Phòng vé cuối năm sẽ là dịp để một số tác phẩm Việt ra mắt, xem như chốt hạ một năm khá yên ắng của thị trường điện ảnh trong nước. Trong số đó, Người Cần Quên Phải Nhớ đang nhận được sự chú ý lớn của khán giả vì công chiếu ngay dịp Giáng Sinh. Ngoài ra, dự án còn được nhào nặn bởi bộ đôi "trăm tỷ" - đạo diễn Đức Thịnh và NSX Charlie Nguyễn.
Để hiểu rõ thêm về tầm nhìn và quan điểm về nền phim ảnh trong nước hiện tại, chúng tôi đã có buổi trò chuyện vô cùng thú vị với Charlie Nguyễn, qua đó vô tình "trúng lớn" khi được anh chia sẻ rằng dự án Dòng Máu Anh Hùng 2 đang được triển khai và có cả Johnny Trí Nguyễn góp sức. Tuy nhiên, đó chỉ mới là "màn dạo đầu" cho hàng loạt thông tin dự án thú vị sắp tới mà Charlie Nguyễn đang ấp ủ.
Nếu Tiệc Trăng Máu đạt 100 tỷ thì phim lẽ ra sẽ được 200 tỷ ở thời không có COVID
Với tư cách một người khán giả, sau khi xem Ròm và Tiệc Trăng Máu thì đánh giá của Charlie về tình hình điện ảnh Việt thời quan vừa qua như thế nào?
Trước Ròm và Tiệc Trăng Máu thì tình hình dĩ nhiên rất thê thảm. Thế nhưng, chúng ta may mắn hơn các thị trường ở nước ngoài. Rạp nước ta vẫn hoạt động và khán giả vẫn còn lưu luyến với điện ảnh. Đó cũng là một niềm khích lệ để các nhà làm phim không nản chí và mạnh dạn quay lại làm tiếp những dự án còn dở dang.
Với Ròm thì tôi đã xem rất nhiều lần. Do thân với Huy nên tôi đã xem Ròm từ khi phim còn chưa xong. Khi Ròm ra mắt và được đón nhận như vậy, đó là điều mà người như chúng tôi rất mừng. Mừng lắm! Mừng vì Ròm không phải bộ phim dành cho công chúng, cho số đông, lại không phải một phim thương mại nhưng tôi thấy tất cả mọi người đều hỗ trợ, ủng hộ và đứng sau bộ phim. Điều này tạo nên một cơn sóng, khiến tôi nhìn ra được: "Ồ, cái này có thể cho các bạn làm phim độc lập, phim nghệ thuật có thể có nhiều cơ hội hơn. Nhà sản xuất cũng sẽ mạnh dạn hơn".
Một số ý kiến cho rằng Ròm thiên về một hiện tượng xã hội, mang tính dân tộc quá cao nên mới thắng lớn như thế. Anh nghĩ sao về điều này?
Ròm là bộ phim mà sẽ khó tìm được một phim thứ hai giống nó. Nó là một tiếng nói rất riêng biệt, mạnh mẽ của đạo diễn và biên kịch và nhà là phim. Nó chiến thắng vì như vậy, vì nó đặc trưng và đứng riêng ra một mình. Ròm có ngôn ngữ rất mạnh, không được làm ra với tư duy chiều lòng đơn đặt hàng của bên sản xuất hay thị hiếu của khán giả. Nó chỉ là một tác phẩm nghệ thuật của riêng tác giả, mang tiếng nói rõ ràng và độc lập. Nó đáng được tuyên dương. Nó xứng đáng có vị trí và chỗ đứng riêng của nó.
Vậy còn Tiệc Trăng Máu, đây có phải là một phim được "remake" quá an toàn hay không vì nó bám khá sát với bản Hàn?
