách báo hoặc đến tận nơi mà vẫn có được một cái nhìn khái quát và độc đáo nhất. Sau đây là 6 thời kỳ lịch sử Nhật Bản nổi bật thường được khắc họa trong anime nhất.
Thời kỳ Heian (794-1185)
Thời kỳ Heian đặt dấu mốc cho những bước lên đỉnh đầu tiên của giới quý tộc Nhật Bản. Thời này con người ta tập trung phát triển các lĩnh vực nghệ thuật, sản sinh ra một thế giới samurai văn võ song toàn. Giai đoạn này cũng tương đối hòa bình và không mấy khi xảy ra chiến tranh diện rộng, nhưng hầu hết quyền lực đều nằm trong tay một vài gia tộc lớn. Một vài anime điển hình: Shonen Onmyouji, Genji Monogatari Senneki, Otogi Zoshi.
Thời kỳ Sengoku (1467-1600)
Đây có thể coi là thời kỳ lịch sử Nhật Bản nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu mến nhất, và đa phần fan hâm mộ anime biết đến đầu tiên. Thời kỳ Sengoku là một giai đoạn loạn lạc, chiến tranh xảy ra khắp nơi trên đất nước và mỗi lãnh chúa độc chiếm một khu vực. Tất nhiên thời thế xuất anh hùng, và thời Sengoku đã sản sinh ra những samurai huyền thoại, những nhà lãnh đạo quân sự tài ba như Oda Nobunaga, Tokugawa Ieyasu hay Sanada Yukimura. Một vài anime điển hình: Nobunaga Concerto, Hyouge Mono, Basilisk, Sengoku Basara.
Thời kỳ Edo (1600-1868)
Thời kỳ Edo nối tiếp ngay sau thời kỳ Sengoku với một nước Nhật thống nhất dưới triều đại của nhà Tokugawa. Ở thời kỳ này, Nhật Bản thực hiện chính sách “đóng cửa” với thế giới bên ngoài, luật pháp được thi hành nghiêm khắc và đời sống của nhân dân khá yên ổn bởi không còn chiến tranh nữa. Đây cũng là giai đoạn có sự tồn tại rõ nét của văn hóa “ronin”, những samurai vô chủ lang thang khắp nơi và đảm nhận đủ mọi công việc thuê mướn. Một vài anime điển hình: House of Five Leaves, Gintama, Shigurui.
Thời kỳ Meiji (1868-1912)
Kết thúc thời kỳ Edo, Nhật Bản thay đổi hàng loạt chính sách và mở khóa tiếp nhận văn hóa phương Tây. Do đó, chính phủ cai trị đất nước đã tiến hành cải tổ mãnh liệt, đồng nghĩa rằng đặt một dấu chấm hết cho tầng lớp samurai khi không còn sự tồn tại của những lãnh chúa có sở hữu lâu đài và quân đội trung thành riêng nữa. Đây cũng là giai đoạn ban hành điều luật cấm mang kiếm bên mình, và bởi sự ảnh hưởng ngày một mạnh của phương Tây, một làn sóng chống đối nhằm bảo vệ một số nét văn hóa truyền thống cũng được hình thành. Một vài anime điển hình: Rurouni Kenshin, Laughing Under the Clouds, Demon Girl Zakuro.
Thời kỳ Showa (1926-1989)
Bên cạnh thời kỳ Sengoku, thời kỳ Showa là giai đoạn lịch sử khác rất hay được lột tả trong thế giới anime, bởi vì đây là lúc lĩnh vực anime bắt đầu phát triển. Trong khi những năm tháng phía sau của thời Showa thường bị bỏ qua, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều anime lấy bối cảnh nước Nhật trong Thế Chiến II, cũng như giai đoạn hậu chiến tranh, khi đó mọi thứ đều khó khăn, con người phải sống trong những điều khổ sở và từng bước xây dựng lại đất nước. Một vài anime điển hình: Grave of the Fireflies, Zipang, Rainbow.
Thời kỳ Heisei (1989-hiện nay)
Đây chúng là thời kỳ một nước Nhật Bản hiện đại mà chúng ta vẫn đang thấy mỗi ngày. Trong khi Nhật Bản ngày nay là một đất nước dẫn đầu thế giới về kinh tế, phát triển cả về văn hóa lẫn khoa học, nhưng nó lại tồn tại nhiều vấn đề khác mà ta có thể thấy qua thế giới anime. Từ áp lực xã hội, con người mất đi sự kết nối, cho tới sự ra đời của những nhóm người “vô công rồi nghề”, khép kin giao tiếp hay otaku. Một vài anime điển hình: Paranoia Agent, Serial Experiments Lain, Welcome to the NHK.