Bằng Chứng Vô Hình, phim điện ảnh thứ hai của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sau Thưa Mẹ Con Đi đang được những người trong ngành kì vọng sẽ là bộ phim "gánh team" cho tình hình kinh doanh phim ảnh nước nhà. Sau mùa dịch, các rạp phim hoạt động lại nhưng không sôi nổi, dù đã là một thị trường khá tốt trong khu vực. Và Bằng Chứng Vô hình chính là phim Việt Nam đầu tiên đáng ghi nhận được ra rạp trong tình trạng "bình thường mới", với ngày phát hành đã ấn định từ lâu. Sự dũng cảm và quyết liệt này rất đáng khen với ekip, nhất là ở câu chuyện doanh thu. Thành thử, nhiều người mong rằng bộ phim sẽ đem lại sinh khí cho các rạp chiếu, thậm chí là hy vọng con số trăm tỉ.
Sau buổi công chiếu đầu tiên, có một số ý kiến cho rằng Bằng Chứng Vô Hình là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, thậm chí là phim thuộc thể loại thriller, tâm lý tội phạm hay nhất của Việt Nam. Không phủ nhận Bằng Chứng Vô Hình là một tác phẩm chỉn chu, kĩ lưỡng, thấy được nhiều tâm tư của đạo diễn, diễn viên và ekip cho một tác phẩm remake từ Hàn Quốc (Blind). Tuy nhiên, đối với cá nhân người viết bài, bộ phim chỉ dừng ở mức độ đáng xem, đáng khen và đáng khích lệ. Nếu xét riêng về thể loại, Bằng Chứng Vô Hình không thể là phim thriller tốt nhất của Việt Nam. Nếu so với bản gốc, bộ phim cũng thiếu hấp dẫn hơn.
Người mù làm nhân chứng thì lạ thật, nhưng câu chuyện đã lỗi thời
Blind là một tác phẩm nguyên gốc của điện ảnh Hàn Quốc, từng ra mắt khán giả vào năm 2011. Câu chuyện về một cô nhân chứng mù, có niềm đam mê với nghề cảnh sát đã từng bước lần mò để giải "bài toán khó" về một tên sát nhân hàng loạt đã gây chú ý tại thời điểm đó. Kim Ha Neul còn đạt luôn giải thưởng Nữ chính xuất sắc ở hai giải Chuông vàng và Rồng Xanh cùng năm. Trước Việt Nam, đã có Trung Quốc và Nhật Bản remake bộ phim này, khiến Blind trở thành tác phẩm "đa quốc tịch" như Miss Granny (Em Là Bà Nội Của Anh) hay Sunny (Tháng Năm Rực Rỡ). Nhưng điểm khác biệt nhất của Blind với "hai người anh em" kia là bộ phim này không có dấu ấn thời đại, retro hay tính về nguồn. Nghe qua tưởng như sẽ dễ remake hơn nhưng thực chất lại là khó hơn.
Câu chuyện về cô gái mù vô tình trở thành nhân chứng của một vụ giết người hàng loạt không quá đặc biệt nhưng ở thời điểm năm 2011 thì khá tốt. Chưa kể bộ phim còn ghi dấu ấn ở những trường đoạn rất đặc biệt như cuộc rượt đuổi của hung thủ và nhân chứng mù loà, những đặc trưng về địa phương và xã hội hiện đại của nước sở tại như trang thiết bị về công nghệ, ứng dụng cuộc sống của người khiếm thị, tàu điện ngầm… và cả việc lên án sự tắc trách của cảnh sát.
Nếu so với Trung Quốc hay Nhật Bản, chắc chắn công cuộc Việt hoá sẽ có nhiều thứ khó khăn hơn. Đơn cử như chi tiết nhân chứng bị hung thủ uy hiếp trên tàu điện ngầm phải thay đổi thành xe bus. Cũng như việc tổ sản xuất cố gắng đưa vào phim những chi tiết, dụng cụ thuần Việt như con gà cúng, xôi gấc, bếp dầu… nhưng tiếc thay đó chỉ là những chấm phá bên ngoài. Về hồn cốt bên trong, bản Việt yếu hơn hẳn bản gốc vì sự lệch pha của xã hội và định mức sống. Nếu không thay đổi câu chuyện mạnh tay, mà chỉ bồi đắp chi tiết mang tính lớp vỏ thì tất nhiên nội dung sẽ thiếu sức nặng.
Hình ảnh đậm chất Việt Nam.
Một điểm thay đổi đáng chú ý của bản Việt so với bản gốc nữa là nhân vật nữ cảnh sát Hoà (Ái Phương). Trong bản Hàn, nhân vật này là nam và là một thanh tra tắc trách nên với một người mù bị tước đi cơ hội làm cảnh sát như nữ chính thì cô càng muốn tự thân tìm ra hung thủ. Trong bản Việt, nữ thanh tra rất nhiệt huyết và trách nhiệm, trở thành thần tượng của nữ chính nhưng hướng phát triển lại không thể khác đi, khiến nhân vật bị đầu voi đuôi chuột.
Có thể do yếu tố kiểm duyệt ở địa phương mà bản Việt không thể có (?) một thanh tra tắc trách. Nhưng cũng vì điểm này mà nội dung bộ phim bị ảnh hưởng khá nhiều về tính xã hội cũng như thời đại. Thiếu đi những thiết lập này, câu chuyện bị cũ và nhân vật cũng bị ảnh hưởng.
