Trước khi làm nên tên tuổi với vũ trụ DCEU thoogn qua bộ phim Wonder Woman, nữ đạo diễn Patty Jenkins đã được thuê để thực hiện phần 2 của Thor mang tên Thor: The dark World. Nhưng cuối cùng bà đã bỏ dở lưng chừng dự án và trao nó lại cho Alan Taylor, kết quả là Thor: The Dark World trở thành bộ phim đáng quên nhất của Marvel. Nó cũng là lý do khiến minh tinh Natalie Portman khó chịu với Marvel Studios trong thời gian dài, đồng thời tỏ ý không mặn mà với việc quay trở lại.
Thor: The Dark World bị khán giả chê là thiếu điểm nhấn, thiếu phong cách đặc trưng, trở thành tác phẩm bị đánh giá kém nhất của Marvel, khiến cho Thor trở nên vô cùng mờ nhạt trong cả biệt đội Avengers dù đã có hơn một phim riêng. Phải đến Thor: Ragnarok với đạo diễn Taika Waititi, thần Sấm mới có được một bộ phim chất lượng xứng đáng với vị thế của mình.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Patty Jenkins đã tiết lộ lý do đằng sau quyết định rời đi của mình. Nguyên nhân nằm ở chỗ bất đồng trong kịch bản, và với thân phận là phụ nữ thì rất có thể bà sẽ phải chịu phần lớn chỉ trích khi phim không thành công.
“Tôi không tin là mình có thể làm ra bộ phim chất lượng với cái kịch bản họ thông qua. Nó sẽ trở thành rắc rối rất lớn, và tất cả sẽ nghĩ đây hoàn toàn là lỗi ở tôi. Người ta sẽ làm như: “Ôi trời ơi, đạo diễn là bà này và bà ta đã bỏ qua hàng đống thứ như thế này”. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ rằng tốt hơn hết nên để cho người khác làm. Có thể họ hiểu và yêu nhân vật hơn tôi. Nhưng dù sao thì bạn cũng không thể làm phim mà không hề tin tưởng vào nó. Lý do duy nhất để vẫn làm chắc là để chứng minh bản thân có thể làm được. Nhưng liệu sẽ chứng minh được cái gì nếu không thành công? Tôi quyết định không nên liều lĩnh, và đó là quyết định đúng đắn”.
Thay vì cứ nhắm mắt làm cho xong và hy vọng nhận khoản thù lao hậu hĩnh, Patty Jenkins đã kiên định với quan điểm của mình và rời đi vì không tin sẽ làm được. Và thực tế đã chứng minh đó là sự lựa chọn chính xác. Trong khi Thor: The Dark World bị quên lãng, thì Wonder Woman của bà thực sự là cuộc cách mạng, mở đầu cho thời kỳ nữ giới đóng vai trò chủ đạo trong thể loại siêu anh hùng.