Kể từ thời thủy tổ của điện ảnh, việc các hãng phim chiếu một đoạn phim ngắn để "biểu diễn" biểu tượng của mình một cách hoành tá tràng nhất. Với nhiều người thì đó là những tác phẩm nghệ thuật độc lập có giá trị thẩm mỹ, nhưng không ít cũng nghĩ rằng đây chỉ là những sự phí phạm thời gian chờ đợi của họ trước khi vào phim.
Cho dù quan điểm của bạn thế nào, biểu tượng của các hãng phim cũng là một phần không thể tách rời đối với các bộ phim điện ảnh, và chúng cũng có lịch sử lâu đời không kém cạnh gì chính bản thân bộ môn nghệ thuật thứ bảy này. Hãy cùng nhìn lại cội nguồn của các biểu tượng quen thuộc nhất ngoài rạp chiếu phim nhé.
1. 20th Century Fox
Có lẽ là một trong số những biểu tượng kinh điển nhất trên màn bạc, hình ảnh "tượng đài" của hãng 20th Century Fox từ lâu đã đi sâu vào lòng công chúng như một hình ảnh thân thương đi kèm các tác phẩm điện ảnh để đời.
Bức vẽ đầu tiên của biểu tượng này được thiết kế bởi họa sĩ kỹ xảo hình ảnh Emil Kosa, Jr. từ giữa thập niên 30 với phần âm nhạc của tác giả Alfred Newman. Bức vẽ này đã sánh vai cùng các bộ phim của hãng cho tới năm 1994, khi một phiên bản CGI mới của nó được thực hiện. Từ đó tới nay, hình ảnh này đã có một vài thay đổi, nhưng những yếu tố quan trọng nhất vẫn được giữ nguyên.
Năm 1977, nhờ có George Lucas, hình ảnh này đã thực sự trở thành huyền thoại khi được đi kèm với Star Wars phần đầu tiên, dài hơn vài giây, và sánh vai cùng logo của hãng Lucasfilm. Tác giả John Williams đã soạn nhạc phim Star Wars sao cho cùng gam với biểu tượng của hãng 20th Century Fox.
Hình ảnh hiện tại của logo này được thiết kế bởi Blue Sky Animation, và một bản nhạc được kéo dài soạn bởi Lionel Newman.
2. Universal Pictures
Trái địa cầu với dòng chữ "Universal Pictures" bay quanh thực sự đã ăn sâu vào ký ức của rất nhiều thế hệ yêu điện ảnh trên khắp thế giới. Từ thập niên 30, biểu tượng này đã đi cùng với tất cả các bộ phim quái vật kinh điển mà hãng này sản xuất. Điều thú vị là trái địa cầu này của Universal thực sự là một mô hình được thiết kế dành riêng cho mục đích giới thiệu logo cho hãng chứ không chỉ là hoạt hình hay tranh vẽ.
Cho tới năm 1997, nhà soạn nhạc Jerry Goldsmith đã cho ra một bản nhạc mới hoàn toàn, và biểu tượng mô hình này được thay thế bằng kỹ xảo máy tính. Và tới năm 2012, studio kỹ xảo lớn nhất thế giới Weta Digital đã giúp họ hoàn thiện một phiên bản hiện đại và hoành tráng hơn hẳn. Brian Tyler là người đã lấy cảm hứng từ bản nhạc gốc của logo này và kéo dài nó ra để trở thành phiên bản chúng ta được thấy ngày nay.
3. Walt Disney
Cho tới tận bộ phim Black Cauldron ra mắt năm 1985, hãng Walt Disney không hề sử dụng một biểu tượng động nào trước các bộ phim mà họ sản xuất, mà đều là hình vẽ tĩnh. Phải sau đó người ta mới bắt đầu thấy hãng phim này, khi đó vẫn là một hãng hoạt hình, sử dụng hình ảnh lâu đài màu trắng xuất hiện từ từ trên nền xanh, trong tiếng nhạc của bài hát "When You Wish Upon a Star" từ phim Pinocchio.
Tòa lâu đài này lấy cảm hứng từ lâu đài Neuschwanstein ở Đức, và cũng là hình mẫu mà các họa sĩ đã dựa vào để thiết kế lâu đài của nàng công chúa ngủ trong rừng, và cả tòa lâu đài trong các công viên Disney của hãng trên khắp thế giới.
