7 nhân vật nữ DC và Marvel từng gây tranh cãi về phục trang khi lên phim

Không ít lần các nữ siêu anh hùng hàng đầu vấp phải chỉ trích về vấn đề phục trang do sai lệch nguyên tác truyện tranh hoặc không phù hợp với nguồn gốc nhân vật.

Năm 2004, vai Selina Kyle trong Catwoman trở thành trái đắng không thể nào quên trong sự nghiệp Halle Berry. Ngay từ khi công bố tạo hình, Miêu Nữ khiến các fan truyện tranh phải "ôm mặt" vì sự cải biên khó hiểu đến không thể tin nổi. Bộ đồ bó toàn thân vừa kín đáo, vừa sexy trong truyện tranh bị thay thế bằng tạo hình phong cách “gái vũ trường” thông qua áo hai dây phần trên và chiếc quần da rách lỗ chỗ, với mục đích khoe càng nhiều da thịt càng tốt.

Trong truyện tranh Marvel, Mystique là nhân vật phản diện có tạo hình không quá đa dạng. Cô thường được nhớ đến với bộ váy trắng dài, khoét sâu phần ngực. Tuy nhiên, phiên bản Mystique trên phim gây sốc hơn nhiều khi nhân vật thường xuyên không mặc gì. Ngoại hình ấy dựa trên ý tưởng rằng nữ dị nhân muốn thể hiện niềm tự hào về giống loài đột biến đến mức chủ động khoe toàn bộ làn da xanh cho mọi người thấy.

Cùng với Mystique, Psylocke là một nữ dị nhân khác có tạo hình không được lòng fan khi lên phim. Trong tập phim X-Men: Apocalypse hồi mùa hè 2016, trang phục của đả nữ bị chỉ trích khi hở ở những nơi không cần hở. Gam màu tím chói của bộ đồ cũng khiến không ít người hâm mộ truyện tranh X-Men cảm thấy không hài lòng. Cộng thêm phần đất diễn ít ỏi, nhân vật của Olivia Munn sớm chìm vào quên lãng.

Harley Quinn của Margot Robbie là điểm sáng hiếm hoi trong Suicide Squad (2016) thuộc DCEU. Song, trước giờ phim ra mắt, tạo hình nhân vật từng không được lòng các fan truyện tranh, hoạt hình DC. Lý do là trông Harley Quinn trên màn ảnh rộng khác quá xa so với tạo hình nhân vật trong các loại hình văn hóa khác. Dù sao, người tình của Joker tới nay đã được đông đảo khán giả ủng hộ và chuẩn bị có phim riêng cùng nhóm Birds of Prey.

Là biểu tượng nữ quyền, Wonder Woman của Gal Gadot thuộc Vũ trụ siêu anh hùng DC cũng không tránh khỏi tranh cãi. Khi tạo hình nhân vật được công bố, không ít ý kiến phàn nàn cho rằng bộ phục trang dành cho nữ hùng quá thiếu vải và hãng phim muốn cựu hoa hậu Israel khoe da thịt. Song, khi theo dõi bộ phim, số đông nhận ra điều đó là cần thiết bởi bộ trang phục giúp nữ chiến binh Amazon tỏ ra cơ động hơn trong các trận chiến nảy lửa.

Nữ hùng The Wasp của Marvel có rất nhiều tạo hình trong nguyên tác truyện tranh. Tưởng như điều đó sẽ giúp cho công việc của nhà thiết kế phục trang phiên bản điện ảnh trở nên dễ dàng hơn, song, tạo hình của Chiến binh Ong trên phim bị các fan chỉ trích là có màu sắc u tối. Chưa kể, họa tiết trên bộ trang phục còn dễ gây liên tưởng đến bộ phận sinh dục nam.

Captain Marvel là nhân vật thể hiện quan điểm ủng hộ nữ quyền của Marvel. Khi mới công bố tạo hình nhân vật, Marvel Studios vấp phải chỉ trích khi cho nhân vật mặc bộ đồ màu xanh lá, thay vì trang phục xanh dương - đỏ như nguyên tác. Song, đó chỉ là một phần của kế hoạch quảng bá. Carol Danvers sau này xuất hiện với bộ đồ quen thuộc, còn phục trang màu xanh lá chỉ xuất hiện ở phân đoạn đầu phim khi cô chiến đấu phục vụ người Kree.