Bong Joon-ho gọi quá trình xây dựng kịch bản cho "Ký sinh trùng" bằng chính cái tên của nó. Ông nói với tạp chí GQ: "Như một con ký sinh trùng vậy. Tôi không biết nó đã vào cơ thể mình từ lúc nào lẫn như thế nào".
Có lẽ nó đã vào cơ thể của ông từ… mấy chục năm trước. Ngày ấy, ông cũng là một gia sư dạy toán như một nhân vật trong phim dù học toán dở tệ, cũng lén lút quan sát cuộc sống của một người giàu, cũng thầm đặt ra những giả định: rồi đời ta sẽ ra sao nếu được sống trong cơ ngơi này. Những suy nghĩ về mặt trái của chủ nghĩa tư bản, của sự phân hóa giàu nghèo có lẽ đã nhen nhóm trong lòng chàng sinh viên đôi mươi Bong Joon-ho từ dạo ấy.
Bong bây giờ đã giàu rồi, dù ông mô tả mình chỉ giàu cỡ… 1/5 gia đình nhà Park trong phim. Từ Memories of a murder lấy bối cảnh từ một miền quê tỉnh lẻ, Bong đã đi một chặng đường rất dài cả về danh tiếng lẫn chuyên môn. Sau khi làm hai bộ phim nói tiếng Anh lấy chủ đề viễn tưởng là Snowpiercer và Okja, Bong quyết định trở lại Hàn Quốc, vì cái con ký sinh trùng trong ông nay đã lớn. Nó khao khát được kể câu chuyện của chính mình. Phần còn lại, với doanh thu khủng và một loạt những giải thưởng mà giờ Bong phải xây cả một cái kệ mới đặt được hết, đã là lịch sử!
Gọi Bong là kẻ phá vỡ những đường biên, vì ông là một bậc thầy trong việc pha trộn những thể loại. Có thể xếp Parasite vào thể loại gì đây: comedy, drama hay thriller? Hay chính Bong đã gọi đây là một "sad comedy", một hài kịch mà không có anh hề, là bi kịch mà không có kẻ ác. Ngay trong phim, sự chuyển đổi tông màu và thể loại có thể diễn ra ngay trong một scene, vừa chính kịch đã chuyển sang giật gân, vừa trào phúng thoắt đã thành kinh dị, như diễu nhại chính cách mà chúng ta vẫn cố phân loại các tác phẩm điện ảnh. Ta thấy dấu vết rất rõ của Martin Scorsese, Quentin Tarantino lẫn Alfred Hitchcock, nhưng rõ ràng Bong vẫn là lối đi của riêng mình.
Nhà làm phim luôn đặt mình vào một điểm nhìn, vậy Bong nhìn từ vị trí của nhà Park hay nhà Kim? Câu trả lời là… ở ngay chính cái đường biên ấy. Xuất thân từ một gia đình trung lưu, Bong luôn dành sự lưu tâm của mình với cả hai tầng lớp trong xã hội. Và nếu như trong The Host (vật chủ), bong dùng một chiếc ống dòm để nhìn thật xa thì đến Parasite (Ký sinh trùng), ông chuyển sang dùng một chiếc kính hiển vy, để soi thật sâu căn tính của con người, đặt trong bức tranh tổng thể là chủ nghĩa tư bản và những hệ lụy của nó.
Parasite chạm vào tất cả mọi người, để lần đầu tiên trong lịch sử OSCAR xảy ra chuyện lạ: một phim đoạt giải mà đa số đều đã xem rồi, không chỉ xem rồi mà còn hiểu, còn cảm. Bởi vì thông qua bộ phim, ta soi chiếu lại bản thân mình. Ai trong chúng ta mà không muốn trèo ra khỏi tầng hầm để vươn lên những ngọn đồi. Chúng ta ăn quán lề đường nhưng nhìn vào nhà hàng 5 sao, ta đi máy bay vé phổ thông nhưng luôn nhìn qua làn đường dành cho business và bất giác tự hỏi: là một người giàu thì sẽ ra sao nhỉ?
Parasite chạm vào mọi người, vì đó đâu chỉ là câu chuyện riêng của Hàn Quốc. Từ phong trào biểu tình áo khoác vàng ở Pháp đến những cuộc xung đột ở Châu Mỹ Latin vì tăng giá vé giao thông công cộng. Sự phân cực giàu nghèo đang diễn ra hàng ngày, ở mọi nơi, và Bong chỉ chọn cho mình một cách kể lại câu chuyện ấy. Khái niệm tiệm toàn cầu là vô nghĩa, bởi tất cả đang sống trong một quốc gia vĩ đại mang tên tư bản.
