Những bộ trang phục của các nhân vật trong phim đặt ra không ít thách thức cho các nhà thiết kế. Họ phải làm sao để ‘thương hiệu’ riêng đó vừa trung thành với phiên bản truyện tranh, vừa phải hợp lý và tạo được nét độc đáo riêng để làm hài lòng khán giả. Những bộ trang phục lạ lùng trong truyện tranh không khó để ‘thuyết phục’ người đọc, nhưng khi nó bước vào thực tế thì dễ bị khán giả ‘vùi dập’ không thương tiếc. Đã có vô số bộ giáp bước vào huyền thoại nhưng cũng có những tác phẩm bị coi là lố bịch và nhận hàng xe gạch đá. Nào cùng Game8.vn ‘điểm mặt’ những bộ cánh ác mộng của các siêu anh hùng.
The Thing (Michael Chiklis)
Mặc dù Fantastic Four là 1 trong những biệt đội siêu anh hùng lừng lẫy nhà Marvel nhưng tần suất góp mặt của họ trên màn bạc lại vô cùng khiêm tốn. Không muốn nhìn thấy 1 tài năng ‘ẩn dật’ chìm vào trong quên lãng, đạo diễn Josh Trank đang nỗ lực để sửa chữa những sai lầm xưa và đưa Bộ tứ siêu đẳng quay trở lại với người hâm mộ. Bộ phim Fantastic Four đầu tiên ra mắt trong thất bại thê thảm và nhận nhiều đánh giá không tốt từ các nhà phê bình. Trên trang Rotten Tomatoes nổi tiếng, tác phẩm ghi nhận con số ít ỏi 27%.
Công bằng mà nói, dù Fantastic Four bị chê bai thậm tệ nhưng phải thừa nhận Michael Chiklis đã thể hiện khá tốt vai diễn Ben Grimm trong phim. Khán giả biết tới ngôi sao này nhiều hơn khi anh nhận lời tham gia The Shield. Đáng tiếc Chiklis không có nhiều đất diễn kể từ khi nhân vật của anh chuyển đổi thành The Thing - 1 sinh vật đá với ngoại hình thô kệch xấu xí y như ‘trát’ bọt biển màu cam lên người. Mặc dù tạo ra 1 phiên bản đáng thất vọng vẫn phải trân trọng những cống hiến của đội thiết kế Fantastic Four. Vào cái thời CGI chưa phát triển mạnh mẽ, các nhà tạo hình đã cố gắng sử dụng kỹ thuật trang điểm và các hiệu ứng thực tế để tạo ra nhân vật Grimm mới mẻ và chân thật nhất có thể. Xét cho cùng, The Thing vẫn ngậm ngùi nhận thất bại nhưng những nỗ lực của đoàn làm phim vô cùng tuyệt vời.
Daredevil (Ben Affleck)
Bộ phim gắn mác bom tấn về hiệp sĩ mù Matthew Murdock với giác quan ‘radar’ nhạy bén không được đánh giá cao như kỳ vọng. Dưới tư tưởng cực đoan của đạo diễn Mark Steven Johnson, vai diễn của tài tử Ben Affleck gây thất vọng lớn đối với khán giả và các nhà phê bình điện ảnh.
Không chỉ thất bại về nội dụng mà thậm tệ hơn cả là trang phục của siêu anh hùng Daredevil. Các nhà thiết kế muốn giữ lại sắc đỏ biểu tượng trên bộ cánh nhưng thật không may nó lại lòe loẹt và quê mùa 1 cách ngán ngẩm. Lớp áo da nhàu nhĩ, họa tiết thừa thãi và mặt nạ không ăn nhập với khuôn mặt của Ben Affleck là những gì người ta bàn tán về bộ phim.
Chịu nhiều gạch đá từ dư luận, Marvel quyết định sửa lại phần trang phục của Daredevil theo hướng thực tế hơn. Không quá phụ thuộc vào bộ truyện, các thiết kế sau này đã thay đổi rất nhiều và ‘lấy lòng’ được fan hâm mộ.