Chất thriller chỉ ở mức ổn, càng về cuối càng ít hồi hộp
Bằng Chứng Vô Hình đã thiết lập và được giới thiệu thuộc thể loại thriller (hồi hộp), trinh thám, tâm lý tội phạm ngay từ khâu quảng bá. Đây là một chiến lược văn minh và đáng khen, vì thể loại này ở Việt Nam không thịnh hành. Việc ekip không dùng chiêu trò để câu khách, đánh tráo thể loại phim là một điểm cộng. Từ những phút đầu phim đến tận cuối cùng, Bằng chứng vô hình vẫn giữ đúng tinh thần, nhịp phim là một tác phẩm kịch tính, hồi hộp.
Nhưng nếu như vậy mà khẳng định bộ phim thuộc thể loại thriller có chất lượng tốt nhất với mặt bằng điện ảnh Việt là khiên cưỡng. Bởi vì nếu xét đến cảm giác bất an, Bằng Chứng Vô Hình rất yếu. Thậm chí là yếu hơn cả Scandal của Victor Vũ, dù câu chuyện của Scandal chỉ xoay quanh showbiz.
Hồi đầu của Bằng Chứng Vô Hình đặt vấn đề rất ổn, thiết lập câu chuyện và xây dựng không khí rất tốt, đưa khán giả vào nhịp phim nhanh chóng. Hồi 2 kịch tính hơn hẳn với những màn rượt đuổi ở công viên, ở khu đô thị vào ban khuya. Bỏ qua những chi tiết bất hợp lý hoặc xử lý hơi rườm rà thì đây là những phân đoạn rất đáng thưởng thức của phim. Nhưng cũng từ hồi 2 này mà bộ phim càng về cuối càng mất đi sự hồi hộp ban đầu.
Hồi 3 của phim tập trung vào hành động đối kháng, có hơi hướm kinh dị, nhưng tình huống lẫn sự phát triển nhân vật đều khá nhạt. Cộng thêm sự kì vọng của khán giả qua 2 hồi đầu, sẽ khiến hồi cuối cùng - vốn phải là hồi hay nhất - trở nên thiếu hấp dẫn. Cộng thêm cái kết quá nhanh, mọi thứ chưa hẳn đã có lối thoát cũng sẽ gây cảm giác không thoả mãn.
Đáng buồn nhất là chính nhân vật phản diện (Quang Tuấn) lại trở thành điểm yếu chí mạng cho tính thriller của bộ phim. Được xây dựng và khẳng định là một tên sát nhân hàng loạt có hành vi biến thái ngay từ đầu phim, nhưng nhân vật này rốt cuộc lại không tạo ra cảm giác đáng sợ như tưởng tượng.
Vẫn là kiểu trừng mắt quen thuộc.
Cảnh hung thủ ăn sống mắt cá, cắt mắt cho nạn nhân ở đầu phim thực sự gây ấn tượng và tạo kỳ vọng về một vai phản diện lệch lạc tâm lý. Tuy nhiên, nhân vật này có quá nhiều đất diễn so với tên sát nhân của bản gốc. Điều này vô tình khiến cho mục tiêu, lý do và phương thức hành động của hung thủ bị lộ sớm, sự bí ẩn bị mất dần đi khiến nhân vật không còn tạo nên cảm giác nguy hiểm về sau nữa. Diễn xuất của Quang Tuấn cũng khiến nhân vật càng trở nên yếu đi. Gần như cách biểu lộ cảm xúc, trừng mắt không khác gì với nhân vật thầy lang trong Thiên Linh Cái ra mắt năm trước. Cùng là hai sát nhân có vấn đề tâm lý, lệch lạc cảm xúc và mang những dục vọng biến thái với thân xác phụ nữ, hai nhân vật này có nhiều điểm tương đồng. Nhưng Bằng chứng vô hình khác với Thiên Linh Cái ở câu chuyện và cách thể hiện. Sát thủ của Bằng chứng vô hình cần sự ẩn mình nhiều hơn, bí hiểm nhiều hơn. Vì khán giả cũng phải mù mờ như chính nhân chứng, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, thì hình ảnh tên sát nhân mới toát lên được sự nguy hiểm và khó lường.
Một điểm quan trọng khác trong việc xây dựng tâm lý nhân vật là sợi dây liên kết giữa tên sát nhân và nhân chứng mù ở bản Việt quá nông. Dù ở thế đối địch người thiện - kẻ ác nhưng cả hai cùng trải qua những bi kịch tương đồng. Nhân chứng buộc phải thể hiện được những giây phút yếu lòng và đồng cảm với bi kịch của hung thủ, vì đó chính là một phần lý do quan trọng để cô cố gắng thoát ra, chứng tỏ mình không giống hắn.
Tóm lại, Bằng Chứng Vô Hình chắc chắn không phải là một phim dở. Mọi thứ từ kịch bản, diễn xuất, bối cảnh, hình ảnh, âm nhạc… đều được thực hiện kĩ lưỡng, chỉn chu. Bộ phim là một tác phẩm chất lượng, đáng xem của phim Việt, đặc biệt là trong thời điểm hậu giãn cách xã hội vì dịch hiếm phim hay như thế này. Khán giả nên thưởng thức phim với những suy nghĩ đơn giản nhất, đừng kỳ vọng về một bộ phim thriller hay nhất Việt Nam gì cả, thì những trải nghiệm của bạn về phim sẽ tốt hơn nhiều.
Thăm dò ý kiến
Bạn có nghĩ Bằng Chứng Vô Hình là một bộ phim thriller ấn tượng?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bằng Chứng Vô Hình hiện đang chiếu trên các cụm rạp toàn quốc.