Xin tạm dừng ở đây một chút để nói về… Song Kang-ho, "chàng thơ xấu trai" đã góp mặt trong 4/7 phim của Bong đến nay. Ban đầu, Bong không có ý định mời Song Kang-ho đóng vai Ki-taek, một kẻ thất bại toàn tập. Ngoài xã hội, Ki-taek là một kẻ thất nghiệp không được ai coi trọng. Về mặt kinh tế, ông chả chu cấp được cho gia đình mình. Và vì vợ ông từng là vận động viên ném tạ (có huy chương bạc treo trong nhà) nên nếu đánh nhau, Ki-taek nhiều khả năng cũng sẽ thất bại. Một nhân vật bất lực toàn diện, nhưng đã vùng lên có một cảnh hành động vượt ngoài dự liệu của tất cả vào cuối act 3. Phân đoạn ấy, nhân vât không có thoại, chỉ có hành động và ánh mắt. Phải làm sao để cho thấy cái gã đàn ông thất bại toàn tập ấy trong một sát na chuyển thành một người mang đầy sức mạnh của sự thịnh nộ.
Suy nghĩ một hồi, Bong vẫn không thấy ai có thể bước qua những đường biên cảm xúc tốt hơn Song Kang-ho. Và thế là họ lại hợp tác với nhau. Bong và Song đã trở thành một cặp trời sinh, như Martin Scorsese và Leonardo di Caprio.
Trong phim, chính nhà Park cũng tự vạch ra một đường biên cho mình. Họ cho khán giả thấy: "Chúng tôi có tiền, nhưng chúng tôi cũng rất sành điệu. Chúng tôi không phải kiểu nhà giàu mới nổi". Đó là lý do họ sống trong ngồi nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng. Họ muốn nói cho người khác biết là "chúng tôi yêu nghệ thuật, chúng tôi có gu thẩm mỹ cao". Họ khẳng định điều đó mỗi khi có thể. Nhưng sâu thâm tâm, họ muốn gì? Họ muốn vạch ra một đường biên rất rõ ràng. Họ không hứng thú với thế giới bên ngoài, họ ghét tàu điện ngầm và mùi… của người nghèo. Họ muốn tất cả phải dừng lại ở cái đường biên mình đã vạch ra, để cảm thấy an toàn. Công việc của gia đình nhà Kim – gia sư, giúp việc, tài xế - là những khoảnh khắc hiếm hoi mà người giàu và nghèo được ở cạnh nhau, trong một không gian đủ riêng tư để họ ngửi thấy mùi nhau. Đấy là một cách ngôn hoàn hảo cho câu chuyện.
Trước khi đi vào lịch sử với màn bội thu những giải thưởng, Bong đón nhận một "giải thưởng" khác vào tháng 10 năm ngoái. Gã sát nhân ngoài đời thực từng tạo cảm hứng để Bong làm nên siêu phẩm Memories of Murder đã ra tự thú sau gần 20 năm. Phải, cảnh sát Hàn Quốc đã bất lực trong việc truy tìm gã sát thủ hàng loạt đầu tiên trong lịch sử hình sự nước mình. Chỉ một tuần trước khi Parasite công chiếu tại Mỹ, một cảnh sát Hàn Quốc cho CNN biết một tù nhân ngoài 50 đã đến nhận tội giết 9 người phụ nữ. Tên sát nhân này hiện đang thụ án tù chung thân, và vì đã quá thời hạn truy tố nên không thể đưa ra xét xử lại. Và thông qua lời khai của các bạn tù, ta biết gã đã xem "Memories of Murder" của Bong.
Kể câu chuyện này để đề cao cách mà Bong đã tạo ra các kịch bản phim. Như ông nói, mình chỉ là một đạo diễn bán thời gian. Còn công việc chính của ông là viết kịch bản. Ông, sau này cùng với cộng sự Jin Won Han, luôn bỏ rất nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu. Để tạo ra Memories of Murder, Bong đã đến Hwaseong, phỏng vấn hàng trăm người, từ cảnh sát sở tại, các phóng viên từng đưa tin đến gia đình, hàng xóm của nạn nhân. "Người duy nhất mà tôi không thể gặp được chính là tên sát thủ," Bong nói.
Cảnh kết phim ấy, máy quay cận trực diện gương mặt của Song Kang Ho, như thể đang nhìn vào gương mặt vô danh ấy, kẻ đã lẩn trốn luật pháp thành công, nhưng đâu đó có lẽ cũng đang xem bộ phim này. Và gần 20 năm sau, kẻ vô danh ấy rốt cục đã có một nhân dạng. Bong đã nhìn thấy gương mặt của gã trên báo. Gã sát nhân đã giúp ông lập danh sau phim đầu tay "Barking dogs never bite" không mấy thành công đến nay vẫn để lại trong ông những nỗi ám ảnh. Và ông bảo mình đã không dám nhìn lâu vào gương mặt trên báo của tên sát thủ.