Catwoman (Halle Berry)
Đây là bộ phim siêu anh hùng duy nhất nhận được điểm số thê thảm 9% đánh giá trên trang Rotten Tomatoes. Lý do thất bại thì vô vàn không đếm xuể. Ngân sách sản xuất lên đến 100 triệu USD nhưng Miêu nữ chỉ cày nổi 82 triệu USD để ‘trả nợ’, chỉ riêng điều đó đã khiến cô trở thành nữ siêu anh hùng ê chề nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Những cuộc đối thoại tẻ nhạt và thiếu vắng CGI đã là thảm họa, nhưng tồi tệ hơn nữa chính là bộ y phục mà Miêu nữ sở hữu.
Thay vì tìm 1 bộ trang phục rực rỡ như trong truyện tranh, giám đốc Pitof đã ‘lượm’ được bộ đồ mang hơi hướng BDSM rẻ tiền cho Halle Berry. Thân hình nóng bỏng của Miêu nữ bị xóa nhòa bởi chiếc áo lót đen rườm rà, đôi găng tay dài thừa vải và chiếc mũ gắn tai mèo cố ra vẻ ‘cute’. Nhiều người thắc mắc liệu siêu anh hùng Catwoman có thể đương đầu với cái ác trong bộ cánh ‘độc nhất vô nhị’ đến như vậy?
Batman (George Clooney)
Nam diễn viên nổi tiếng George Clooney từng đóng Batman trong Batman & Robin phiên bản 1997, tuy nhiên đây lại là kỷ niệm buồn đối với anh. Bộ phim của George Clooney có kinh phí sản xuất khổng lồ nhưng lại thất bại thảm hại cả về chất lượng lẫn doanh thu. Đặc biệt, bộ trang phục xấu tệ của người Dơi chắc sẽ còn ‘ám ảnh’ Clooney dài dài. Khoác trên mình chiếc áo choàng đen với bộ trang phục màu xanh có 2 ‘đầu ti’ nhân tạo khiến anh hùng Batman trở nên ‘trần tục’ phát sợ. Ngay từ đầu, đồ chơi và vật phẩm lưu niệm ăn theo là chìa khóa thành công của sê-ri Batman, nhưng ít người ngờ rằng có ngày Warner Bros sẽ ưu ái và ‘tôn thờ’ bộ đồ thảm họa của Clooney như con át chủ bài.
Green Lantern (Ryan Reynolds)
Không ai ngờ chỉ vài năm trước, Ryan Reynolds - chàng Deadpool lừng lẫy của Marvel đã từng đưa sự nghiệp của mình đến bờ vực sụp đổ. Sau vai diễn mờ nhạt trong Blade: Trinity và X-Men Origins: Wolverine, Reynolds ‘chật vật’ tìm 1 vai diễn đổi đời nhưng cái gật đầu tham gia Green Lantern lại trở thành nỗi ám ảnh khó quên. Thất bại của Chiến binh Xanh đã tiêu tốn quỹ ngân sách khổng lồ và chôn vùi đi 1 siêu anh hùng đầy tiềm năng nhà DC.
Bộ trang phục xanh lá cây giống như 1 mớ hỗn độn, thiếu đi điểm nhấn tạo ấn tượng và dường như đang nuốt chửng Reynolds. Bên cạnh đó, chiếc mặt nạ ‘vô cảm’ đã làm ẩn đi khá nhiều nét biểu cảm của diễn viên, điều đó khiến các cảnh trong phim thiếu phần gay cấn. Thậm chí hiệu ứng CGI cẩu thả cũng gây rối loạn tầm nhìn cho người xem. Những yếu tố đó đã đủ khiến bộ phim thất bại thảm hại và nhanh chóng lùi vào dĩ vãng.
The Punisher (Dolph Lundgren)
Bộ phim Daredevil do ông lớn Marvel và Netflix đồng sản xuất đã để lại nhiều tiếng vang trong giới điện ảnh. Đặc biêt, diễn viên Frank Castle đảm nhiệm rất tốt vai trò của kẻ trừng phạt đáng sợ The Punisher và ghi dấu khó phai trong lòng khán giả. Nhưng trước khi anh đứng trên bục vinh quang thì cũng có 3 ngôi sao khác đã từng thử thách bản thân với vai diễn này và nhận được những phản hồi khác nhau.