Năm 1994, hãng Pixar thiết kế biểu tượng này bằng máy tính lần đầu tiên khi Walt Disney phát hành bộ phim đầu tiên của hãng – Toy Story.
Phiên bản mới nhất của tòa lâu đài này được thực hiện bằng kỹ xảo máy tính và được ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 2006 trước bộ phim Pirates of the Caribbean: Dead man’s Chest. Từ đó tới nay, tòa lâu đài này cũng đã trải qua một số cải tiến nho nhỏ, cũng như những "trang điểm" đặc trưng phù hợp với từng bộ phim khác nhau như Tron: Legacy, hay Beauty and the Beast.
4. Warner Brothers
Hãng phim Warner Brothers Pictures được thành lập bởi 4 anh em người gốc Ba Lan: Albert, Harry, Sam, và Jack Warner từ năm 1923. Biểu tượng đầu tiên của hãng gần như vẫn được giữ nguyên cho tới tận ngày nay, nhưng kèm theo hình ảnh tòa nhà của họ ở Burbank, California.
Năm 1929, để chứng tỏ rằng phim của họ có âm thanh, hãng Warner Bros. đã chia sẻ logo của mình với Vitaphone. Tới năm 1934, hình ảnh logo với hai chữ cái WB hợp thành một chiếc khiên bằng vàng trên nền trời mây lần đầu tiên ra mắt công chúng. Jack Warner bán hãng phim cho Seven Arts, Inc., và studio này bị đổi tên thành Warner Bros. – Seven Arts vào năm 1967. Do đó, logo của hãng cũng bị thay đổi trong một thời gian ngắn với hai chữ cái W7 trên tấm khiên.
Từ 1972 tới 1984, hãng sử dụng một logo hoàn toàn khác với chữ cái W màu đỏ hoặc trắng trên nền một hình tròn đen, được thiết kế bởi tác giả Saul Bass. Ngày nay, logo của hãng là hình ảnh của các tòa nhà trong khuôn viên studio ẩn mình vào lớp vỏ mạ vàng của tấm khiên, đi kèm bản nhạc "As Tme Goes By" từ phim Casablanca. Ngoài ra, Warner Bros. cũng thường xuyên sử dụng các logo với tấm khiên được thiết kế đặc biệt cho từng bộ phim khác nhau.
5. Paramount Pictures
Người ta đồn đoán rằng đích thân W.W.Hodkinson – người sáng lập ra hãng Paramount đã phác thảo ra hình ảnh ngọn núi này từ năm 1914, và là biểu tượng lâu đời nhất của một hãng phim trong lịch sử điện ảnh. Ngọn núi này lấy cảm hứng từ đỉnh Ben Lomond ở quê hương Utah của Hodkinson.
Biểu tượng gốc của hãng có 24 ngôi sao tạo thành một vòng tròn xung quanh ngọn núi, tượng trưng cho 24 diễn viên có hợp đồng với hãng vào thời điểm đó. Ngày nay, biểu tượng này chỉ còn 22 ngôi sao.
Ngọn núi này được vẽ lại bởi họa sĩ Jan Domela vào năm 1951 và định hình cho nó một vẻ hiện đại hơn. Tới năm 1986, ngọn núi này lại được sửa chữa một lần nữa bởi họa sĩ Dario Campanile và trở thành hình ảnh mà chúng ta vẫn quen thuộc từ đó tới giờ
Phiên bản CGI của ngọn núi này được thực hiện bởi Devastudios, Inc. vào năm 2011, và nó đã đi theo các bộ phim của hãng cho tới ngày hôm nay. Bản nhạc của đoạn phim này được soạn bởi Michael Giacchino.
6. Columbia Pictures
Hãng Columbia Pictures được thành lập từ năm 1924 và là một trong số "Big Six" – sáu hãng phim lớn nhất Hollywood thời đó, nhưng lại chỉ là một trong số "Little Three" của thời kỳ Hoàng Kim. Biểu tượng của hãng ban đầu là một nữ chiến binh La Mã với khiên và một cây lúa trên tay.