Tiệc Trăng Máu có bản gốc là từ Ý và đã trải qua 18 lần remake. Nó là một câu chuyện thông minh, hấp dẫn, thời sự, hợp với thời đại mới này và còn mang tính toàn cầu. Nó không thuộc về riêng văn hoá của nước nào hết. Ai cũng có thể làm câu chuyện đó. Nó lại còn rất dễ sản xuất. Cũng có rất nhiều phim hay nhưng chúng ta không thể "remake" được. Còn phim này thì ai cũng có thể làm lại được. Nó giống như một vở kịch. Nó có rất nhiều yếu tố để nhà sản xuất kể lại ở thị trường, đất nước của mình.
Anh có từng nằm trong hội mong mỏi Tiệc Trăng Máu phá mốc "trăm tỷ"?
Thật sự rất mong luôn. Tôi mong phim còn đạt hơn 100 tỷ nữa kìa, nhưng tối thiểu là vượt mức 100. Nếu Tiệc Trăng Máu không kéo khán giả ra rạp, kiểu như bạn là người đam mê điện ảnh mà Tiệc Trăng Máu còn chẳng có sức lôi kéo bạn nổi thì tôi nghĩ khó có phim nào khác làm được.
Với thành công của Ròm, liệu có một khả năng nào đó khiến anh nghĩ Bụi Đời Chợ Lớn ngày xưa không gặp thời nhưng bây giờ nó có thể tái sinh ở một hình hài khác và ra rạp hay không?
Dĩ nhiên tôi rất ao ước Bụi Đời Chợ Lớn được chính thức "ra đời". Nó không phải kiểu "đi bụi" trên mạng hay một bản phim chưa xong, chưa có chỉnh nhạc hay âm thanh gì cả. Tôi đã rất buồn, giống như một người đầu bếp chưa nấu ăn xong mà món của mình mà đã được bưng ra, và mọi người phải ăn một món ăn chưa hoàn tất. Cái gì cũng có cái duyên thôi. Nếu duyên tới thì biết đâu chừng phim sẽ được "chính thức", không ra rạp cũng được miễn là chính thức cho bản gốc của mình thôi. Còn nếu được ra rạp thì còn nói gì nữa, đúng không? Nó cũng là vấn đề về tinh thần thôi chứ giờ cũng quá lâu rồi.
Quá lâu rồi nhưng "đầu bếp" có còn muốn "nấu" tiếp cho hoàn chỉnh hay không?
Có chứ! Nếu mà có cái duyên thì tôi sẽ ngồi xuống lục lại, làm lại cho mới. Hiện bây giờ đã bỏ một thời gian rồi thì chắc chắn khi quay lại với nó ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn, có thể thay đổi này, kia, nọ. Tôi nghĩ sẽ có cái gì đó mới và thú vị hơn.
Theo anh Charlie, với hành vi ra rạp của khán giả hiện tại tính đến sau Tiệc Trăng Máu thì họ đã trở lại với cái nếp đó được 100% chưa?
Tôi nghĩ là chưa đâu. Khó lắm, vấn đề không phải là đi xem phim hay không đi xem, hay thói quen xem phim ở nhà. Nó gồm nhiều yếu tố khác, như liên quan đến vấn đề kinh tế do nhiều người bị mất việc. Mọi thứ, mọi người cần phải ổn định lại. Giải trí vẫn là ưu tiên sau kinh tế gia đình mà, cho nên tôi nghĩ sẽ phải mất một thời gian nữa để mọi thứ trở về sự thăng bằng như hồi xưa. Hi vọng là qua năm sau thì ổn.
Ở góc độ nhà sản xuất, anh sẽ đặt kì vọng đối với tình hình hiện tại bằng bao nhiêu so với kì vọng đáng lẽ ra phải có?
Lấy ví dụ với Tiệc Trăng Máu. Nếu Tiệc Trăng Máu đạt 100 tỷ thì phim lẽ ra sẽ được 200 tỷ ở thời tiền COVID. Con số sẽ là gấp đôi. Mà đã nói năm sau thì thật ra cũng còn lâu lắm vì năm sau sắp tới rồi này nên chắc cũng mất cả năm đấy!
Ngày xưa, anh từng nói Thái Hoà chỉ hợp với vai "hài thiểu năng". Vậy anh thấy thế nào sau khi xem Tiệc Trăng Máu?