Công bằng mà nói, The Punisher đầu tiên do Dolph Lundgren đảm nhiệm sở hữu tạo hình thiếu chính xác nhất so với phiên bản gốc. Không hề có logo hộp sọ trên ngực áo, kẻ trừng phạt gây nỗi thất vọng lớn khi chỉ giống như 1 anh hùng trong phim hành động những năm 80. Thậm chí bộ trang phục của anh còn sơ sài và không hề có sự góp mặt của CGI. Khán giả thắc mắc Castle đang đóng 1 tác phẩm điện ảnh về siêu anh hùng hay chỉ là 1 bộ phim‘cổ trang’ làm màu của Hollywood?
Captain America (Matt Salinger)
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm bộ truyện tranh Captain America ra mắt công chúng, bộ phim cùng tên cũng được phát hành trong sự háo hức mong chờ của fan hâm mộ. Đáng tiếc, tác phẩm chuyển thể của đạo diễn Albert Pyun gây thất vọng lớn và bị liệt vào danh sách những bộ phim siêu anh hùng tệ hại nhất mọi thời đại. Con trai của nhà văn J. D. Salinger - Matt Salinger là niềm hy vọng lớn lao của ông khi anh chịu trách nhiệm đảm đương vai trò chính trong bộ phim. Tuy nhiên, nỗi ê chề của Đội trưởng Mỹ như ‘tạt’ 1 gáo nước lạnh vào đoàn làm phim cũng như khán giả.
Tin tức Captain America xuất hiện trên màn ảnh nhỏ khiến nhiều khán giả không khỏi mừng rỡ, họ muốn được tận mắt chứng kiến siêu anh hùng sẽ trông như thế nào khi bước vào thế giới thực. Nhưng những vấn đề về thiếu hụt ngân sách và 1 kịch bản hợp tình hợp lý khiến những người xem bộ phim cảm thấy như bị ‘lừa. Bộ trang phục rẻ tiền trên người Đội trưởng Mỹ khiến anh trông thật ‘kém sang’, nếu so sánh với ‘bộ cánh’ mà Chris Evans sở hữu thì quả là 1 trời 1 vực. Bonus thêm đôi tai cao su fake loại ‘8-9-10’ sẽ còn ám ảnh các fan của siêu anh hùng này cả đời.
Deadpool (Ryan Reynolds)
Trang phục của Deadpool trong các phiên bản khác nhau được đánh giá ‘copy’ tốt nhất từ trong truyện ra đời thực. Tuy nhiên, không phải phiên bản nào cũng hoàn hảo và ưng mắt người xem như vậy . Quay trở lại ngày mà anh chàng Deadpool ‘lầy lội’ ra mắt công chúng trong X-Men Origins: Wolverine. Khó có thể diễn tả cảm xúc khi khán giả không thể nhận ra nhân vật huyền thoại này và còn ‘tố’ đoàn làm phim đã tự tạo dựng hình ảnh mới cho Deadpool. Việc thay đổi thiết kế cho nhân vật là chuyện bình thường, nhưng quá đà đến mức không còn là siêu anh hùng Deadpool nữa thì team thiết kế phải xem lại.
Không chỉ Fox mới ‘dám’ thay đổi thiết kế 1 cách táo bạo như vậy mà tạo hình của Merc cũng chẳng khấm khá hơn. Hình tượng Deadpool cởi trần, khuôn mặt dị nhân vừa đáng thường vừa đau khổ khiến người hâm mộ cũng ‘đau khổ’ chẳng kém phần X-Men trước đó. Ryan Reynolds từng bày tỏ sự thất vọng của mình với tạo hình Deadpool này và quyết tâm làm lại từ đầu. Phải mất đến 10 năm để hoàn thành 1 bộ phim xuất sắc cả về chất lượng đến nội dung. Tạo hình của The Merc with a Mouth đẹp tới mức fan xuýt xoa anh chàng như bước ra từ comic. Quả thực đợi chờ là hạnh phúc, bộ phim Deadpool sau này đã trở thành 1 trong những bộ phim được đánh giá cao nhất trên bảng xếp hạng R-Break và liên tiếp phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé đáng ngưỡng mộ.