5 cảnh quay hoành tráng có chi phí siêu đắt đỏ, hơn cả tiền làm một bộ phim khác

(KenhTinGame) - Có độ dài chưa đến vài phút, song 5 phân cảnh dưới đã ngốn của nhà sản xuất những khoản kinh phí khổng lồ, đủ sức để làm một bộ phim hoàn chỉnh khác

Superman Returns (2006) – 10 triệu USD (khoảng 225 tỉ đồng)

Phiên bản Siêu Nhân năm 2006 có khá nhiều cảnh được chăm chút hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt, song cuối cùng lại bị bỏ vì nhiều lý do. Điều may mắn là cảnh phim Superman cứu cả thành phố sau cơn địa chấn vẫn được giữ lại. Đây được xem là cảnh tốn kém và ấn tượng nhất thời bấy giờ với kinh phí khoảng 10 triệu USD, tương đương 225 tỷ đồng, một con số khổng lồ vào thời điểm hơn 10 năm trước đây.

SwordFish (2001) – 13 triệu USD (khoảng 293 tỉ đồng)

Bộ phim có ngân sách 102 triệu USD (2.346 tỷ đồng)) thì 13 triệu trong số đó đã được chi cho cảnh chiếc xe buýt được chiếc trực thăng cẩu lên và bay lòng vòng trên thành phố Los Angeles. Để các chuyển động trở nên mượt mà, các nhà làm phim đã phải xử lý hình ảnh chiếc xe buýt trên nền phông xanh và sử dụng một số lượng máy quay cực lớn. Quá trình hoàn thiện kỹ xảo cho cảnh quay này đã khiến cho đoàn làm phim mất nhiều tuần liền.

Beauty and The Beast (2017) – 20 triệu USD (khoảng 450 tỉ đồng)

Phiên bản mới Người Đẹp và Quái Vật tràn ngập những phân cảnh nguy nga tráng lệ, đáng nhớ nhất trong số đó chính là cảnh quý ông nến Lumiere ca hát bài Be Our Guest. Phần trình diễn chỉ dài có 4 phút, song nó đã lấy đi của đoàn làm phim không dưới 20 triệu USD, khoảng 450 tỷ đồng. Khoản tiền này thậm chí nhiều hơn kinh phí bỏ ra để sản xuất bộ phim Mr Holmes (2015). Với thời gian một năm chỉ để lên ý tưởng, Disney đã được đền đáp xứng đáng khi thu về 200 triệu USD (khoảng 4.500 tỉ đồng) trong ngày đầu ra mắt.

Inception (2010) – 30 triệu USD (khoảng 690 tỉ đồng)

Hẳn các khán giả đều không thể quên được cảnh chiến đấu trong hành lang khi chúng xoay tròn như chong chóng. Và quả thật thì đó cũng chính là phân cảnh tốn kém nhất của Inception. Tổ kỹ thuật đã phải xây nên một hành lang hoàn chỉnh, đặt xung quanh nó một khung cố định có thể quay được để tạo hiệu ứng xoay vòng. Về phần các diễn viên, họ cũng đã phải mất hàng tuần tập luyện với dây móc để quen di chuyển trên một hành lang bị xê dịch.

500 con người đã hợp sức trong vòng 3 tuần để hoàn thiện phân cảnh này.

The Matrix Reloaded (2003) – 40 triệu USD (khoảng 920 tỉ đồng)

Ra mắt từ gần 20 năm về trước song series The Matrix vẫn được suy tôn là một trong những phim có kỹ xảo hoành tráng và tinh tế bậc nhất. Đối với giới làm phim, nó đã khai sinh ra nhiều cách quay phim và hiệu ứng kỹ xảo mới mang tính cách mạng.

Phần thứ 2 của loạt phim, The Matrix Reloaded được coi là phần phim có hiệu ứng hình ảnh ấn tượng nhất, đặc biệt là cảnh một mình nhân vật chính Neo “solo” với cả binh đoàn bản sao của đặc vụ Smith ở ga tàu điện ngầm. Phân cảnh này đã ngốn của đoàn làm phim khoản chi phí lên tới 40 triệu USD, một con số trên trời thời bấy giờ. Với quy mô như vậy, bảo sao The Matrix Reloaded lại có thể đem về số tiền “khủng” 742,1 triệu USD (khoảng 17.047 tỉ đồng), trở thành tập phim có doanh thu cao nhất.