Thật ra Thái Hoà đóng vai nào cũng được cả. Thế nhưng, khán giả sẽ có xu hướng không thích anh ở Tiệc Trăng Máu bằng với khi anh đóng các nhân vật "hài thiểu năng". Bởi lẽ, Thái Hoà sở hữu những cái duyên để vào những vai như thế. Còn các hình tượng đậm mùi drama, bi kịch thì rất nhiều người có khả năng đảm nhận. Cho nên khi vào loại vai này, Thái Hoà vẫn sẽ diễn hay miễn bàn. Thế nhưng khi trở lại với "hài thiểu năng" thì anh sẽ có đất dụng võ và không ai có thể làm tốt hơn Thái Hoà.
Tôi vẫn mong phim ảnh được sống ở rạp chiếu...
Có thể gọi năm 2020 là một năm có quá nhiều thay đổi. Vậy thì quan điểm làm nghề và những quan sát nội tâm của riêng Charlie Nguyễn có sự thay đổi lớn nào hay không?
Không, không có gì lớn cả. Vẫn như vậy thôi, vẫn là làm phim hay. Quan điểm của tôi là khán giả chỉ đến với điện ảnh khi bộ phim thật sự hay, mang lại cho họ những giá trị thật sự. Thế nhưng, phim hay thì không thể có chuyện 10 người thì khen cả 10 rồi. Cho nên, chúng ta làm phim hay thì chỉ cần biết rõ sẽ có những khán giả họ đồng cảm với mình khi xem phim. Điều đó thể hiện qua cách làm phim chỉn chu và kể những câu chuyện hay. Khán giả họ bỏ ra 3 đồng thì sau khi xem phim và bước ra rạp, họ cảm thấy như nhận được một món quà giá trị hơn 3 đồng. Đó là cái tôi luôn luôn ao ước.
Tôi có nhiều mục đích làm phim lắm. Thứ nhất, đó phải là một tác phẩm nghệ thuật. Dù là một phim thương mại thì cũng là nghệ thuật, đồng thời có quá nhiều con người, quá nhiều chuyên môn và quá nhiều kinh phí trong đó. Thứ hai, tôi muốn cân bằng hai thứ ấy để phim có giá trị ở cả hai mặt. Nó phải xứng đáng với công sức đoàn phim vì đã bỏ ra thời gian và sức lực, đồng thời xứng đáng với sự đầu tư từ các nhà đầu tư đã tin tưởng mình.
Kề từ dịch, các rạp phim đã phải chật vật cạnh tranh với mảng phim trực tuyến. Là một nhà làm phim, Charlie Nguyễn có nghĩ ra chiến lược gì mới hay không?
Tôi vẫn mong phim ảnh được sống ở rạp chiếu. Điện ảnh phải được mọi người xem tại rạp thì mới thưởng thức tác phẩm thật trọn vẹn. Xem phim ở nhà bằng điện thoại, TV hay máy tính bảng thì chúng ta bị chi phối bởi bao nhiêu tiếng ồn xung quanh hay bị ngưng nghỉ giữa chừng vì công việc khác. Rồi những yếu tố về hình ảnh, âm thanh,... khiến cho bộ phim đến với khán giả không còn là sản phẩm mà nhà làm phim muốn gửi gắm từ đầu. Vì thế, tôi vẫn bảo thủ về chuyện điện ảnh phải được chiếu trên màn ảnh rộng để chúng ta có thể vào rạp, ngồi cùng nhau để thưởng thức những giây phút "thần tiên" ấy mà ở ngoài đời khó có thể bắt gặp được.
Ta cũng cần nhớ cơ sở hạ tầng ở bên Mỹ khá rộng lớn và được trang bị âm thanh 5.1 hay 7.1 hoành tráng, cộng thêm văn hóa xem phim tại nhà trước màn ảnh to và không gian yên tĩnh. Ở Việt Nam thì chưa có những điều đó vì nhà cửa nhỏ, xung quanh lại ồn ào tiếng xe cộ, hàng xóm, bố mẹ, anh chị em ỏm tỏi. Làm sao ta có thể có trải nghiệm như một "Cine thu nhỏ" như nước bạn? Cho nên, rất dễ để Disney chuyển qua mảng trực tuyến với 28 đô/phim và vân bán được. Giữa mình và nước ngoài vẫn còn sự chênh lệch như vậy.
