9 lần Hollywood khiến fan Nhật nổi giận vì xúc phạm nguyên tác truyện tranh

(KenhTinGame) - Sự phẫn nộ lên cao tới nỗi nhiều người cho rằng đây chả khác nào "Sự xúc phạm tồi tệ nhất người Mỹ dành cho nước Nhật kể từ hai quả bom nguyên tử"

Dưới góc nhìn điện ảnh, phim chuyển thể không dễ gì thực hiện vì chúng phải truyền tải thành công bản sắc, tinh hoa của nguyên tác trong thời lượng giới hạn. Đã có rất nhiều sản phẩm do Hollywood thực hiện dựa trên hàng loạt thương hiệu ăn khách từ xứ sở mặt trời mọc bị liệt vào hàng thảm họa. Bài viết hôm nay sẽ liệt kê top 9 trong số chúng có nguồn gốc manga/anime.

Guyver (1991)

Điểm số IMDb: 4.9/10

Guyver thuộc thế hệ những tác phẩm chuyển thể từ anime đầu tiên mà Hollywood thực hiện. Dựa trên loạt manga Bio-Booster Armour Guyver của Yoshiki Takaya, phim xoay quanh câu chuyện về chàng trai trẻ tên Sean Barker. Anh tình cờ phát hiện một bộ giáp sinh học đặc biệt The Unit có khả năng hợp nhất cùng cơ thể người mặc, giúp Sean sở hữu hàng loạt năng lực phi thường. Tuy nhiên, bộ giáp cũng khiến anh trở thành mục tiêu săn đuổi bởi nhóm sinh vật ngoài hành tinh đáng sợ.

Bộ phim bị số đông khán giả chỉ trích do nội dung quá đơn điệu, diễn xuất nhàm chán, đánh đấm như phủi ruồi thua xa mức độ tàn bạo trong nguyên tác. Kinh phí sản xuất nghèo nàn làm cho hiệu ứng hình ảnh, kỹ xảo chưa thể đạt tới chất lượng kì vọng. Đáng mừng thay, phần tiếp theo Guyver: Dark Hero ra mắt năm 1994 với thay đổi ở nam diễn viên chính được công chúng đón nhận nồng nhiệt hơn.

Fist of the North Star (1995)

Điểm số IMDb: 3.9/10

Fan hâm mộ manga chắc chắn chẳng hề xa lạ trước cái tên huyền thoại này. Là series truyện tranh đình đám tại Nhật Bản thập niên 80, Fist of the North Star lấy bối cảnh thế giới hoang tàn, loạn lạc sau nhiều cuộc chiến tranh hạt nhân. Lúc đó, chàng chiến binh Kenshiro, truyền nhân môn phái Hokuto Shinken đã đứng lên bảo vệ dân lành vô tội khỏi bọn cường hào ác bá bằng tuyệt kĩ võ công thần sầu. Tiếc thay, xuất phẩm điện ảnh cùng tên năm 1995 lại không có nổi số phận may mắn tương tự.

Mặc dù mang phong cách hành động bạo lực, điên rồ phảng phất hơi hướng Mad Max, hầu hết giới phê bình đều đồng ý xếp Fist of the North Star phiên bản live action vào hàng ngũ các tác phẩm Hollywood đáng quên vì sự thất bại ở mọi khía cạnh: kịch bản nhạt nhẽo, tuyến nhân vật thiếu điểm nhấn...

Godzilla (1998)

Điểm số IMDb: 5.3/10

Hàng loạt thử nghiệm bom nguyên tử của quân đồng minh tại vùng biển Nam Thái Bình Dương vô tình tạo nên Godzilla, một con thằn lằn đột biến phóng xạ. Sau khoảng thời gian dài im hơi lặng tiếng, nó vượt biển tiến đến thành phố Manhattan dưới hình dạng khổng lồ và tàn phá mọi thứ nơi đây.

Tác phẩm làm lại từ đạo diễn Đức Roland Emmerich mắc phải sai lầm nghiêm trọng qua việc phá vỡ hình tượng vua quái vật kinh điển ngày nào. Tạo hình Godzilla 1998 trông chẳng khác gì con khủng long bạo chúa T-Rex to lớn quá cỡ, thậm chí bản thân nó còn dễ dàng bị tổn thương trước súng đạn thông thường. Cho tới nay, các fan Godzilla vẫn coi đó như một điều sỉ nhục. Hãng Toho, mẹ đẻ của Godzilla đã đổi tên bộ phim đó thành Zilla đồng thời tuyên bố rằng nó không hề liên quan đến vũ trụ quái vật. Niềm an ủi duy nhất đối với nhà sản xuất là món hời 380 triệu USD doanh thu phòng vé trong khi tiền đầu tư chỉ vỏn vẹn 130 triệu USD.

Speed Racer (2008)

Điểm số IMDb: 6/10

Chuyển thể từ thương hiệu đua xe ô tô Mach GoGoGo tiếng tăm, Speed Racerkể về tay đua trẻ tài năng Speed mang tham vọng chinh phục The Crucible, giải đua xe tử thần xuyên quốc gia từng cướp đi sinh mạng anh trai mình ngày xưa. Cùng những người đồng đội ăn ý, Speed quyết tâm vạch trần thế lực đen tối đang ngấm ngầm âm mưu gian lận kết quả cuộc chơi nhằm kiếm chác lợi nhuận.