Trở lại với bộ phim Parasite, có nhiều người xem phim nhìn thấy một đường biên khác. Đó là vĩ tuyến số 38 chia cách hai miền Triều Tiên.
Bong nói: "Rất nhiều người Hong Kong tin rằng phim ảnh của họ trong thập niên 1990 chỉ để nói về một chủ đề là sự bất an của Hong Kong trước khi được trao trả lại Trung Quốc. Tôi tin có vài phim quả thực nói lên điều này, nhưng vài phim thì không. Nhưng người ta thích tin vào cảm nhận của mình. Tương tự với phim Hàn Quốc, mọi người hay nhìn thấy ẩn dụ Nam và Bắc. Nhưng riêng trường hợp này, tôi chỉ muốn nói về sự phân tầng. Hàn Quốc đã trở nên giàu có và tiến bộ hơn rất nhiều so với Triều Tiên, chúng tôi nổi tiếng với K-pop và Internet tốc độ cao, nhưng quốc gia càng giàu có, thịnh vượng, hào nhoáng thì những người nghèo trong nước lại càng cảm nhận sự bất bình đẳng dữ dội hơn."
Những người không thích Parasite đưa ra một lý do: phim tăm tối quá, và nó không để lại một cảm xúc tích cực nào khi xem phim. Nhưng Bong lại thích nhìn trực diện vào những vấn đề của thời đại này. Ông tuyên bố mình sẽ không bao giờ làm phim cho Marvel vì ông không thích những siêu anh hùng. Trên CNN, ông nói: "Tôi chỉ thích những nhân vật giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của họ".
Những nhân vật trong Parasite đều có thể là bất kỳ ai trong chúng ta. Họ dễ thương ở vài điểm và xấu xí ở vài điểm khác. Nhưng họ yếu đuối và trần tục như nhau. Đấy là thực tế, đấy là ta và những người quanh ta. Có một nhân vật ít được chú ý hơn ở trong phim là đứa trẻ con nhà Park. Xuyên suốt phim, ta không thấy bất kỳ một cử chỉ thân mật nào của bố mẹ với cậu. Và dù người mẹ Yeongyo rất yêu và gần như ám ảnh với con trai mình, ta cũng không thấy cô đến ôm nó hay chơi đùa cùng nó. Chỉ có bà quản gia Moongwang làm việc ấy. Bà ôm cậu bé vào lòng và trò chuyện với cậu. Thế nên khi bà bị sa thải, ta có cảnh quay cậu bé tội nghiệp, vốn đã lẻ loi nay lại càng cô đơn hơn. Đấy phải chăng cũng là mặt trái của giàu có, khi ta không có thời gian và điều kiện để yêu thương con của mình, như cách những người nghèo chăm nom con của họ.
Bong, dù dùng ống dòm hay kính hiển vi, đều chỉ ra một sự thực đâu lòng: sự bình đẳng chỉ là một ảo vọng, dân chủ tự do lời nói dối vĩ đại của chủ nghĩa tư bản. Vì sự phân tần vẫn luôn hiện hữu, những đường biên vẫn luôn hiện hữu. Gia sư, giúp việc hay lái xe có thể tiến lại thật gần đến độ có thể ngửi thấy mùi nhau, nhưng họ vẫn không cách gì bước qua ranh giới.
Parasite không mang trong mình một câu chuyện phương Đông. Nó không có võ thuật, không có đạo Phật hay những thiền sư, nó là một câu chuyện đương đại phù hợp cho tất cả vì các quốc gia theo một cách gì đó đã trở nên giống nhau. Mùa OSCAR năm nay nói về sự tan vỡ của những gia đình. Knives Out nói về một đám con cháu tranh giành thừa kế và cùng nhau chống lại một cô người làm yếu đuối. Marriage Story kể về câu chuyện li dị của một cặp đôi từng hạnh phúc. Joker kể câu chuyện của một kẻ phản anh hùng đã lớn lên từ một tuổi thơ tồi tệ với người mẹ có vấn đề tâm thần.
Và tất nhiên là sự tan vỡ trong Parasite. Phim của Bong Joon-ho, luận đến tận cùng, là câu chuyện của những sự hiểu lầm. Các nhân vật của ông đều gặp vấn đề lớn trong việc giao tiếp với nhau. Nỗi buồn và hài kịch hòa trộn vào nhau, khán giả nhìn thấy mâu thuẫn và rất muốn hòa giải họ. Nhưng rốt cục súng vẫn phải nổ như trong Memories of murder, dao vẫn phải đâm như trong Parasite. Và Bong Joon-ho luôn ghi lại tất cả những cảnh tượng hiểu lầm ấy với một sự cảm thông. Vì cũng như hiện thực phũ phàng về ảo vọng bình đẳng, con người rồi vẫn sẽ làm tổn thương nhau.
Vì ai cũng có những đường biên trong con người mình…