Theo anh trong 5 năm đổ lại, gu khán giả có gì khác hay không?
Gu khán giả càng ngày càng khó hơn và đó là điều tốt. Khán giả càng đòi hỏi cao hơn, càng khó tính hơn thì lại càng có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, giới trẻ lại có học thức và hiểu biết tiếng Anh nên họ còn có gu xem phim nước ngoài, từ đó khiến cái tầm cảm phim nó khác với thời xưa. Kết quả những phim không hay, không chỉn chu và hời hợt sẽ không được khán giả chọn. Điều này sẽ làm phim Việt của chúng ta tốt lên.
Sẽ có Dòng Máu Anh Hùng phần 2!
Charlie Nguyễn chọn lịch chiếu cho Người Cần Quên Phải Nhớ vào Noel 2020 thì có hơi mạo hiểm quá không?
Làm phim là mạo hiểm! (cười) Bây giờ có COVID hay không COVID thì vẫn mạo hiểm như nhau. Không lẽ chúng ta cứ ngồi chờ như vậy hoài. Bây giờ tôi làm phim, ra mắt vào thời điểm "mạo hiểm" rồi sau đó... làm phim khác, vậy thôi!
Sự lựa chọn nam chính lần này của anh chiếm bao nhiêu % so với đạo diễn Đức Thịnh?
Cả hai người đều thích Trần Ngọc Vàng. Hai chúng tôi casting rất nhiều người nhưng không ai thích ai cả. Có một số bạn tôi thấy cũng được, Thịnh cũng vậy nhưng không có ai khiến mình mặn mà hết. Nhưng với Vàng thì không chỉ tôi, Thịnh mà tất cả những người tại buổi casting đều ưng. Ngay từ khi Vàng bước vào phòng. Không phải Vàng đẹp trai hơn những bạn này hay cao hơn các bạn khác. Chỉ đơn giản là do Vàng hợp vai Bình trong Người Cần Quên Phải Nhớ.
Charlie Nguyễn thường có những diễn viên trẻ mang tính "phát hiện". Anh có nghĩ Trần Ngọc Vàng sẽ là "Kaity Nguyễn phiên bản nam"?
Đây lại là điều mà ai cũng mong ước. Tôi cũng mong sẽ khám phá ra những gương mặt diễn viên trẻ, những tài năng trẻ như Kaity Nguyễn. Hiện tại ở nền điện ảnh Việt, đội ngũ diễn viên tốt rất khan hiếm nên tôi nghĩ, mỗi một phim là một cơ hội để chúng ta có thêm loạt cái tên mới có tài và được đào tại, mang trọng trách của một thế hệ mới với tư duy mới khác với thế hệ trước. Họ bắt nhịp nhanh hơn, chịu học hỏi hơn và học nhanh hơn, ngoài ra còn biết Anh ngữ và tiếp cận nhiều hơn với nền điện ảnh thế giới. Với Trần Ngọc Vàng, ban đầu tôi chỉ thích cậu ấy vậy thôi, thế nhưng sau khi xem bản dựng phim thì tôi thốt lên: "Ồ, sao bạn này làm nhớ đến Kaity Nguyễn quá!". Giống khi tôi từng xem Kaity diễn thì cũng cảm thán bạn ấy có gì đó quá nổi bật. Vàng có một cái "charm" của chàng trai trẻ, một cái duyên trên màn ảnh khó nói mà chưa bàn đến sắc diện hay khả năng diễn xuất.
Anh có cảm thấy Chị Mười Ba là đối thủ của Người Cần Quên Phải Nhớ khi phim của mình ra sau 1 tuần?
