Magic Mike: Magic Mike (2012) theo chân chàng trai trẻ Adam (Alex Pettyfer) tìm cách vươn lên trong thế giới của các vũ công thoát y phái mạnh với sự dẫn dắt của đàn anh Magic Mike (Channing Tatum). Đầy triển vọng và có sức hút ngoại hình, nhưng Pettyfer lại nổi tiếng ích kỷ, bất hợp tác. Do đó, Tatum bất bình ra mặt dù đàn em được đạo diễn Steven Soderbergh bênh vực. Song, hai ngôi sao chỉ trở mặt thành thù khi Pettyfer thuê nhà của bạn Tatum tại New York (Mỹ) hàng tháng trời mà không trả tiền với lý do “ẩm mốc”. Channing Tatum được cho là đã ra mặt yêu cầu đàn em trả tiền. Khi Tatum trở thành nhà sản xuất của Magic Mike XXL (2015) còn Soderbergh rời ghế đạo diễn, chẳng có cơ hội nào để Alex Pettyfer trở lại.
Fifty Shades: Hầu hết khán giả đều biết hai diễn viên chính của loạt 50 sắc thái không hề hòa thuận dù phải diễn vai người yêu. Chuyện bắt nguồn từ việc Jamie Dornan thay thế Charlie Hunnam vào giờ chót. Giữa Dornan với Dakota Johnson luôn tồn tại bầu không khí gượng gạo, thiếu cảm xúc. Họ cũng tỏ ra xa cách trong các hoạt động quảng bá. Giữa vô số tin đồn về thái độ kiêu căng của Johnson hay tính khí nóng nảy của Dornan trên phim trường, họ kiên quyết phủ nhận xích mích. Nhưng không ai tin bởi đôi bên đều chẳng thể khen nhau một lời và cắt đứt quan hệ ngay sau khi quảng bá xong phần cuối Fifty Shades Freed (2018).
X-Files: X-Files: Fight the Future (1998) trên màn ảnh rộng là cột mốc quan trọng của thương hiệu sau thành công vang dội trên sóng truyền hình. Thật đáng tiếc, phim ra đời vào lúc bất đồng dâng cao giữa Gillian Anderson và David Duchovny. Mệt mỏi với lịch trình dày đặc cũng như cách làm việc của đối phương, chưa kể việc thù lao của Duchovny cao gấp đôi Anderson, tất cả khiến họ thường xuyên cãi vã vì những điều nhỏ nhặt. Sau này, hai người công khai thừa nhận quá khứ bất hòa và làm lành trước khi trở lại trong X-Files: I Want to Believe (2008). Giờ đây, Duchovny và Anderson là bạn tốt, hơn cả lúc họ thường xuyên cộng tác trên phim trường.
Blade: Cách cư xử kinh dị của Wesley Snipes trên phim trường Blade: Trinity (2004) khiến ngôi sao mang nhiều điều tiếng. Đạo diễn David S. Goyer từng bị Snipes bóp cổ, và từ đó họ chỉ giao tiếp qua giấy ghi nhớ. Nam diễn viên thường xuyên dùng cần sa và có lúc vào diễn khi còn chếnh choáng. Ngôi sao cũng không bao giờ gọi đồng nghiệp bằng tên tử tế: Jessica Biel bị kêu là “con ranh”, hay Ryan Reynolds bị gọi là “thằng da trắng nghèo mạt rệp”... Nóng máu, tài tử Deadpool quyết định ứng khẩu nhiều lời thoại không có trong kịch bản và trở thành điểm sáng của Blade: Trinity. Ngoài ra, Natasha Lyonne cũng tận dụng vai hacker mù để trả thù Wesley Snipes không ít lần trước máy quay.
