Ngày 24/1, Ngô Thanh Vân và ekip dự án phim Trạng Tí đã có một buổi họp báo nghiêm túc về các lùm xùm gần đây liên quan đến bộ phim. Ngô Thanh Vân bày tỏ sự lo lắng sâu sắc trước làn sóng tẩy chay tựa phim dựa trên Thần Đồng Đất Việt này. Bên cạnh đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng đã lên tiếng về loạt tranh cãi xoay quanh phần bổ tử (mảnh vải vuông được thêu trước ngực trên trang phục của quan).
Theo Phan Gia Nhật Linh, phần bổ tử này có hình cá chép thay vì hình Việt Nam (như trong truyện tranh) vì thế giới câu chuyện diễn ra có bối cảnh Lê Sơ nhưng hoàn toàn hư cấu. Dụng ý của anh khi thay đổi tạo hình nhân vật là để thể hiện sự phát triển của nhân vật, tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều cư dân mạng bác bỏ.
Đến hôm nay, 28/1, Trạng Tí lại gặp phải 1 "drama" mới. Trong đoạn trailer mới ra mắt, người xem được thấy nhân vật Tí cùng các bạn bè tham gia vào một trận đấu bóng đá làm từ trái bưởi. Quả bưởi bị các em nhỏ đá rơi xuống một cái giếng. Để lấy quả bưởi lên mà không phải trèo xuống giếng sâu, Tí đã dùng "bí kíp gọi bưởi" - múc nước từ nơi khác tới đổ xuống giếng, cho đến khi giếng đầy tận miệng.
Trạng Tí lấy quả bưởi rơi xuống giếng bằng cách đổ nước đến khi đầy
Quả bưởi bị rơi xuống giếng sâu
Các nhân vật nhí trong phim phải múc nước từ ao/hồ ở khá xa
Di chuyển tới giếng
Và lần lượt đổ nước nhiều lần cho đến khi nước giếng đầy
Được biết, tình huống này khá giống với với tình huống trong tập 1 của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt có tên gọi "Pháp sư gọi bưởi". Dù vậy ở trong truyện, quả bưởi không rơi xuống giếng, mà rơi xuống một cái hố nhỏ và sâu. Cách thức lấy quả bưởi lên thì giống nhau ở 2 phiên bản - Tí cũng đổ nước vào cái hố để lực nước tự đẩy quả bưởi lên.
Dù vậy, việc đổ nước xuống giếng như trong phim lại bị rất nhiều cư dân mạng phản biện là phi logic và vô lý. Thứ nhất, không ai làm việc là đổ nước từ ao bẩn vào giếng sạch cả. Bởi, không chỉ có mỗi lũ trẻ, mà còn cả người dân trong làng sử dụng. Việc làm bẩn giếng và không có nước ngọt để dùng có lẽ còn đáng lo hơn cả quả bưởi bị rơi xuống giếng.
Chi tiết thứ 2 khiến cho việc "gọi bưởi" trở nên vô lý bởi rất khó để làm đầy giếng theo cách này. Nước giếng thường là mạch nước ngầm, được thông qua lại với nhiều mạch nước khác nhau. Để đổ cho đầy giếng gần như không thể với lực lượng lao động là người lớn chứ đừng nói là chục đứa trẻ nhỏ. Thế nên, chỉ cần làm 1 thời gian ngắn là sẽ cảm thấy vô nghĩa. Dù vậy, vẫn có những ý kiến phản hồi cho rằng những giếng đang còn dùng thì không thể đổ đầy do nó có mạch nước, chứ nhiều giếng bỏ hoang ở quê nó cạn khô nước thì đổ nước vào vẫn đầy được
Hiện tại, các cư dân mạng cũng đang tiếp tục phản ứng gay gắt về chi tiết này. Còn bạn, theo bạn thì múc nước đổ vào giếng có làm giếng nước đầy lên tận miệng được không?