Tôi không nghĩ giữa chúng tôi là đối thủ. Mới hồi trưa chúng tôi có bàn qua vụ này luôn đó thôi! Tôi nghĩ Chị Mười Ba là một phim hành động, còn Người Cần Quên Phải Nhớ thiên về lãng mạn pha lẫn chút hài, chút hình sự. Nhưng bản chất của Người Cần Quên Phải Nhớ là một phim dành cho tình nhân, dành cho những ai lâu rồi không biết cảm xúc khi yêu thế nào.Tôi nhớ khi yêu thì thời gian qua nhanh lắm, yêu mà yêu nồng cháy, yêu mà nước mắt rơi chỉ vì quá hạnh phúc. Thời gian mới biết yêu nồng nhiệt và đắm đuối, yêu như kiểu La La Land ấy, đến và đi rất nhanh. Nên tôi nghĩ nếu có thêm một bộ phim tình cảm ướt át, làm mọi người rung động và khóc nào nữa bên cạnh cùng lúc với Người Cần Quên Phải Nhớ thì lúc đó ta mới bàn đến chuyện đối thủ.
Có điều đầu tiên nào của Charlie Nguyễn mà khán giả sẽ thấy ở Người Cần Quên Phải Nhớ hay không?
Tôi nghĩ khán giả sẽ thấy rất nhiều "Charlie" trong đó vì phim nào cũng có bóng dáng của tôi. Một phần do tôi cũng can thiệp khá sâu vào khâu biên kịch, casting và cả dựng phim. Sẽ thấy dấu ấn của tôi ấy nhưng cộng hưởng với Đức Thịnh thì sẽ tạo ra chút gì đó tếu tếu, ngộ ngộ. Đây là dự án mà tôi đã khởi động từ rất lâu, nằm trong máy tận 1 năm trời. Cho đến khi gặp Thịnh thì Thịnh bảo thích ý tưởng này, và thế là bắt tay vào làm. Sau khi xem La La Land tôi rất thích cái mà phim mang lại, và tôi muốn cảm xúc ấy phải có trong Người Cần Quên Phải Nhớ.
Tính ra là sau Em Chưa 18, Charlie Nguyễn chưa có phim nào thật sự thành công về mặt thương mại. Anh có cảm thấy áp lực hay không? Anh có con số kì vọng nào đối với Người Cần Quên Phải Nhớ?
Không đâu. Tôi chỉ áp lực chuyện làm phim hay hay không thôi, hoặc chuyện khán giả thắc mắc sao tôi lại để những điểm tệ thế này, thế kia xuất hiện trong phim khi ra mắt. Về doanh thu thì đây là câu chuyện khó nói. Đâu có ai nghĩ Em Chưa 18 lại thành công như vậy. Tôi cũng vậy. Trước giờ tôi chẳng bao giờ đoán đúng doanh thu phim nào cả hay bàn tới chuyện mọi người thích hay không. Tôi chỉ quan tâm những điều kiểu như khi khán giả xem phim ra có thể không thích phim đều chấp nhận rằng nó chứa đựng đầy đủ tâm tình của nhà làm phim, thể hiện được câu chuyện và tình yêu đối với nhân vật, và nó xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Ở cương vị sản xuất tôi có nhiều thứ phải lo nhưng về doanh thu, tôi chỉ mong nhà đầu tư không lỗ. May mắn là chưa có nhà đầu tư nào lỗ với những phim do tôi sản xuất. Chỉ có lời một chút hoặc lời rất nhiều thôi. Nên tôi hi vọng với Người Cần Quên Phải Nhớ, nhà đầu tư vẫn sẽ không lỗ, còn lời thì tốt! (cười).
Hoàng Yến Chibi đã ở biên độ vai lột xác kha khá nhiều. Anh có đánh giá gì về bạn ấy lần này không?
Hoàng Yến Chibi thật ra chưa từng yêu như trong Người Cần Quên Phải Nhớ. Đây là phim dành cho khán giả muốn trải nghiệm cảm giác yêu đương. Tình yêu kiểu này còn khác lạ và da diết hơn Tháng Năm Rực Rỡ nữa.