Tới năm 1928, chiến binh này được thay bằng một phụ nữ quấn lá cờ Hoa Kỳ quanh người, và giương cao một ngọn đuốc. Người ta cho rằng người mẫu cho hình tượng này là nữ diễn viên Evelyn Venable, giọng nói của cô tiên xanh trong Pinocchio của hãng Disney.
Cuối thập niên 30, người phụ nữ này được đứng trên một bục cao, và lá cờ Mỹ được thay bằng một tấm vải màu xanh trơn. Tới thập niên 80, cơ thể của cô bị bóp méo để cho giống chai nước ngọt Coca Cola sau khi hãng giải khát này mua lại Columbia. Hãng này sau đó trở thành một phần của tập đoàn Sony từ 1986.
Tới năm 1992, họa sĩ Michael J. Deas đã thiết kế lại biểu tượng này thành phiên bản kỹ thuật số. Người mẫu cho anh là một nữ họa sĩ minh họa báo – Jenny Joseph, và họ đã thực hiện bức họa này bằng sơn dầu trong một buổi trưa.
Hình tượng này đã được chỉnh sửa nâng cấp nhiều lần qua tháng năm, nhưng cơ bản vẫn được giữ sát với nguyên gốc. Phiên bản hoạt họa của logo này được thực hiện bởi Jeff Kleiser và Diana Walczak từ Synthespian Studios.
7. DreamWorks
Steven Spielberg, Jeffrey Katzenberg, và David Geffen thành lập hãng phim DreamWorks vào năm 1994. Spielberg muốn tạo ra một biểu tượng có tinh thần của thời Hoàng Kim của Hollywood, và đã nghĩ ra hình ảnh người đàn ông câu cá trên cung trăng. Ông đã đưa ý tưởng này cho họa sĩ Robert Hunt, người đã gợi ý đổi người đàn ông thành một cậu bé, và sử dụng luôn hình ảnh con trai Hunt làm người mẫu.
Hãng phim Kaleidoscope và hãng kỹ xảo hình ảnh Industrial Light & Magic đã tạo ra biểu tượng này bằng kỹ xảo máy tính với ba chữ cái SKG, viết tắt của Spielberg, Katzenberg, và Geffen. Phần nhạc nền của logo được soạn bởi người bạn lâu năm của Spielberg là John Williams.
Các phiên bản sau này của logo cũng được thực hiện bởi ILM, và đã trải qua rất nhiều các phiên bản khác nhau tùy thuộc vào từng bộ phim mà nó đi cùng.
8. MGM (Metro-Goldwyn-Mayer)
Nhà quan hệ công chúng Howard Dietz là người đã thiết kế nên biểu tượng sư tử kinh điển này cho hãng Goldwyn Picture Corporation vào năm 1917, dựa trên biểu tượng của trường đại học Columbia University, nơi ông từng theo học.
Khi Goldwyn Pictures hợp nhất với Metro Pictures Corporation và Louis B. Mayer Pictures vào năm 1924, hãng đã giữ lại biểu tượng này dưới cái tên mới Metro-Goldwyn-Mayer Pictures, viết tắt là MGM.
Người ta đã sử dụng 7 chú sư tử khác nhau để diễn xuất cho biểu tượng này. Slats là tên của chú sư tử của thời "phim câm", còn tiếng gầm đầu tiên thuộc về Jackie khi âm thanh bắt đầu xâm nhập vào điện ảnh, cụ thể là phim tiếng đầu tay của MGM "White Shadows on the South Seas" năm 1928.
Telly và Coffee là 2 chú sư tử được dùng cho các bộ phim màu đầu tiên của hãng này, còn Tanner là hình ảnh của thời kỳ Hoàng Kim ở Hollywood, từng đi kèm với những tác phẩm như "The Philadelphia Story", "The Wizard of Oz", hay "Gone with the Wind".
Chú sư tử George nhận nhiệm vụ từ 1956 cho tới 1958, sau đó chuyển nhượng lại vị trí cho Leo, và trở thành biểu tượng thân thuộc của MGM cho tới tận ngày nay. Trên đầu các chú sư tử cho dòng chữ "Ars Gratia Artis," trong tiếng Latin có nghĩa là "Nghệ thuật vị Nghệ thuật."