Iron Man: Với Iron Man (2008), dù đóng vai phụ, Terrence Howard nhận thù lao cao hơn nam chính Robert Downey Jr. Khi Downey Jr. trở thành người dẫn dắt cả vũ trụ điện ảnh lên hàng bom tấn thống trị phòng vé, thù lao của anh tăng chóng mặt. Còn Howard không đồng ý giảm lương để rồi bị thay thế bởi Don Cheadle. Điều đó khiến anh ấm ức suốt nhiều năm trời và tức giận đồng nghiệp đã tỏ ra bạc bẽo, bởi chính Howard từng tiến cử Downey Jr. cho Marvel Studios.
Kill Bill: Ở ngoài đời, Uma Thurman và Daryl Hannah ghét nhau không kém gì Cô dâu và Deadly Viper trên phim. Khi Kill Bill: Volume 2 (2004) ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, ê-kíp phải tách họ ra và sắp xếp lều riêng cho mỗi người để tổ chức tiệc hậu trường. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thurman và Quentin Tarantino trở nên căng thẳng do quá trình sản xuất chỉ một bộ phim bị kéo ra làm hai. Chưa kể, Tarantino ép minh tinh thực hiện một cảnh mạo hiểm khiến cô bị chấn thương cổ nghiêm trọng. Mối quan hệ chỉ được hàn gắn phần nào khi Tarantino chấp thuận yêu cầu cung cấp dữ liệu vụ tai nạn, cũng như thừa nhận thái độ tắc trách của đoàn phim.
Blade Runner: Suốt những cảnh quay dài vào ban đêm, đạo diễn Ridley Scott không ít lần tranh cãi với Harrison Ford, ê-kíp người Mỹ, rồi kể xấu họ với báo chí tại quê nhà Anh quốc. Không chỉ bất mãn với Scott, Ford còn khó chịu cả với bạn diễn Sean Young đến nỗi đoàn phim gọi những cảnh yêu đương giữa hai người là “cảnh căm ghét”. Bản thân Young mắc chứng nghiện rượu và gặp không ít rắc rối trong các dự án khác, nhưng Ford thực ra không phải tay vừa. Đến hậu truyện Blade Runner 2049 (2017), Harrison Ford vẫn đóng vai trò quan trọng, còn Sean Young chỉ xuất hiện thoáng qua nhờ kỹ thuật số. Dù vậy, theo bà thì: “Cả nội dung phim đều xoay quanh nhân vật của tôi”.
Star Wars: Bộ đôi người máy C-3PO and R2-D2 là hai nhân vật gắn bó xuyên suốt với Chiến tranh giữa các vì sao. Nhưng thay vì quý mến nhau như trên phim, hai diễn viên phụ trách là Anthony Daniels và Kenny Baker lại ghét nhau ra mặt suốt hàng thập kỷ. Baker nghĩ bạn diễn lạnh lùng và hợm hĩnh, coi thường đồng nghiệp bởi Daniels không bao giờ giao lưu hay đi uống cùng đồng nghiệp. Còn Daniels thì coi công việc của Baker không phải là diễn xuất, chẳng có đóng góp gì nhiều cho chuỗi tác phẩm. Dẫu vậy, sau tất cả, cả hai vẫn cùng tham gia bộ ba phim hậu truyện VII, VIII và IX.
Fast & Furious: Dùng ý nghĩa gia đình để quảng bá, nhưng thương hiệu bom tấn hóa ra lại lắm mối bất hòa. Khi Fast Five (2011) thắng lớn, dấu hiệu bất ổn xuất hiện. Vin Diesel và "tân binh" Dwayne Johnson ganh nhau đến mức ghi rõ điều khoản hợp đồng quy định số cú đấm tung ra và thiệt hại trên màn ảnh của mỗi người phải tương đương. Đến Fast & Furious 8 (2017), hai ngôi sao chỉ thực hiện cảnh chung ở mức tối thiểu. The Rock đã “kháy đểu" đồng nghiệp là hèn nhát lẫn thiếu chuyên nghiệp. Dự án ngoại truyện Hobbs & Shaw (2019) không chỉ khiến anh vắng mặt ở Fast & Furious 9, mà còn là dịp để nam diễn viên Tyrese Gibson mở lời đay nghiến.
(Theo zingnews.vn)