Lần đầu tiên kết hợp với Đức Thịnh, cả hai có sự lệch pha nào hay không?
Làm việc với ai thì tôi cũng muốn mọi người làm phim tốt lên và đặt tiêu chuẩn cao hơn, phải khó khăn với bản thân mình hơn. Nhưng tôi sẽ không "giẫm chân" lên đạo diễn, vẫn cho đạo diễn sự tự do làm phim. Tôi chỉ đứng sau để hỗ trợ và góp ý. Công việc nặng nhất của tôi là về kịch bản và hậu kỳ, còn lúc trên trường quay thì tôi để Thịnh chủ động.
Theo anh, Trần Ngọc Vàng là một quyết định an toàn hay mạo hiểm?
Đó là mạo hiểm và tôi lại thích sự mạo hiểm đó. Nhiều khi sự an toàn khán giả lại không thích. Khán giả đôi khi mê ở trong phim có những điều bất ngờ, và tôi tin Vàng là điều bất ngờ này. Tôi cũng đã "test" thử Vàng với một số cô gái trong đoàn phim, họ đều thú nhận "Ôi, Vàng có gì đó dễ thương quá anh ơi!".
Anh có thể chia sẻ nhanh gọn điểm gì ở Vàng khiến anh "chấm" bạn ấy không?
Đó chắc chắn là ánh mắt. Ánh mắt của Vàng rất biểu cảm, sáng và mạnh nhưng lại có nét diễn xuất khá nhẹ nhàng. Đặc biệt nhất là Vàng không "diễn", vì nhiều diễn viên ưa đặt lên vai mình trách nhiệm là phải "diễn" để khán giả thấy nhân vật phải thế này, thế kia. Tôi lại không thấy Vàng làm thế, cậu ấy chỉ trung thực với nhân vật của mình, không mang trách nhiệm "diễn" cho ai cả mà chỉ cần sống như Bình trong phim mà thôi. Ngoài ra còn có cả yếu tố hình thể. Nhiều diễn viên hình thể tốt nhưng khi diễn những cảnh đứng lên, ngồi xuống, lụm này, nhặt kia trông rất xấu và lọng cọng, Còn Vàng thì làm rất tự nhiên và đẹp giống như khi võ sĩ biểu diễn một bài quyền đẹp vậy.
Anh từng nói Kaity Nguyễn sẽ quyền lực như Ngô Thanh Vân. Vậy Hoàng Yến Chibi và Trần Ngọc Vàng sẽ là gì?
Hai bạn này còn mới quá nên anh không dám phán như thầy bói. (đùa) Với lại do tôi thân với Kaity và gia đình cô ấy, lại từng cộng tác qua hai bộ phim và thường xuyên gặp gỡ, tâm tình nên tôi thấy được cô gái này sẽ đi xa trong tương lai và tạo được ảnh hưởng lớn.
Bộ phim này có phải là bước đệm để anh trở lại với thể loại hành động?
Đây không hẳn là phim hành động. Yếu tố hành động chỉ "trang trí" thôi. Như tôi đã nói, đây là bộ phim về tình yêu. Nhưng hiện giờ tôi đang tiến hành thực hiện hai bộ phim hành động. Một là về quyền anh, đấm bốc đang phát triển kịch bản. Hai là Dòng Máu Anh Hùng 2 mà tôi và Johnny Trí Nguyễn đang ấp ủ dựa trên Nhạn trắng Cà Mau - ông nội tôi và là tổ sư môn phái Liên Phong. Còn một phim nữa lại hơi hướm khoa học - viễn tưởng pha chất giật gân. Dự kiến là trong vài năm tới tôi sẽ hoàn thành được tất cả.
Cảm ơn vì những chia sẻ rất thú vị của đạo diễn Charlie Nguyễn. Xin chúc cho Người Cần Quên Phải Nhớ sẽ có hành trình chinh phục phòng vé thuận lợi và thành công!
Trailer chính thức của Người Cần Quên Phải Nhớ
Nguời Cần Quên Phải Nhớ chính thức công chiếu vào ngày 24/12/2020.