Linda Linda Linda (2005): Bộ phim chủ đề học đường được chọn bởi nhà phê bình phim David Ehrlich, biên tập viên của tờ IndieWire. Nội dung phim kể về học sinh Nhật Bản thời hiện đại ở vùng ngoại ô Tokyo với tông màu tươi sáng, nhẹ nhàng. Ba ngày trước khi lễ hội ở trường trung học diễn ra, ban nhạc nữ sinh đã đồng ý kết nạp một du học sinh người Hàn Quốc vào nhóm.
Câu chuyện nhẹ nhàng, thu hút bởi những giai điệu rock Nhật thập niên 1980. Phim được xem là điểm sáng hiếm hoi trong dòng phim về bạo lực học đường ở Nhật Bản. "Tôi không chắc phim này sẽ hay hơn những kiệt tác như Nobody Knows, Spirited Away, Air Doll, Millennium Actress nhưng tôi lại thấy đây là bộ phim cực kì quyến rũ", David bình luận.
Happy Hour (2015): Bộ phim tâm lý xã hội của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi cùng được chọn bởi hai nhà phê bình danh tiếng là Richard Brody (tờ The New Yorker ) và Vadim Rizov (tạp chí Filmmaker). Câu chuyện phim nhẹ nhàng, tinh tế xoay quanh nhóm 4 phụ nữ tuổi 30 chơi thân với nhau.
Tình bạn giữa họ bất ngờ có sự xáo trộn khi họ tình cờ phát hiện câu chuyện đau khổ của một thành viên. Đây là tác phẩm thứ 8 của đạo diễn 39 tuổi, Ryusuke Hamaguchi. Trong gần 10 năm qua, anh đã liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm tâm lý nổi bật và xứng đáng được ghi nhận.
The Tale of the Princess Kaguya (Nàng tiên ống tre - 2013): Bộ phim hoạt hình anime dựa trên truyện cổ tích Nàng tiên trong ống tre được chọn bởi Carlos Aguilar, nhà phê bình phim nổi tiếng người Tây Ban Nha. Nhiều người vẫn đồng tình rằng tác phẩm kinh điển Spirited Away (Vùng Đất Linh Hồn) vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất khi nhắc đến anime Nhật Bản.
Tuy nhiên, Carlos cho rằng điều này khiến công chúng vô tình quên đi những tác phẩm cũng mang những triết lý nhân sinh xuất sắc khác. Takahata Isao đã truyền tải câu chuyện dân gian vừa mộc mạc vừa có chiều sâu cảm xúc, xóa nhòa giới hạn của những đường vẽ.
The Hidden Blade (Ấn kiếm quỷ trảo - 2004): Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do Yōji Yamada được đề cử bởi biên tập viên Edward Douglas (tờ The Tracking Board ). Đạo diễn Yoji Yamada nổi tiếng trong thể loại phim hành động sử thi khi tái dựng những điển tích về các samurai thời Edo. Ban đầu Edward cân nhắc giữa hai tác phẩm xuất sắc The Twilight Samurai và The Hidden Blade đều cùng của Yoji Yamada.
Phim xoay quanh một võ sĩ phương Bắc trong thời khắc giao mùa của xã hội Nhật Bản, khi cái cũ bị phá bỏ và văn minh Tây Âu được tiếp nhận. Toàn bộ phim là một góc nhìn nhân bản về thân phận con người và những mối quan hệ xã hội đặc biệt là tầng lớp samurai.
United Red Army (Liên Hợp Xích Quân - 2008): Bộ phim về đề tài chiến tranh của đạo diễn Kōji Wakamatsu được chọn bởi nhà phê bình phim lừng danh Jordan Hoffman (tờ Vanity Fair, The Guardian ). "Nếu chỉ được chọn một phim, đó chắc chắn chỉ có thể là bộ phim này", Jordan lý giải đơn giản về lựa chọn của mình. Phim có ba hồi, kể về sự kiện có thật trong lịch sử khi làn sóng sinh viên trỗi dậy mạnh mẽ ở Nhật vào những năm 1960 -1970.
Hồi thứ hai xoay quanh một nhóm người tham gia buổi cắm trại leo núi ở dãy Alps thuộc quần đảo Honshu. Nội dung về những giáo điều giả tạo của tập thể dẫn đến cái chết của 12 thành viên. Hồi thứ ba dựa trên cuộc thanh trừng đẫm máu mang tên Asama-Sansō.
Our Little Sisters (Umimachi Diary - 2015): Bộ phim tình cảm gia đình của đạo diễn Hirokazu Kore-eda được đề cử bởi cây bút phân tích Christian Blauvelt (tờ BBC Culture). Phim kể về ba chị em gái ruột trở về trong đám tang của người bố đã rời bỏ mình và nhận nuôi đứa con riêng của bố và đem cô em gái đó đến sống ở nhà mình. Mặc dù có nhiều bi kịch nhưng phim lại khai thác những khía cạnh tươi sánh và tích cực về tình chị em.
Bằng sự yêu thương và vị tha, cả bốn chị em cùng trải qua những ngày tháng chung sống vui vẻ dưới một mái nhà. Cách những nhân vật trong phim cùng vượt qua nghịch cảnh, đau khổ và mỉm cười bên nhau khiến nhiều khán giả xúc động.
Like Father, Like Son (Cha nào con nấy - 2013): Đây cũng là một tác phẩm về đề tài gia đình xuất sắc của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Phim được bình chọn bởi biên tập viên Candice Frederick (tờ Broadly, Vice, Thrillist). Phim đặt hai cặp vợ chồng vào tình huống khó xử khi hay tin đứa con trai của họ đã bị tráo đổi từ khi sinh ra. Cách họ ứng xử trước bi kịch này với những đứa trẻ vô tội khiến khán giả không khỏi xúc động.
Phim gây ấn tượng khi đưa ra góc tiếp cận mới lạ về sự gắn kết gia đình. Hirokazu muốn truyền tải thông điệp có liệu gia đình có cần phải là máu mủ và tình thân có cần phải chung dòng máu. Mỹ từng thực hiện một bản phim remake của Like Father, Like Son nhưng lại không truyền tải trọn vẹn cảm xúc như bản gốc.
Still Walking (Vững bước - 2008): Đây là bộ phim thứ ba của nhà làm phim Hirokazu Kore-eda lọt vào danh sách này, được đề cử bởi nhà phê bình phim Joshua Rothkopf (tờ Time Out New York). Tài năng xuất chúng của Hirokazu Kore-eda được Joshua nhận xét là: "Bạn có thể chọn bất kỳ bộ phim nào của ông để góp mặt trong danh sách những phim xuất sắc nhất thế kỷ XXI".
Bộ phim là lát cắt nhỏ của một gia đình bình thường ở vùng quê nước Nhật, diễn ra trong ngày giỗ của một thành viên. Dù đặt trên nền tảng bi kịch nhưng phim không có một cảnh cãi cọ hay tình huống tạo cao trào. Sức hút của bộ phim đến từ chiều sâu tâm lý, cảm xúc được miêu tả tài tình bằng các thủ pháp bậc thầy của Koreeda.