Dù được cầm trịch bởi hai chị em đạo diễn nhà Wachowski nổi tiếng qua siêu phẩm The Matrix và có sự góp mặt của ngôi sao ca nhạc hàng đầu châu Á lúc bấy giờ là Bi Rain, Speed Racer vẫn thất bại thảm hại trên cả mặt trận phê bình lẫn doanh thu. Tờ New York Post nhận xét: "Bộ phim phiêu lưu này tệ hại đủ đường. Nó đốt bỏ hàng trăm triệu USD để nhại lại hình ảnh hoạt hình rẻ tiền đáng giá 10 cent".

Dragonball Evolution (2009)

Điểm số IMDb: 2.6/10

Dragonball được xem như một trong những bộ manga nổi tiếng nhất mọi thời đại, vậy mà phiên bản điện ảnh người đóng duy nhất của nó - Dragonball Evolutionđành phải ngậm ngùi ẵm lấy danh hiệu "phim chuyển thể tệ nhất thế kỷ 21". Ngay khi công chiếu, nó đã khiến cộng đồng manga/anime dậy sóng vì "dám cả gan" bóp méo biết bao giá trị do họa sĩ Toriyama Akira gây dựng.

Tạp chí điện tử Screen Junkies chẳng tiếc lời chỉ trích: "Đây là sự xúc phạm tồi tệ nhất người Mỹ dành cho nước Nhật kể từ hai quả bom nguyên tử". Đích thân biên kịch của tác phẩm cũng đăng tải bức thư xin lỗi gửi tới các fan: "Tôi tham gia dự án trên bởi mức thù lao rất lớn chứ không phải với tư cách độc giả yêu mến truyện tranh. Tôi đã rút ra bài học nhớ đời: Đừng bao giờ sáng tạo nếu không có đam mê".

Oldboy (2013)

Điểm số IMDb: 5.8/10

Tại LHP Cannes 2004, đích thân chánh chủ khảo, đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino thuyết phục hội đồng ban giám khảo trao giải thưởng Grand Pix cao quý đến phim điện ảnh Hàn Quốc Oldboy. Dựa trên manga cùng tên, Oldboy xoay quanh hành trình truy sát đẫm máu của nhân vật Oh Dae Soo nhằm trả thù kẻ đã nhẫm tâm bắt cóc, giam cầm ông suốt hơn 15 năm trời không rõ nguyên cớ.

10 năm sau, Oldboy remake phiên bản da trắng lọt top danh sách phim tệ nhất 2013. Hầu hết đánh giá đều cho rằng bộ phim chưa vượt qua nổi cái bóng quá lớn mà đạo diễn tiền nhiệm Park Chan Wook để lại do tập trung quá mức vào những phân cảnh chém giết máu me, rùng rợn thay vì tập trung đào sâu và khai thác nội tâm nhân vật lẫn tình huống câu chuyện.

Kite (2014)

Điểm số IMDb: 4.4/10

Đừng bao giờ đánh thấp người con gái lúc cô ta chẳng còn gì để mất. Được làm lại từ bản anime hành động gây tranh cãi, Kite sở hữu nội dung tương đối độc đáo, cuốn hút: nữ sinh tuổi teen Sawa vì mong muốn truy lùng bọn tội phạm giết chết cha mẹ mình đành chấp nhận trở thành tay sát thủ máu lạnh và nô lệ tình dục.

Tương tự Oldboy 2013, Kite tiếp tục nếm mùi thất bại thảm hại. Tác phẩm quá chú trọng vào lớp vỏ hành động bạo lực, yếu tố gợi dục nên thiếu chăm chút phần nội dung, bỏ quên giá trị tinh thần giàu cảm xúc ở nguyên tác. Poster phim cũng bị tố lừa đảo do vai trò của nam diễn viên Samuel L. Jackson hết sức mờ nhạt, kém ấn tượng.

Ghost in the Shell (2017)

Điểm số IMDb: 6.4/10

Ghost in the Shell lấy bối cảnh ở tương lai giả định không xa. Khi đó, công nghệ sinh học và điện tử tân tiến đến mức có thể dễ dàng cấy ghép, đồng bộ các thiết bị điện tử với cơ thể con người thành thể thống nhất. Thiếu tá Mira Kusanagi là trường hợp cấy ghép đầu tiên, cô được tăng cường năng lực thể chất nhằm trở thành thế hệ chiến binh ưu việt chuyên lùng bắt bọn tội phạm công nghệ nguy hiểm trên thế giới.

Nhận xét công bằng thì Ghost in the Shell được thực hiện khá chỉn chu, nghiêm túc. Đặc biệt, phần thiết kế hình ảnh, bối cảnh, đạo cụ đều rất trau chuốt, tỉ mỉ. Tuy nhiên, việc lược giản nhiều triết lí lẫn tư tưởng hay từ nguyên tác truyện tranh vô tình khiến tác phẩm đánh mất bản sắc riêng dẫn tới sự hời hợt, nhàm chán.

Power Rangers (2017)

Điểm số IMDb: 6.1/10

Power Rangers 2017 là bản tái khởi động series siêu nhân biến hình Mighty Morphin Power Rangers 1993. Vốn được sản xuất dựa trên loạt phim Super Sentai thứ 16 của xứ sở mặt trời mọc, nó nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu gắn bó cùng tuổi thơ hàng triệu người xem thuộc thế hệ 8x, 9x.

Tác phẩm gây thất vọng nặng nề ở cách kể chuyện dài dòng lê thê đậm chất phim truyền hình, hiệu ứng CGI nghèo nàn, lỗi thời và đặc biệt là tạo hình các bộ suit quá màu mè, thô kệch. Có lẽ Power Rangers 2017 chỉ phù hợp với đối tượng thiếu nhi hay những ai muốn ôn lại quá khứ tuổi thơ của mình mà thôi.